Quản lý thị trường Kiên Giang vững bước cùng truyền thống 65 năm của lực lượng
Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp (1954), Miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn. Lợi dụng những kẽ hở trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nhất là một số sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức của ta, một số phần tử xấu nhân cơ hội này kích động chính trị, gây rối thị trường, vơ vét, đầu cơ, tích trữ hàng hóa, tạo sự khan hiếm để trục lợi làm thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc luật số 001-SL ngày 19 tháng 4 năm 1957, cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 163/TTg về việc cấm chỉ hành động đầu cơ về kinh tế. Tiếp đến ngày 03 tháng 7 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 290/TTg thành lập Ban Quản lý thị trường Trung ương và các Ban Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố và khu tự trị trong cả nước, kể từ đây ngày 03 tháng 7 hàng năm được chọn làm ngày truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường.
Sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất. Thời điểm này, do chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và chúng ta đã phải duy trì quá lâu chế độ quản lý kinh tế hành chính quan liêu, bao cấp, cộng với cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền, làm cho nền kinh tế nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Trước tình hình đó, ngày 16 tháng 7 năm 1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký Quyết định số 190/CP thành lập Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng để hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện công tác quản lý thị trường.
Để hoàn chỉnh hệ thống tổ chức kiểm tra, kiểm soát thực hiện các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường các cấp, ngày 02 tháng 10 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng có Nghị quyết số 249/HĐBT về tổ chức lực lượng chuyên trách kiểm tra kiểm soát thị trường, các Đội Quản lý thị trường trực thuộc Ban chỉ đạo Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và cấp huyện, quận, thị xã được thành lập.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), với chủ trương cải cách và mở cửa thị trường, cho phép phát triển nhiều thành phần kinh tế, mở rộng quan hệ buôn bán với nhiều nước trên thế giới, bình thường hóa với Trung Quốc và Mỹ. Nhờ vậy, kinh tế nước ta từng bước khởi sắc, sản xuất phát triển, lưu thông hàng hóa thông thoáng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, lại xuất hiện mặt trái là tình hình buôn lậu qua biên giới, trốn thuế, đặc biệt là buôn lậu theo đường biển ở các tàu viễn dương. Trước thực trạng đó, tháng 8 năm 1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) quyết định thành lập Ban công tác đặc nhiệm chống buôn lậu và quản lý thị trường ở các tỉnh phía Nam và Ban công tác đặc nhiệm chống buôn lậu ở các tỉnh phía Bắc.
Ngày 06 tháng 12 năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 398/HĐBT hợp nhất Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương, Ban công tác đặc nhiệm phía Bắc và phía Nam thành Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương với nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thống nhất chỉ đạo công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác.
Ngày 25 tháng 4 năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/CP giao Bộ Thương mại chịu trách nhiệm thống nhất chỉ đạo công tác quản lý thị trường, đồng thời chuyển giao bộ máy làm việc, tài liệu, tài sản thuộc Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương sang Bộ Thương mại.
Sự kiện pháp lý quan trọng đối với lực lượng Quản lý thị trường, đó là ngày 23 tháng 01 năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định 10/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức Quản lý thị trường, trong đó xác định “Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách được tổ chức từ Trung ương đến huyện, có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước”.
Ngày 03 tháng 01 năm 1996, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 12/NQ-TW về thương nghiệp, trong đó định hướng “xây dựng lực lượng Quản lý thị trường theo yêu cầu chính quy, tổ chức chặt chẽ”. Là cột mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng Quản lý thị trường, từ lực lượng kiêm nhiệm, liên ngành, tổ chức không chuyên trách thành lực lượng chính quy, tổ chức một cách có hệ thống từ Trung ương tới địa phương.
Năm 2000, thi hành luật Thương mại năm 1995, Quản lý thị trường được Chính phủ giao thêm chức năng Thanh tra chuyên ngành.
Để tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành của Trung ương và địa phương ngày 27 tháng 8 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 127/2001/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Thương mại làm Trưởng Ban, ủy viên là thứ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cục và Chi cục Quản lý thị trường được giao thêm nhiệm vụ là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 127 các cấp. Tiếp đến năm 2014, Ban chỉ đạo 127 được củng cố và thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 Quốc gia).
Trong 65 năm qua, cơ cấu tổ chức của lực lượng đã có nhiều thay đổi qua từng giai đoạn phát triển chung của đất nước. Đặc biệt, từ năm 1995, sau khi được tổ chức lại theo Nghị định 10/CP, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, quy định các vấn đề liên quan đến tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Ngày 08 tháng 3 năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2016; ngày 04 tháng 11 năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường và ngày 10 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg là văn bản pháp quy cao nhất quy định vị trí, chức năng, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương là sự kiện pháp lý và là dấu mốc hết sức quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình trong gần 65 năm hình thành và phát triển của lực lượng Quản lý thị trường cả nước, từ một lực lượng tổ chức không chính quy, hoạt động phân tán theo địa giới hành chính trở thành lực lượng được tổ chức thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng theo yêu cầu “xây dựng lực lượng Quản lý thị trường theo yêu cầu chính quy, tổ chức chặt chẽ” như Nghị quyết số 12/TW ngày 03 tháng 01 năm 1996 của Bộ Chính trị đã quy định. Đây là niềm tự hào vì địa vị pháp lý của lực lượng Quản lý thị trường được nâng lên, nhưng trách nhiệm theo đó càng nặng nề hơn. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng sẽ tiếp tục phát sinh những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường nhưng với bề dày lịch sử vốn có, chúng ta tin tưởng rằng, lực lượng Quản lý thị trường sẽ vững bước đi lên theo nhịp phát triển chung của đất nước.