Lai Châu: Họp sơ kết công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2022

Trong quý I/2022, tình hình thị trường hàng hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lai Châu phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân trong tỉnh. Giá cả của nhiều nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, thuốc tân dược, quần áo may sẵn... giữ mức ổn định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân đã dần đi vào nề nếp, người tiêu dùng đã nhận thức đầy đủ hơn về thông tin sản phẩm hàng hóa, qua đó việc lựa chọn, mua sắm những sản phẩm có chất lượng, thời hạn sử dụng và nguồn gốc xuất xứ được đảm bảo.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 gia tăng, thị trường hàng hóa trang thiết bị y tế như khẩu trang, nước sát trùng, kít test có nhu cầu tăng cao, lực lượng QLTT Lai Châu đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm góp phần ngăn chặn việc tích trữ, đầu cơ hàng hoá, việc lợi dụng tình hình dịch bệnh bán hàng tăng giá quá mức thu lợi bất chính ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Đ/c Đỗ Văn Tính, Cục trưởng Cục QLTT Lai Châu chủ trì Hội nghị
Thực hiện nhiệm vụ công tác Quản lý thị trường quý I năm 2022, Cục Quản lý thị trường đã chủ động xây dựng các kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; đặc biệt là kinh doanh hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ổn định kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong quý I/2022, Cục QLTT Lai Châu chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo thực hiện kiểm tra 181 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 72 vụ với số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước và trị giá hàng hóa vi phạm là 407 triệu đồng.
Tại hội nghị các đồng chí lãnh đạo các Phòng, Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường báo cáo kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát những thành tích đạt được trong Quý I tháng năm 2022.
Cùng với đó, các Phòng, Đội nêu khó khăn, vướng mắc, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm trong công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, đồng thời có kiến nghị, đề xuất để cùng tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát trong Quý II năm 2022.
Kết luận Hội nghị đồng chí Cục trưởng Đỗ Văn Tính, Cục trưởng Cục QLTT đã đánh giá những kết quả đạt được đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua và đề ra những giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm trong quý II năm 2022, cụ thể:
Chủ trì, phối hợp cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác quản lý địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát thường xuyên đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản lý, trong đó, tập trung vào các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; cương quyết áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định hiện hành; kiến nghị thu hồi giấy phép và giám sát chặt chẽ các cửa hàng đã bị thu hồi giấy phép. Tiếp tục theo dõi sát việc thực hiện cam kết của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các đại lý, tổng đại lý, các thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các nội dung đã ký kết, không để xảy ra tình trạng đóng cửa, ngừng hoạt động tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu mà không có lý do chính đáng theo quy định; chủ động đề xuất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các doanh nghiệp, nhất là các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn nếu thấy cần thiết.
Tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra tại các địa phương trong tỉnh, triển khai tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2022. Tăng cường phối hợp với các cơ quan có chức năng liên quan trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm soát các đường biên, lối mở để hạn chế hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh lưu thông qua biên giới bất hợp pháp; kiểm tra, giám sát hoạt động của các thương nhân mua bán thịt lợn nhằm tránh tình trạng đầu cơ trục lợi đồng thời tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xử, hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến... và các hành vi vi phạm về niêm yết giá, bán hàng trên địa bàn quản lý./.