Pu Nhi làm giàu từ đất dốc: Vùng cao phủ xanh lê vàng, mận ngọt

Tận dụng khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng đặc trưng của vùng đồi núi, xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) đang từng bước chuyển mình bằng việc phát triển cây ăn quả lâu năm. Những đồi sắn, nương ngô cằn cỗi dần được thay thế bằng những vườn lê vàng, mận hậu, đào, mắc cọp… mở ra hướng đi bền vững cho người dân vùng cao.
Tái thiết sinh kế từ những triền đồi
Tọa lạc giữa vùng núi cao của Điện Biên, xã Pu Nhi có vị trí địa lý thuận lợi khi chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 40 phút di chuyển. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhất là cây ăn quả tập trung. Nhận thấy tiềm năng này, chính quyền xã đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những nương sắn, ngô hiệu quả thấp trên đất dốc đang dần được phủ xanh bởi những vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Theo ông Nguyễn Đình Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Pu Nhi, những năm qua, xã đã phối hợp triển khai nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững… Trong đó, người dân được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây như lê vàng, mắc ca, đào, mận…, góp phần xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng khí hậu, hiệu quả kinh tế cao.
Cây lê vàng hiện là giống cây mới nhưng đang phát huy hiệu quả rõ rệt tại Pu Nhi. Chỉ tính riêng diện tích lê vàng đến nay đã đạt hơn 40ha. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các chợ phiên trong xã, chợ truyền thống khu vực TP. Điện Biên Phủ cũ, và từng bước tiếp cận với thị trường tỉnh bạn.
Anh Hạng A Tủa ở bản Háng Trợ chia sẻ: "Từ năm 2023, gia đình tôi đã chuyển 3.000m² nương sắn, ngô sang trồng gần 300 gốc lê vàng xen canh với các loại cây ngắn ngày như dưa mèo, bí xanh. Nếu thời tiết thuận lợi, sang năm 2026, một phần vườn sẽ cho bói quả. Hy vọng thu nhập sẽ ổn định và lâu dài hơn canh tác truyền thống trước kia".
Không riêng bản Háng Trợ, người dân bản Nậm Ngám cũng đang tích cực chuyển đổi theo hướng tương tự. Ông Lò Văn Dung – một trong những hộ đi đầu – hiện sở hữu khoảng 1.000 gốc cây ăn quả các loại, trong đó có hơn 300 gốc lê đang cho thu hoạch. "Trung bình mỗi cây đạt sản lượng khoảng 1 tạ/vụ. Với giá bán từ 15.000 – 25.000 đồng/kg, mỗi năm tôi có thể thu hàng trăm triệu đồng – điều chưa từng nghĩ tới trước đây", ông Dung hồ hởi chia sẻ.
Kinh tế hộ vươn lên, nông thôn khởi sắc
Việc mở rộng diện tích cây ăn quả không chỉ mang lại thu nhập cao hơn cho người dân mà còn giúp chuyển đổi sinh kế bền vững, góp phần bảo vệ đất, chống xói mòn và giữ môi trường sinh thái. Những vườn cây lâu năm giờ không chỉ là “của để dành” mà trở thành nguồn sống chính cho nhiều gia đình vùng cao.
Theo đánh giá của UBND xã, các giống cây như lê vàng, đào, mận hậu… đang phát triển tốt, phù hợp với khí hậu và điều kiện đất đai địa phương. Không ít hộ dân sau vài năm chuyển đổi đã có thể xây nhà mới, sắm sửa đồ dùng hiện đại và cho con em học hành đầy đủ. Cùng với đó, chợ phiên Pu Nhi trở thành điểm kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ, giúp bà con không phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Việc phát triển cây ăn quả không chỉ là hướng đi riêng của Pu Nhi mà còn là chiến lược quan trọng để vùng cao Điện Biên Đông thoát nghèo một cách bền vững. Khi người dân có sinh kế ổn định từ chính mảnh đất mình gắn bó, nông thôn mới không còn là đích đến xa vời – mà đã bắt đầu hiện diện rõ ràng từ mỗi gốc cây, quả ngọt giữa núi đồi xanh thẳm.