“Bắc cầu” tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dân tộc

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được Đảng, Chính phủ và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại khu vực này. Nhằm làm rõ hơn về vai trò và những kết quả nổi bật trong quá trình triển khai, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương. Cổng Thông tin điện tử Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước xin trích dẫn những chia sẻ của Phó Cục trưởng Bùi Nguyễn Anh Tuấn về nội dung này:
PV: Thưa ông, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là một trong những hoạt động được Đảng, Chính phủ, Nhà nước đặc biệt quan tâm và Bộ Công Thương cũng được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ trong hoạt động này. Xin ông chia sẻ về những giải pháp Bộ Công Thương đã triển khai nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực đặc thù này?
PCT Bùi Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm thực hiện chính sách dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội tại vùng dân tộc thiểu số. Thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN, Bộ Công Thương (Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước) đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, Chương trình, đồng thời chủ trì triển khai các chương trình, nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025: Bộ Công Thương đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 02 nội dung: (1) Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng ĐBDTTS&MN; (2) “Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN”. Thực hiện Chương trình, Bộ Công Thương đã ban hành: Công văn số 4292/BCT-TTTN ngày 25/7/2022 và Công văn số 142/BCT-TTTN ngày 08 tháng 01 năm 2024 gửi UBND các tỉnh/thành phố để hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động nêu trên.
Thứ hai, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm mục tiêu: phát triển hạ tầng thương mại biên giới; tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội của các địa phương biên giới, góp phần nâng cao đời sống cư dân khu vực biên giới; đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.”
Thứ ba, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 1162/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ) với mục tiêu tổng quát: “nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”.
Thứ tư, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ”, với mục tiêu tổng quát: “Phát triển thị trường trong nước nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam…”.
Ngoài các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN nêu trên, Bộ Công Thương đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, trực tiếp ban hành và triển khai nhiều Chương trình trong đó có thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP có góp phần tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN, điển hình: Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình khuyến công quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, Chương trình OCOP, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030…
PV: Xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng chuỗi liên kết, xây dựng điểm phân phối… để tìm đầu ra cho các nông sản đặc thù khu vực dân tộc thiểu số và miền núi là những giải pháp mà Bộ Công Thương triển khai rất mạnh thời gian qua. Hiệu quả của hoạt động này đến nay ra sao, thưa ông?
PCT Bùi Nguyễn Anh Tuấn: Thực hiện các giải pháp, chương trình, nhiệm vụ nêu trên, đặc biệt việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN nội dung “Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng ĐBDTTS&MN” và “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN” của Bộ Công Thương theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg đã đạt được những kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, tạo sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương và các đối tượng thụ hưởng (doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tại vùng ĐBDTTS&MN): Chương trình đã tạo được sự đồng tình ủng hộ trong đồng bào DTTS&MN, sự đồng thuận của các cấp ủy chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành. Huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, đã làm thay đổi căn bản bộ mặt vùng ĐBDTTS&MN.
Các địa phương và các đối tượng thụ hưởng đều đánh giá cao tính cấp thiết trong việc triển khai 02 nội dung của Bộ Công Thương. Đa số các địa phương đề xuất tiếp tục triển khai 02 nội dung nêu trên trong giai đoạn 2026-2030.
Thứ hai, tạo nguồn vốn đầu tư nâng cao cơ sở vật chất hệ thống chợ tại vùng ĐBDTTS&MN: Sau 03 năm triển khai thực hiện chương trình với nội dung “Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng ĐBDTTS&MN” hạ tầng chợ tại vùng được cải tạo, nâng cấp, dần đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân (tính đến 31/12/2024 có 218 chợ được đầu tư dựng mới và cải tạo, nâng cấp; trong đó xây dựng mới là 79 chợ và cải tạo, nâng cấp là 139 chợ).
Thứ ba, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh tế tại vùng ĐBDTTS&MN.
Thực hiện Chương trình, Bộ Công Thương đã hỗ trợ 07 địa phương (Tuyên Quang, Kon Tum, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Bắc Cạn, Quảng Trị, Nghệ An) triển khai nhiệm vụ “Hỗ trợ xây dựng mô hình thương mại hai chiều nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN và cung ứng mặt hàng thiết yếu cho địa phương”. Bên cạnh đó, các chương trình OCOP, điểm bán hàng việt được thực hiện giai đoạn qua cũng góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN đặc biệt khi các Chương trình này được thực hiện tại các tỉnh vùng ĐBDTTS&MN.
Thứ tư, bước đầu hình thành các mối liên kết, chuỗi cung ứng trong sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề cho sản xuất hàng hóa tại khu vực vùng ĐBDTTS&MN phát triển theo hướng bền vững: Một số vùng sản xuất nông sản được hình thành với các sản phẩm chất lượng được kết nối vào các hệ thống phân phối hiện đại (hệ thống siêu thị) như các sản phẩm nông sản của Sơn La (mận, nhãn, rau củ quả...), các sản phẩm OCOP của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vải thiều Bắc Giang, Sâm Ngọc Linh...
Đặc biệt một số sản phẩm cùng vùng ĐBDTTS&MN đã vươn tầm quốc tế (xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU, Australia…) như vải thiều (Bắc Giang), Dâu Tây (Sơn La).
Thứ năm, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN. Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN: (1) Mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến hết 31/12/2024 đạt bình quân 3,4%, dự kiến cả giai đoạn đạt 3,2% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao). (2) Mục tiêu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến hết 31/12/2024 đạt bình quân 42,7 triệu đồng, dự kiến cả giai đoạn đạt 46,4 triệu đồng tăng 3,3 lần so năm 2020 (mục tiêu tăng trên 2 lần).
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, hướng về cơ sở; Khối đại đoàn kết giữa các dân tộc được giữ vững, đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bùi Nguyễn Anh Tuấn
PV: Dù Đảng, Nhà nước, Chính phủ vô cùng quan tâm đến đầu ra của sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, song đầu ra của các sản phẩm này vẫn còn nhiều khó khăn. Cùng với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và phân phối cần phải phát huy ra sao trong thời gian tới, thưa ông?
PCT Bùi Nguyễn Anh Tuấn: Dù đã có sự quan tâm rất lớn từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ, ban hành các chính sách, chương trình để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi bên cạnh các chính sách hỗ trợ vĩ mô của Nhà nước, vai trò chủ động, năng động của các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) là vô cùng quan trọng trong việc liên kết tạo các kênh tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN một cách bền vững. Trong nền kinh tế thị trường, các câu hỏi sản xuất cho ai, sản xuất cái gì và sản xuất như thế nào đều do «Thị trường» quyết định. Do đó thời gian tới, doanh nghiệp phân phối cần phát huy vai trò dẫn dắt sản xuất của thị trường, các hợp tác và doanh nghiệp sản xuất là đầu mối tổ chức sản xuất hàng hóa, cầu nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con vùng ĐBDTTS&MN, thông qua các hoạt động như: Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, bao tiêu sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường cho các đơn vị sản xuất; nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm thông qua các hoạt động: hỗ trợ kỹ thuật, giống, vật tư; đầu tư vào chế biến sâu; xây dựng thương hiệu và bao bì sản phẩm; mở rộng kênh phân phối và xúc tiến thương mại: phát triển đa dạng kênh bán hàng, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại; liên kết với các đơn vị sản xuất.
Doanh nghiệp và HTX cần thực sự trở thành "bà đỡ", "người dẫn dắt" trong chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN. Sự chủ động, đầu tư bài bản, liên kết chặt chẽ với nông dân, hợp tác xã trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ là chìa khóa để giải quyết căn cơ bài toán đầu ra, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho bà con, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại vùng ĐBDTTS&MN.
Đặc biệt các doanh nghiệp phân phối lớn cần thực hiện vai trò đầu tầu trong việc tổ chức các kênh tiêu thụ sản phẩm cho và con vùng ĐBDTTS&MN. Đây là một cách tiếp cận hợp tác cùng có lợi, kết nối sản xuất nhỏ lẻ ở vùng ĐBDTTS&MN, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
PV: Vừa rồi, chúng ta đã lắng nghe những chia sẻ từ chuyên gia, doanh nghiệp về những điểm còn hạn chế trong tiêu thụ nông sản và các sản phẩm đặc trưng vùng dân tộc. Phải khẳng định lại rằng, những sản phẩm hàng hóa của vùng ĐBDTTS&MN có nhiều lợi thế, tiềm năng không chỉ ở chất lượng mà còn đậm đà bản sắc dân tộc. Những lợi thế này sẽ được phát huy ra sao trong những giải pháp của Bộ Công Thương thời gian tới nhằm rộng mở đầu ra cho sản phẩm?
PCT Bùi Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian tới để tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nói chung và sản phẩm của vùng ĐBDTTS&MN nói riêng, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
Tiếp tục tổng kết các chương trình, đề án và đề xuất các chính sách nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN trong giai đoạn tới. Tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN, trong đó chú trọng tới yếu tố văn hóa của sản phẩm.
Thứ hai, phát triển Thương mại điện tử (TMĐT) và ứng dụng công nghệ số: Hỗ trợ đưa sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN lên sàn TMĐT.
Thứ ba, xây dựng và quảng bá thương hiệu dựa trên lợi thế đặc trưng của sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN: Xây dựng các chiến dịch truyền thông tổng thể, kể những câu chuyện hấp dẫn về sản phẩm gắn liền với con người, văn hóa và cảnh quan vùng DTTS&MN để nâng cao nhận diện và giá trị thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng.
Thứ tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn thị trường của các sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN: Phổ biến thông tin thị trường (thông tin về xu hướng tiêu dùng, yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu); hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì (Khuyến khích và hỗ trợ đổi mới bao bì sản phẩm vừa hiện đại, tiện dụng, vừa thể hiện được nét đặc trưng văn hóa dân tộc).
Thứ năm, lồng ghép và phối hợp thực hiện các chính sách: Tích hợp các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng DTTS&MN vào Chương trình cấp quốc gia về XTTM, Chương trình phát triển TMĐT quốc gia, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đề án “Đối mới thương thức tiêu thụ nông sản”, Chương trình OCOP,…
Thứ năm, Phối hợp chặt chẽ với Bộ Dân tộc và Tôn giáo và các địa phương trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2026-2030, Bộ Công Thương đã có Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình và đề xuất các nội dung thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 gửi Chủ trương trình tổng hợp trình cấp có thẩm quyền, các hoạt động định hướng trong giai đoạn tới bao gồm: Các hoạt động nghiên cứu, đề xuất giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, phiên chợ nhằm quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN, lễ hội...Tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ, kết nối cung cầu, diễn đàn các lễ hội gắn thương mại với du lịch; truyền thông nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm của vùng DTTS&MN; hỗ trợ xây dựng và thực hiện một số mô hình nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng ĐBDTTS&MN; tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại tại vùng ĐBDTTS&MN nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN.