“Bảo vệ người tiêu dùng từ môi trường mạng đến thị trường khu vực châu Á Thái Bình Dương”

Hội thảo có sự góp mặt của đại diện nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thế giới với mục đích giúp cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan nhận biết hàng thật, hàng giả.
Thương mại điện tử (TMĐT) thế giới phát triển bùng nổ những năm gần đây, năm 2019 doanh thu đã vượt 2000 tỷ USD và xu hướng sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở nhiều quốc trên thế giới trong thời gian tới, trong đó Châu Á Thái Bình Dương sẽ là khu vực phát triển sôi động nhất.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh khẳng định, TMĐT xuyên biên giới đang phát triển mạnh và trở thành xu hướng tất yếu trong thương mại toàn cầu. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia trong việc hợp tác thúc đẩyphát triển cũng như kiểm soát hoạt động này.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh phát biểu tại Hội thảo
TMĐT phát triển mang lại nhiều lợi ích cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng mua sắm tiện lợi hơn, giá cả rẻ hơn, giúp doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, tiếp cận thị trường, giảm chi phí,… nhưng cũng mang lại nhiều thách thức cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý hiệu quả để quản lý hoạt động TMĐT cũng như đối với công tác thực thi ngăn chặn các gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng.
“Đang có những bất bình đẳng giữa việc kinh doanh trực tuyến (online) và kinh doanh theo phương thức truyền thống (offline) khi thực hiện công việc kinh doanh online đang rất đơn giản, dễ dàng. Do vậy, Bộ Công Thương cũng đang cố gắng xây dựng khung pháp lý hoàn thiện để mang lại sự bình đẳng cho 2 loại hình kinh doanh này” - Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết.
Ông Ronald Brohm, Giám đốc điều hành Hiệp hội Chống hàng giả quốc tế
Theo ông Ronald Brohm, Giám đốc điều hành Hiệp hội Chống hàng giả quốc tế (React), hàng giả đang trở thành một vấn nạn nghiêm trọng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Trên thế giới, 3,3% tổng sản lượng kinh doanh bị ảnh hưởng bởi hàng giả. Hàng giả diễn ra ở mọi nơi, trên môi trường mạng và cả ở ngoài thực tế.
“Châu Á Thái Bình Dương đã và đang trở thành khu vực có sức tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên đi cùng với đó, hiện tượng hàng giả, hàng nhái trên thị trường cũng vì thế mà tăng theo. Chính vì vậy, cần có sự chung tay của các lực lượng chức năng cũng như doanh nghiệp mới có thể giải quyết và ngăn ngừa tình trạng trên”, Giám đốc điều hành Hiệp hội chống hàng giả quốc tế nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, lực lượng QLTT Việt Nam đã tiến hành kiểm tra và xử lý nhiều vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Đơn cử, tại Cục QLTT Hà Nội, mới đây, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra, xử lý hoạt động bán điện thoại giả mạo nhãn hiệu Samsung tại số 27 Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội. Trong vụ việc này, đối tượng sử dụng tên miền: samsungvietnam.online (đây là tên miền gần giống với tên miền của hãng Samsung tại Việt Nam) và copy toàn bộ các nội dung trên trang điện tử của hãng Samsung đối với các sản phẩm điện thoại di động nhằm tạo lòng tin cho khách hàng trước khi xác nhận mua hàng. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Đội QLTT số 1 đã tiến hành rà soát toàn bộ các địa chỉ liên quan, có dấu hiệu trùng khớp với hoạt động của website trên. Bằng biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 1 xác định được tên miền của website trên được mua thông qua một đại lý tên miền có trụ sở tại Hà Nội.
Qua công tác xác minh đối với đại lý tên miền trên và kết hợp với các thông tin đã rà soát được, ngay trong ngày, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Phòng An ninh công nghệ cao – Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra, xử lý đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nói trên. Thực tế tại thời điểm kiểm tra, số hàng hóa nhãn hiệu Samsung tại cơ sở chỉ có trị giá là: 62.060.000 đồng nhưng qua đấu tranh và các số liệu lưu trữ trên các website do đơn vị đang sử dụng thì trị giá số hàng hóa đã tiêu thụ đối với nhãn hàng Samsung là: trên 485 triệu đồng.
Đây là một vụ việc điển hình về kinh doanh hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu bằng thương mại điện tử. Các đối tượng sử dụng website nhưng địa chỉ đăng trên website là địa chỉ ảo, người đứng tên mua website là một người khác nhưng người thực sự sở hữu và sử dụng lại là một người khác. Quá trình hoạt động, đối tượng sử dụng rất nhiều các website và được liên kết với nhau qua các đường link hiện trên giao diện của các website.
Tại Hàn Quốc 69% số hàng bị thu giữ tại khu vực Hải quan nước này liên quan đến các gói hàng nhỏ. Trong thời gian qua, Hải quan Hải Quốc phối hợp với tổ chức có tên TIPA (một tổ chức phi lợi nhuận do các nhãn hàng cùng nhau thành lập) để đưa ra những bài giảng, hỗ trợ các lực lượng chức năng như nhân viên hải quan, lực lượng thi hành pháp luật có thêm những kiến thức về kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm của các thương hiệu lớn để từ đó đưa ra nhận định, đánh giá về chất lượng các sản phẩm được gửi qua đường bưu kiện có vi phạm hay không.
“Tại Hàn Quốc, đối tượng vi phạm sử dụng hình thức gửi bằng những gói hàng nhỏ để tránh nguy cơ tịch thu nhiều. Điều này đã gây khó khăn cho chúng tôi trong quá trình thực thi nhiệm vụ bởi các nhân viên hải quan không thể nào kiểm tra tất cả gói hàng được gửi. Đó là chưa kể, một số đối tượng cố tình thể hiện những lỗi rõ rệt để Hải Quan tập trung kiểm tra, từ đó phân tâm dẫn đến không đủ thời gian để kiểm tra các gói hàng khác”, đại diện Hải quan Hàn Quốc chia sẻ.
Kinh nghiệm kiểm tra thực tế, đại diện Hải quan Hàn Quốc cho rằng chủ sở hữu và bộ phận hải quan cần có một số biện pháp tổng quan như xác nhận người gửi, sử dụng chụp hình tự động để gửi cho chủ sở hữu thương hiệu để có thể nhanh chóng xác minh những vi phạm về hàng hóa nếu có. Đây là nhiệm vụ chính được TIPA phối hợp với Hải quan Hàn Quốc thực hiện và mang lại hiệu quả cao.
Trong năm 2019, lực lượng Hải Quan Hàn Quốc đã kiểm tra và phát hiện 35.000 vụ, thu giữ 191.000 vật dụng. Trong đó, 99,9% vật thể là hàng nhái, hàng giả. Các thương hiệu có sản phẩm bị làm giả phổ biến là Nike, LV, Chanel, Gucci với các loại hàng hóa như gậy Golf, son môi, thời trang. Đa số được sản xuất từ Trung Quốc.
“Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và nhãn hàng, sự hợp tác của các bên giao hàng thì việc kiểm tra và bắt giữ các gói hàng giả không thể mang lại hiệu quả” đại diện Hải quan Hàn Quốc khẳng định.
Tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội Chống hàng giả quốc tế đã trao chứng nhận cho một số Nền tảng thương mại điện tử như: Lazada, eBay, DH gate, Alibaba, india MART, Shopee Taiwan và Sendo Vietnam vì đã có những đóng góp cũng như bảo vệ thương hiệu cho các chủ sở hữu, hỗ trợ người bán hàng, phát triển nhãn hiệu, giám sát và hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp.