Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc trực tuyến với Lãnh đạo chủ chốt trong toàn lực lượng Quản lý thị trường

Cùng tham dự buổi họp có Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ như: Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Hóa chất, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Xúc tiến tương mại.
Kể từ khi thành lập Tổng cục và chuyển đổi mô hình theo ngành dọc năm 2018 đến nay, đây là lần đầu tiên, lãnh đạo Bộ Công Thương làm việc với toàn lực lượng quản lý thị trường ở 3 cấp (từ tổng cục, Cục đến tận các đội) tại 63 tỉnh thành trong cả nước.
Chính vì vậy, mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá đây là một cuộc họp quan trọng, cần thiết và cấp bách được diễn ra trong bối cảnh cũng rất đặc biệt, khi nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, việc một số sự việc xảy ra với cán bộ của lực lượng một lần nữa cho thấy: Sau 3 năm chuyển đổi theo mô hình ngành dọc, đã đến lúc cần nhìn nhận, đánh giá lại toàn lực lượng trên tinh thần, cái gì làm được, làm tốt cần phát huy, cái gì còn tồn tại, hạn chế phải chấn chỉnh kịp thời. Nhất là trong bối cảnh, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào sân chơi toàn cầu, nền kinh tế có độ mở cao, đã nảy sinh nhiều phương thức kinh doanh mới, nền tảng công nghệ mới, đi liền với đó là cũng sẽ phát sinh những vụ việc mới, phương thức, thủ đoạn gian lận mới, đòi hỏi năng lực, đạo đức, nghiệp vụ của cán bộ cũng ngày một cao hơn.
Nhắc lại sự việc đáng tiếc xảy ra những ngày qua liên quan đến một số cán bộ, công chức quản lý thị trường vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu: Những sai phạm xảy ra vừa qua phải được nhìn nhận đúng, mỗi cán bộ phải cảm thấy đau lòng, đáng tiếc khi sự việc lại xảy ra với ngành mình để từ đó rút kinh nghiệm cho chính bản thân. Nếu không thẳng thắn nhìn nhận, không nhận ra cái sai, không kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh thì hậu quả nặng nề hơn, khắc phục khó khăn hơn.
“Chúng ta phải xây dựng được lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, chính quy, hiện đại trong thời gian tới, để xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Bộ Công Thương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Thành quả đáng ghi nhận
Báo cáo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, sau 3 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, Tổng cục đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, bổ nhiệm cán bộ toàn lực lượng, ổn định tư tưởng cho công chức, người lao động để tập trung hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Tính đến hết tháng 7/2021, đã bổ nhiệm chính thức 32 Cục trưởng, 25 Quyền Cục trưởng và 6 phụ trách Cục. Đặc biệt, công tác bộ máy đã được tinh gọn, từ 681 Đội QLTT, đến nay, cả lực lượng chỉ còn 376 Đội QLTT (giảm 45%).
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, mô hình mới đã khắc phục được tình trạng cắt khúc theo địa giới hành chính; thực hiện quản lý tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương; phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường cả nước.
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh
Đặc biệt, giai đoạn 2018 đến nay, lực lượng QLTT đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc lớn, nổi cộm; tấn công, triệt phá các đường dây ổ nhóm như: 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và tại TP HCM; chuyển Cơ quan điều tra xem xét xử lý 03 vụ việc liên quan đến vi phạm về C/O tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Vĩnh Phúc; Chuyên án 117-D của Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu đường tại An Giang và các tỉnh lân cận; xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai; thu giữ 36.000 viên hồng phiến và 04 kg ma tuý tổng hợp tại Hà Tĩnh; phát hiện gần 1 triệu khẩu trang y tế do Việt Nam sản xuất không hóa đơn, chứng từ tại Quảng Bình; kiểm tra xưởng sản xuất 2.000m2 sản xuất khẩu trang và gia công găng tay cao su có dấu hiệu đã qua sử dụng với số lượng lớn tại Hòa Bình...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến làm việc với Tổng cục QLTT và 63 Cục QLTT các tỉnh/thành phố trên cả nước
Bên cạnh đó, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý gần 212.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước ước trên 1.210 tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2021, toàn lực lượng kiểm tra 41.702 vụ, xử lý 25.596 vụ vi phạm (tỷ lệ số vụ xử lý/ số vụ kiểm tra đạt hơn 61%). Một số đơn vị có tỷ lệ vụ xử lý/vụ kiểm tra cao là các Cục như: Hà Nội, Lạng Sơn, Đồng Nai, TP HCM, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Hà Nam, Thái Nguyên. Đặc biệt, Cục QLTT Hà Nội đạt 100% số vụ kiểm tra có phát hiện vi phạm. Thu nộp ngân sách 192 tỷ đồng, tăng 11%. Trị giá hàng hóa tịch thu chưa bán 141 tỷ đồng, giảm 35%. Trị giá hàng tiêu hủy 102 tỷ đồng, tăng 29%.
Nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Hữu Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại. Đó là nhận thức QLTT chưa được đồng bộ, nhất quán trong toàn lực lượng; Chất lượng đội ngũ công chức chưa đồng đều; Công tác kiểm tra, giám sát nội bộ còn chưa nghiêm; Cùng với một số yếu tố khách quan như lực lượng mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng, có đội địa bàn 3-4 huyện, phương tiện chưa đủ. Hệ thống pháp luật còn trùng lặp, chưa đồng bộ.
Theo đó, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng “Đã đến lúc cần xác định lại khái niệm QLTT, mang tính giám sát cảnh báo, dự báo, kiểm tra cả khâu sản xuất. Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ”. Đồng thời, đề nghị Bộ xem xét chức năng nhiệm vụ mới thay thế Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018; phụ cấp chức vụ lãnh đạo Đội; tín hiệu ưu tiên; sớm có hành lang pháp lý về trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục QLTT TP HCM cũng cho rằng, sau 3 năm chuyển đổi mô hình, công tác QLTT đã được nâng lên, nhận thức của người dân về hàng gian, hàng giả cũng được cải thiện rõ rệt, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 người dân có xu hướng tiêu dùng thông minh hơn. “Chúng ta có một bộ máy hoạt động thống nhất từ trung ương đến địa phương. Mô hình mới, hoạt động theo ngành dọc đã khắc phục các bất cập của mô hình tổ chức cũ bị phân tán, cắt khúc theo vùng lãnh thổ; hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được triển khai đồng bộ, kịp thời, thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, nhân sự vẫn thế nhưng nhiệm vụ thì nhiều hơn, song cán bộ công chức QLTT TP HCM luôn nỗ lực, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn kiểm tra, kiểm soát, vừa góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.
Đề xuất những giải pháp xây dựng lực lượng QLTT trong sạch, vững mạnh hơn trong thời gian tới, Cục trưởng Trương Văn Ba kiến nghị, xử lý dứt khoát, triệt để những hành vi vi phạm. “Trước kia, chúng ta xử lý không triệt để, không dứt khoát nên những sai phạm sau này càng lớn hơn. Do vậy, phải kiên quyết, không bao che, xử lý nghiêm để ngăn chặn các hành vi sai phạm”.
Ông Đặng Văn Ngọc - Cục trưởng Cục QLTT Lạng Sơn cho biết, dưới sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ, từ Tổng cục xuống Cục, xuống đến các Đội QLTT, lực lượng QLTT Lạng Sơn đã đánh đúng, đánh trúng vào nhiều tụ điểm về buôn lậu, gian lận thương mại. Số liệu thống kê cho biết, 3 năm trở lại đây, lực lượng QLTT Lạng Sơn đã kiểm tra, kiểm soát 8.136 vụ, số tiền phạt vi phạm hành chính gần 140 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, tính đến ngày 19/8, lực lượng QLTT Lạng Sơn đã kiểm tra tổng 1.680 vụ, tổng số tiền thu từ xử lý vi phạm hành chính là hơn 23 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT Lạng Sơn kiến nghị, cần trang bị phương tiện phục vụ công tác, xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao Tổng cục QLTT từ khi chuyển sang mô hình ngành dọc, vị thế ngành trên toàn quốc đã nâng lên rõ rệt, đã cho thấy sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt, nhất quán và chủ động từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt đã triệt phá nhiều vụ án có quy mô lớn.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, lực lượng QLTT vẫn chưa thể hiện được sự khác biệt, chưa cho thấy sự thay đổi thật sự về chất. Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị lực lượng QLTT cần quan tâm hơn nữa đến đạo đức công vụ. Coi đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất. Bên cạnh đó, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác; Đặc biệt là tinh thần đoàn kết trong toàn lực lượng và quan tâm đến sức khỏe của cán bộ QLTT ở tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng ghi nhận những nỗ lực, kết quả sau 3 năm chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới của lực lượng QLTT. “Lực lượng QLTT đã bắt đầu chính quy, tiến lên hiện đại thông qua việc trang bị cơ sở vật chất, đổi mới trang phục; phối hợp với trường Đại học Kinh tế Quốc Dân đào tạo lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An biểu dương.
Tuy nhiên, Thứ trưởng vẫn cho rằng, những kết quả này vẫn chưa tương xứng với sự kỳ vọng của Chính phủ, của Bộ Công Thương, ngành Công Thương, doanh nghiệp và người dân. Đối với những hành vi vi phạm của cán bộ công chức QLTT trong thời gian qua, Thứ trưởng đề nghị, phải kiên quyết làm trong sạch bộ máy, sẵn sàng loại khỏi bộ máy những cán bộ tha hóa, biến chất làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng Quản lý thị trường. Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu, người đứng đầu Tổng cục, Cục QLTT các địa phương cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, làm gương cho cán bộ, công chức QLTT cấp dưới.
6 nhiệm vụ trọng tâm
Đánh giá cao những thành quả của lực lượng QLTT trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, nhiều đơn vị đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Một số đơn vị, cá nhân đã lập chiến công xuất sắc trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra những tổn tại, hạn chế, đó là tính chủ động và chất lượng tham mưu, đề xuất đối với cấp có thẩm quyền chưa thật cao; Công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, chương trình, kế hoạch công tác năm – tháng - quý và thực hiện những nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ cũng như của Tổng cục ở một số đơn vị còn lúng túng, hiệu quả thấp; Chưa cho thấy độ quyết liệt, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn; Vẫn còn tình trạng né tránh, thỏa hiệp, ngại va chạm khi xử lý các vấn đề, vụ việc theo thẩm quyền; Tiêu cực trong thi hành công vụ còn xảy ra với mức độ vi phạm tăng dần, từ vi phạm cấp độ hành chính cho đến hình sự…
Nguyên nhân dẫn đến những tồn trên, theo Bộ trưởng có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Khách quan ở chỗ, công tác QLTT là một việc khó khăn, phức tạp, có nhiều cám dỗ, môi trường làm việc khá độc lập. Chưa kể, địa bàn lĩnh vực hoạt động rất rộng, trong khi lực lượng mỏng, phương tiện, điều kiện còn thiếu; mô hình Tổng cục mới được vận hành nên còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ cơ chế kiểm soát, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực QLTT chưa đồng bộ trong khi các yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao; sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng liên quan; vai trò cấp ủy, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị và vai trò tiền phong, gương mẫu của Đảng viên, Đoàn viên, các tổ chức chính trị ở nhiều đơn vị chưa phát huy hiệu quả…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế kể trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, cần phải phải chấn chỉnh lại toàn bộ lực lượng. Những sự vụ xảy ra gần đây cần được coi là bài học kinh nghiệm, thậm chí là bài học đau đớn để xây dựng lực lượng ngày một chính quy, tinh nhuệ, có đạo đức chuyên môn và là đơn vị tham mưu cho Bộ đưa ra những quyết sách, quy định đúng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao 6 nhiệm vụ trọng tâm mà lực lượng QLTT phải thực hiện trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt kỹ các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn ngành với việc thực hiện thật tốt các nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, cần phát huy các kết quả đã đạt được cũng như khắc phục những tồn tại hạn chế để làm tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới. Từ những sự vụ đau lòng xảy ra thời gian vừa qua, Tổng cục, các đơn vị Cục cũng như mỗi đơn vị trực thuộc cần rút kinh nghiệm để chủ động rà soát, giải quyết các vấn đề còn nội tại, trên cơ sở tuân thủ pháp luật, phù hợp với thực tiễn, phát huy tính dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của từng đơn vị.
Thứ ba, giao lãnh đạo Tổng cục QLTT thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, đề xuất việc ban hành các quy chế, quy định, quy trình mới về công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật cán bộ thật nghiêm túc, phù hợp các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn trong việc kiểm tra, giám sát công tác, nhằm siết lại kỷ luật, kỷ cương, nguyên tắc làm việc của toàn Ngành. “Tôi yêu cầu phải hoàn thiện trước ngày 31 tháng 12 năm nay. Tổng cục QLTT phải tự ban hành những quy định của mình và tham mưu cho Bộ trưởng để có những văn bản chỉ đạo, điều hành, đúng, trúng, phù hợp với bối cảnh, thực tiễn” – Bộ trưởng lưu ý.
Thứ tư, các Vụ, Cục nghiệp vụ của Tổng cục, nhất là các cục QLTT ở các tỉnh, thành phố khẩn tương rà soát, chấn chỉnh lại công tác tổ chức thực thi nhiệm vụ của đơn vị; Chú trọng công tác đánh giá, dự báo tình hình trên từng địa bàn để có phương án, kế hoạch cụ thể, phân công phù hợp; Cần chú trọng công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, có kế hoạch luân chuyển địa bàn, lĩnh vực phụ trách một cách phù hợp, tránh tâm lý ỷ lại, chủ quan, tiêu cực, trì trệ; Xây dựng, thực hiện cơ chế, giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ, nghiệp vụ thường xuyên, đột xuất; xử lý nghiêm sai phạm; Giao ban thường xuyên, rút kinh nghiệm kịp thời trong toàn đơn vị; Duy trì chế độ thỉnh thị, báo cáo, đề xuất công tác với Tổng cục, Bộ.
Thứ năm, toàn ngành chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục; Cụ thể, làm tốt công tác thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật. Xây dựng, vận hành và phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn, kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành xử lý vi phạm hành chính, cơ sở dữ liệu quản lý nhân sự, tài sản và các cơ sở dữ liệu khác phục vụ công tác quản lý thị trường theo phân công của Bộ trưởng và theo quy định của Pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân ...
Thứ sáu, thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, của Ngành về về công tác quản lý sử dụng tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao theo phân công của Bộ trưởng, của Tổng cục và quy định của Pháp luật. Trong từng đơn vị, phải chú trọng giáo dục, rèn luyện nâng cao nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức. Quan tâm xây dựng, phát huy vai trò tổ chức Đảng, Đảng viên, đoàn viên của các tổ chức chính trị trong đơn vị.
“Trong cuộc họp này, những gì chúng ta làm được, những gì hạn chế, yếu kém cũng đều đã được chỉ ra. Tôi hy vọng, lực lượng quản lý thị trường sẽ phát huy được những kết quả đạt được thời gian qua song song với việc khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, để trở thành lực lượng chính quy, tinh nhuệ, tiên phong, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đúng như mong muốn, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân” – Bộ trưởng nhấn mạnh.