Cà Mau: Sơ kết tình hình hoạt động Quản lý thị trường 09 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024

Ảnh: BLĐ Cục chủ trì Hội Nghị
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, này từ đầu năm Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau đã ban hành các kế hoạch công tác năm 2024, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bình ổn thị trường, chủ động nắm sát diễn biến thị trường, nhất là các thời điểm diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, mưa bão, đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường hàng hoá phục vụ đời sống người dân và sản xuất kinh doanh; kịp thời kiểm tra, xử lý những vấn đề phức tạp phát sinh, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau luôn bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường và UBND tỉnh Cà Mau, tổ chức triển khai các kế hoạch công tác, kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong đó chú trọng công tác phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương được chặt chẽ, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với nhiều lĩnh vực, mặt hàng, nhất là trong các dịp cao điểm, không để phát sinh các điểm nóng, phức tạp trên địa bàn; góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh - chính trị, kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi tích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Triển khai hiệu quả các Kế hoạch công tác, tích cực tham gia phối hợp trong thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc vi phạm. Tại các địa bàn, luôn duy trì Tổ công tác, quản lý địa bàn, tổ chức thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại địa phương.
Công tác tuyên truyền được quan tâm và ngày càng nâng cao chất lượng nội dung hơn; công tác khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc được thực hiện kịp thời, tạo động lực phấn đấu cho các cán bộ, công chức thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao.
Kết quả trong 09 tháng đầu năm 2024 (từ 15/12/2023 đến 24/9/2024), các Đội QLTT tiến hành kiểm tra 812 vụ (tăng 11 vụ so với 09 tháng năm 2023), xử lý 446 vụ/540 hành vi vi phạm hành chính (giảm 71 vụ so với 09 tháng năm 2023).
Tổng số tiền xử phạt hành chính, buộc thu lợi bất hợp pháp theo Quyết định XPVPHC: 5.260.621.000 đồng (đã nộp vào NSNN: 3.141.859.650 đổng).
Kết quả thực hiện tiêu chí thi đua năm 2024 của Cục được Tổng cục Quản lý thị trường giao đạt 89,76%.
Ảnh: Qang cảnh Hội Nghị
Tuy nhiên, hiện nay tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, tình trạng kinh doanh hàng cấm, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu, hàng kém chất lượng, vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hoá, mã số mã vạch, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn xảy ra trên địa bàn, mặt hàng vi phạm chủ yếu là:Thực phẩm, sản phẩm công nghệ; quần, áo, giầy, dép, mỹ phẩm, dược phẩm; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn xảy ra. Với chức năng nhiệm vụ được giao, trong những tháng còn lại của năm 2024 Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
- Tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục QLTT và UBND tỉnh, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên và công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, các kế hoạch công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ban hành.
- Tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Công điện của Bộ Công Thương; chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; Tổng cục Quản lý thị trường. Thực hiện chế độ báo cáo theo nội dung Công điện 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ Công Thương.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025 (Kế hoạch 888 của Tổng cục); Kế hoạch công tác về Thương mại điện tử năm 2024 của Cục Quản lý thị tỉnh Cà Mau theo Quyết định số 18/QĐ-QLTTCM ngày 29 tháng 02 năm 2024; Kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp theo Quyết định 75/QĐ-QLTTCM ngày 27 tháng 6 năm 2024; Kế hoạch Kiểm tra chuyên đề dịp trước, trong và sau Tết Trung thu năm 2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau theo Quyết định số 99/QĐ-QLTTCM ngày 28/8/2024, Kế hoạch kiểm tra chuyên đề về xăng dầu, Kế hoạch kiểm tra chuyên đề triển khai "Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm" và công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2024.
- Các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu có tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Đặc biệt là nhóm lĩnh vực, mặt hàng: Hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại và hàng giả; lương thực, thực phẩm; sản phẩm động vật, gia súc, gia cầm; xăng dầu, mặt hàng vàng, hoạt động thương mại điện tử, mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản; rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới; đường cát, hàng điện tử, điện lạnh, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…, Tập trung vào các mặt hàng được tiêu dùng nhiều của người dân trong dịp cuối năm, chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết; chống đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý, lợi dụng tình hình, hình thức khuyến mại, giảm giá để gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng…
- Tiếp tục công tác tuyên truyền, đăng tin bài trên website của Cục QLTT, phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng kịp thời tuyên truyền thông tin các vụ việc nổi cộm; công khai các trường hợp vi phạm theo quy định để cảnh báo, phòng ngừa; vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn thực hiện đúng cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ hàng cấm, nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa vi phạm khác; thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.