Mở cửa Phòng trưng bày chuyên đề "Nhận diện hoá - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường"
Chuyên đề trưng bày riêng về hóa - mỹ phẩm
Chính thức khởi động phòng trưng bày từ cuối tháng 11 năm 2021, Tổng cục QLTT đã tổ chức hàng chục chương trình trưng bày với hàng nghìn sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao và được ưa chuộng trên thị trường. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chương trình trưng bày chuyên biệt về lĩnh vực hóa - mỹ phẩm - thực phẩm chức năng được triển khai.
Các chương trình trưng bày được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn, mua sắm sản phẩm chính hàng, rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng vi phạm, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường.
Việc trưng bày theo chuyên đề sẽ được Tổng cục QLTT thực hiện xuyên suốt trong năm 2023.
Tại phòng trưng bày "Nhận diện hóa - mỹ phẩm trên thị trường" tổ chức sáng ngày 06/3 có hơn 500 sản phẩm của trên 30 nhãn hiệu thuộc các nhóm ngành hàng như: dầu gội đầu, sữa tắm, nước hoa, thực phẩm chức năng đến từ một số thương hiệu lớn như: SUNSILK, CLEAR, TRESemme', Dove's, ROMANO, HEAD& SHOULDERS, XMENS, BIOTIN; Sữa tắm các thương hiệu: ENCHANTEURS, SKIN:S, LANCOM, RUBY, S.K.S; Sản phẩm dưỡng da, làm đẹp thuộc các thương hiệu: OLAY, ABUTINE, VELVET, kem kích trắng da Vitamin BIO, Arrahan, Collagen X3 Luxury, viên làm trắng siêu tốc Ngọc Liên, mỹ phẩm Huyền Phi, Bạch Ngọc Liên... Phần lớn các sản phẩm được lực lượng QLTT phát hiện và thu giữ trong thời gian qua.
Chia sẻ với các cơ quan báo chí truyền thông, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, hóa - mỹ phẩm là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều, nhất là đối với chị em phụ nữ. Đáng chú ý, đây là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại thị trường Việt Nam. Vài năm trở lại đây, nhất là từ khi thương mại điện tử phát triển, mạng xã hội trở thành kênh bán hàng online phổ biến, thì việc quảng cáo, bán những mặt hàng này rất sôi động.
“Trong một năm trở lại đây, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử phạt, thu giữ và chuyển sang cơ quan Công an hàng trăm vụ việc liên quan đến hóa mỹ phẩm vi phạm, với số lượng lớn để tiếp tục điều tra, xử lý hình sự”, Tổng Cục trưởng thông tin.
Cũng theo Tổng Cục trưởng, nguyên nhân dẫn đến hành vi sản xuất, kinh doanh làm giả hóa mỹ phẩm là do số lượng tiêu dùng rất lớn, tỷ lệ người mua hàng đa số là chị em phụ nữ đều có nhu cầu chăm sóc, làm đẹp. Đối với dược phẩm, là thuốc, người bệnh thường có tâm lý “có bệnh vái tứ phương” do vậy, họ không mấy khi quan tâm đến giá cả, miễn là mua được thuốc, do vậy dễ mua phải thuốc giả.
Sản phẩm tại Phòng trưng bày
“Mới đây, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra điểm chứa trữ trong khu đô thị Times City, phát hiện gần 3 tấn thực phẩm chức năng và nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc xuất. Toàn bộ số thuốc này đựng trong các bao tải, túi lớn, không có bao bì, nhãn mác. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh kinh doanh hợp pháp sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh dẫn chứng và cho biết, trước đó, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp kiểm tra phát hiện 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả mạo các thương hiệu.
Tổng Cục trưởng khẳng định, hóa mỹ phẩm, dược phẩm gắn liền với sức khỏe của người dân, do vậy, đây tiếp tục là những mặt hàng trọng điểm nằm trong kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên và đột xuất của lực lượng Quản lý thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
"Khó phân biệt bằng mắt thường"
Tại Phòng trưng bày lần này, các sản phẩm hàng thật - hàng vi phạm tiếp tục được đặt cạnh nhau nhưng không có biển chỉ dẫn nhằm mục đích giúp người tiêu dùng cũng như khách tham quan có thể nhận diện, phân biệt hàng thật, hàng vi phạm bằng cảm quan sau đó đối chiếu các dấu hiệu đã được các cơ quan chức năng đưa ra, từ đó tăng tính nhận diện, kiến thức để phân biệt, tránh mua phải những sản phẩm bị làm giả.
Tham quan phòng trưng bày, nhiều người dân cho biết, các sản phẩm giả được làm rất công phu, tỉ mỉ, nếu không có sản phẩm thật để so sánh, người tiêu dùng rất khó để phân biệt, rất dễ mua, sử dụng phải hàng giả, hàng vi phạm. Đơn cử như sản phẩm thuốc elevit sản xuất tại Úc này, bằng mắt thường rất khó phân biệt.
Sản phẩm Elevit (dành riêng cho phụ nữ mang thai) được trưng bày tại Phòng trưng bày của Tổng cục QLTT
Tuy nhiên, "qua việc trưng bày ở đây, tôi có thể phân biệt được rằng, loại thuốc này không đóng vào chai mà ở dạng vỉ thuốc; mẫu mã của elevit thật, hàng chính hãng Úc sẽ có màu trắng, chỉ đóng gói theo hình chữ nhật màu trắng hồng 100 viên/hộp, gồm 10 vỉ, mỗi vỉ có chứa 10 viên thuốc. Ngoài ra, không có tờ hướng dẫn hay bất kì giấy tờ nào khác có trong hộp. Bên cạnh đó, viên thuốc elevit có màu trắng, hình bầu dục với chiều dài 17mm, bên ngoài không có mùi, không vị" - chị T. (Hai Bà Trưng) chia sẻ.
Chánh Văn phòng Nguyễn Minh Phương giúp người dân, khách tham quan phân biệt sản phẩm
Lưu ý, khuyến cáo người tiêu dùng tránh mua phải các sản phẩm hàng hóa vi phạm, Chánh Văn phòng Tổng cục Nguyễn Minh Phương cho biết, hàng hóa vi phạm ngày càng được làm giả một cách rất tinh vi, khó phát hiện. Các sản phẩm vi phạm, giả trông không khác gì hàng thật. Do vậy, để tránh mua, sử dụng những sản phẩm vi phạm, người tiêu dùng nên đến các địa chỉ, cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt, phải thận trọng khi chọn mua hàng hóa qua các sàn, kênh thương mại điện tử.
Lãnh đạo Tổng cục QLTT khuyến cáo, người dân hãy là người tiêu dùng thông thái bởi, hiện nay các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... từ đó, lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm. Đối với các sản phẩm là thuốc, nên mua tại các cửa hàng, cửa hiệu đã được Bộ Y tế cấp phép, tránh mua trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội…
Phòng trưng bày phân biệt thật giả - Kênh thông tin ý nghĩa, thiết thực
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí, phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm của Tổng cục Quản lý thị trường là một kênh truyền thông rất ý nghĩa, thiết thực trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan, giúp người tiêu dùng trang bị được nhiều kiến thức, thông tin mới trong lựa chọn, nhận diện hàng thật, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, đây sẽ là một trong nhiều công cụ phục vụ hiệu quả cho công tác kiểm soát, ngăn chặn xử lý các sản phẩm giả, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm trên thị trường thì việc mở cửa phòng trưng bày "Nhận diện hoá - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường" sẽ giúp người tiêu dùng trang bị thêm khả năng nhận biết về sản phẩm để hạn chế một cách thấp nhất những rủi ro trong quá trình mua sắm.
Hoá phẩm, mỹ phẩm là những sản phẩm có tỉ lệ làm giả rất là cao trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, mạng xã hội rất phát triển và trở thành kênh quảng cáo, bán hàng rất mạnh, các sản phẩm hoá phẩm, mỹ phẩm kém chất lượng cũng vì thế đến tay người tiêu dùng nhanh hơn. Trong vài năm trở lại đây, lực lượng Quản lý thị trường cũng đã chuyển cơ quan công an tiếp tục điều tra, khởi tố rất nhiều vụ việc liên quan đến hoá phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm giả với số lượng lớn - ông Linh cho hay.
Theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, lực lượng cũng xác định hoá phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm liên quan đến sức khoẻ của người dân, do vậy đây là mặt hàng trọng điểm trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại của lực lượng quản lý thị trường, nhất là trên môi trường Internet. Đặc biệt, trong năm 2023, ngay từ đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường cũng có những chuyên đề phát hiện, tấn công vào các cơ sở kinh doanh vi phạm liên quan đến việc các mặt hàng hoá phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm.
Bên cạnh đó, việc mở của phòng trưng bày lần này sẽ là một kênh thông tin để khách tham quan, người dân tìm hiểu thông tin, nhận diện các sản phẩm hoá - mỹ phẩm giả nhằm có sự lựa chọn tốt nhất có bản thân và gia đình.
Phòng trưng bày "Nhận diện hoá - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường" sẽ diễn ra từ 6/3 đến 11/3/2023.