Nếp Cáy Nọi - “Hạt ngọc trời” dẻo thơm của người dân tộc Thái tại Thanh Hoá

Lúa nếp Cay Nọi được xem là cây trồng chủ lực của đồng bào Thái ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2021, sản phẩm lúa nếp Cay Nọi đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của huyện Mường Lát. Đây là lợi thế để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Quang Chiểu phát huy thế mạnh trong xây dựng nông thôn mới với mục tiêu thoát nghèo cho các hộ dân nơi đây.
Giống Lúa nếp Cay Nọi có nguồn gốc từ Lào, được du nhập vào huyện Mường Lát từ những thập niên 80 của thế kỷ trước. Và cũng từ đó đến nay, giống lúa ấy đã được người dân bản địa gìn giữ và phát triển như một loại nếp quý. Lúa nếp Cay Nọi có hương vị đặc trưng, hạt lúa có màu nâu đỏ, gạo trắng, khi đồ lên có vị thơm ngọt, mềm dẻo. Sản phẩm gạo nếp thường được bà con dùng để đồ xôi, nấu chè, làm bánh... Lúa nếp Cay Nọi vì thế còn gắn liền với đời sống bà con dân tộc Thái trong sinh hoạt, ẩm thực, vào các dịp lễ, Tết.
Cây lúa nếp Cay Nọi được trồng 1 vụ duy nhất trong năm. Từ khoảng tháng 6 hàng năm, người dân địa phương bắt đầu gieo mạ và cấy ở chân ruộng bậc thang thấp. Đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 sẽ là khoảng thời gian thu hoạch. Huyện Mường Lát đã nỗ lực xây dựng một số sản phẩm có lợi thế của địa phương trở thành sản phẩm OCOP, trong đó Lúa nếp Cay Nọi là sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện vào năm 2021. Toàn xã Quang Chiểu hiện có hơn 400 ha đất nông nghiệp, thì có hơn 300 ha trồng lúa nếp Cay Nọi.
Xác định lúa nếp Cay Nọi là cây trồng chủ lực, thời gian qua xã Quang Chiểu đã nỗ lực mở rộng diện tích, từng bước thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm. Gạo nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm hàng hóa được thị trường ưa chuộng đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ đồng bào Thái.
Sản phẩm thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Có những năm các thương lái phải đến tận nơi, đặt tiền trước mới mua được lúa về xay. Chuyện làm giàu từ cây lúa không còn lạ ở đất Quang Chiểu khi thôn, xóm bắt đầu khang trang, những ngôi nhà cao tầng sạch, đẹp mọc lên giữa mênh mông ruộng nương. Đây chính là thành quả đáng mừng khi chính quyền và người dân quyết tâm phát huy thế mạnh của địa phương một cách hiệu quả.
Nhằm nâng cao hơn nữa giá trị của gạo nếp đặc sản nơi đây, Hợp tác xã nông lâm Chung Thành (Quang Chiểu, Mường Lát) đã được thành lập để làm cầu nối cho sản phẩm của địa phương vươn xa tới các thị trường khó tính. Hợp tác xã liên kết với 31 hộ dân trên địa bàn xã Quang Chiểu, sản xuất gạo Cay Nọi theo chương trình OCOP.
Các hộ dân này sẽ được Hợp tác xã hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giúp tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Đây chính là điều kiện để bà con yên tâm phát triển giống lúa gạo đặc sản của quê hương. Có thể thấy thành công từ mô hình sản phẩm OCOP Lúa Nếp Cay Nọi tạo ra một dự án mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện Mường Lát, từ chuỗi liên kết sản phẩm đến tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là bài học để các địa phương khác học tập và làm theo.