Quy định mới về Thanh tra chuyên ngành tại cơ quan Quản lý thị trường
Thông tư số 15/2024/TT-BCT áp dụng đối với Thanh tra Bộ Công Thương; các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Công Thương; Chánh Thanh tra Bộ Công Thương, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Công Thương; người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương và đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông tư gồm 15 Điều, quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương; chế độ bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương; cấp trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành Công Thương và một số nội dung khác về thanh tra chuyên ngành Công Thương.
Theo đó, Thẻ thanh tra chuyên ngành Công Thương do Chánh Thanh tra Bộ Công Thương cấp cho người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Thời hạn sử dụng Thẻ là 05 năm kể từ ngày cấp. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Thanh tra và các điều kiện sau:
- Có Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Công Thương cấp hoặc Chứng nhận đã hoàn thành bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra do Trường Cán bộ Thanh tra cấp.
- Được bổ nhiệm vào ngạch từ chuyên viên, kiểm soát viên thị trường hoặc tương đương trở lên.
Thông tư cũng quy định một số nội dung về về thanh tra chuyên ngành Công Thương như:
Việc ban hành Kế hoạch thanh tra hằng năm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2024/TT-TTCP ngày 08 tháng 4 năm 2024 của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng Chương trình thanh tra và ban hành Kế hoạch thanh tra. Việc điều chỉnh Kế hoạch thanh được thực hiện khi có căn cứ theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 04/2024/TT-TTCP. Cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho đối tượng thanh tra về Kế hoạch thanh tra, điều chỉnh Kế hoạch thanh tra chậm nhất 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định phê duyệt hoặc Quyết định điều chỉnh Kế hoạch thanh tra.
Tại Tổng cục Quản lý thị trường: Nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành do Vụ Thanh tra - Kiểm tra thực hiện. Tại Cục Quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường: Nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành do Phòng Thanh tra - Pháp chế thực hiện. Trong trường hợp có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức và tên gọi của phòng, cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành cho phòng chuyên môn.
Thủ trưởng cơ quan ký ban hành Quyết định thanh tra theo quy định hoặc giao cấp phó ký ban hành Quyết định thanh tra. Việc giao cấp phó ký ban hành Quyết định thanh tra được thực hiện thông qua văn bản phân công nhiệm vụ của Thủ trưởng cơ quan và các Phó thủ trưởng cơ quan hoặc chỉ đạo ký ban hành Quyết định thanh tra đối với từng cuộc thanh tra cụ thể.
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn tại Điều 28 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra phải còn thời gian công tác (tính thời khi nghỉ hưu theo quy định) tối thiểu là 09 tháng.
Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày kết thúc hồ sơ thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra; Người thực hiện giám sát; tổ chức, cá nhân được phân công thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra (nếu có) có trách nhiệm bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra cho đơn vị tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành lưu giữ chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi công bố Kết luận thanh tra. Việc lưu trữ hồ sơ cuộc thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2024 và bãi bỏ Thông tư số 14/2020/TT-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn một số quy định về thanh tra chuyên ngành Công Thương.
Chi tiết thông tư xem tại đây.
Bình luận