Tập huấn Công tác bảo vệ bí mật nhà nước và văn thư, lưu trữ trong toàn lực lượng QLTT

Tham dự Hội nghị tập huấn có Thiếu tướng Phạm Văn Vinh, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an; Trung tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Bảo vệ AN HT mạng Thông tin QG, Cục An ninh mạng và phòng chống, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an; Tiến sỹ Nguyễn Thị Chinh, Phó Giám đốc Trung tâm lưu trữ tài liệu điện tử, Cục văn thư lưu trữ, Bộ Nội vụ;
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, công tác Bảo vệ bí mật nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ an ninh, chính trị quốc gia đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu và rộng. Do vậy, Quốc hội và Chính phủ đã có một loạt những điều chỉnh về hệ thống văn bản pháp lý để phù hợp với bối cảnh mới như: Ngày 15/11/2018 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020; Ngày 19 tháng 02 năm 2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 199/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Ngày 03 tháng 9 năm 2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1369/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Công nghiệp và Thương mại;
Các học viên đến từ các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục QLTT chăm chú lắng nghe bài giảng
Thực tế Công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp phổ biến là việc xác định mức độ mật; thống kê, lưu giữ, bảo quản; sao chụp, tài liệu bí mật nhà nước; sử dụng máy tính và các thiết bị trong soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa bí mật nhà nước…
Những sơ hở, thiếu sót trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước đã và đang tạo ra những nguy cơ trực tiếp dẫn đến lộ, mất bí mật nhà nước nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn khắc phục, như:
- Văn bản có nội dung bí mật nhà nước theo Danh mục bí mật nhà nước hiện hành khi phát hành nhưng chưa được xác định, đóng dấu độ mật nên không được bảo vệ và ngược lại.
- Việc soạn thảo tài liệu bí mật nhà nước trên máy tính kết nối Internet hoặc có lịch sử kết nối internet (có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng, sử dụng mã độc, phần mềm gián điệp xâm nhập máy tính và các thiết bị lưu trữ di động nhằm đánh cắp, thu thập bí mật nhà nước).
- Những vi phạm trong sử dụng máy tính kết nối internet, điện thoại thông minh để sao, chụp tài liệu bí mật nhà nước trên ứng dụng lưu trữ trực tuyến và truyền tải dữ liệu trên không gian mạng đã dẫn tới nhà cung cấp dịch vụ mạng (cả trong và ngoài nước) có các tài liệu BMNN này, đồng nghĩa với việc tài liệu BMNN bị lộ.
- Tình trạng sao, chụp tài liệu BMNN không đúng thủ tục và thẩm quyền dẫn đến không kiểm soát được bản sao, nơi gửi văn bản. Việc thực hiện không đúng pháp luật khi lưu giữ, tiêu hủy, cung cấp tài liệu bí mật nhà nước cho cơ quan, tô chức, cá nhân nắm giữ BMNN với các cá nhân không có trách nhiệm; phổ biến thông tin bí mật nhà nước không đúng phạm vi, đối tượng ...
Đồng thời, công tác văn thư lưu trữ thời gian qua cũng được Chính phủ hết sức quan tâm, ngày 05/3/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư. Trong đó, công tác văn thư, lưu trữ điện tử là vấn đề tương đối mới, chúng ta đang bước những bước đầu tiên, chính thức vào giai đoạn mới của công tác văn thư, lưu trữ, đó là văn thư và lưu trữ điện tử. Những hoạt động trong giai đoạn đầu tiên này chắc chắn sẽ rất là bỡ ngỡ, sẽ có những phát sinh vướng mắc, cần trao đổi hoàn thiện hơn.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức Hội nghị tập huấn Công tác bảo vệ bí mật nhà nước và văn thư, lưu trữ để triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Luật bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản có liên quan đến các đơn vị trong toàn Tổng cục.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức, khắc phục những hạn chế thiếu sót trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước và văn thư, lưu trữ của toàn lực lượng quản lý thị trường. Lớp tập huấn không chỉ trang bị các kiến thức, kỹ năng mang tính lý thuyết về quy định của văn bản nhà nước mà còn là nơi các học viên được chia sẻ các kinh nghiệm thực tế để giải quyết những tình huống, vướng mắc trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, văn thư, lưu trữ.
Chỉ trong 01 ngày tập huấn, học viên tại các đơn vị trong lực lượng QLTT đã tham dự với tinh thần nghiêm túc, ham học hỏi, tập trung nghiên cứu lý thuyết đồng thời trao đổi hai chiều để giải đáp được những vướng mắc, những vấn đề phát sinh trong thực tế để phục vụ tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại đơn vị.