Tháng 7/2022, Cục Quản lý thị trường Kiên Giang xử lý 29 vụ, thu nộp ngân sách trên 1 tỷ đồng

Trong tháng, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng nhẹ, giá nhiên liệu xăng dầu điều chỉnh 03 lần (01 tăng, 02 giảm). Hiện tại: Xăng RON 95-III 30.260 đồng/lít, giảm 3.150 đồng/lít; xăng E5 RON 92-II 28.330 đồng/lít giảm 3.170 đồng/lít; dầu DO 0,05S-II 27.120 đồng/lít, giảm 3.080 đồng/lít; dầu hỏa 26.860 đồng/lít, giảm 2.050 đồng/lít, so với lần điều chỉnh liền kề. Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đạt được những kết quả như sau:
- Kiểm tra: 85 vụ, phát hiện 15 vụ vi phạm, xử lý 29 vụ vi phạm hành chính;
- Thu nộp ngân sách 1.080.458.000 đồng (phạt hành chính);
- Thống kê 215 cơ sở; Ký cam kết 298 bản.
Trong đó:
- Hàng cấm, hàng nhập lậu: Phát hiện, xử lý 05 vụ (02 vụ hàng cấm, 03 vụ hàng lậu), tổng số tiền xử phạt 72.280.000 đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm 89.070.000, thu nộp ngân sách 91.780.000 đồng.
- Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ: Chuyển xử lý hình sự 03 vụ hàng giả về chất lượng, công dụng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm 642.020.000 đồng; xử lý hành chính 02 vụ giả mạo nhãn hiệu, tổng số tiền xử phạt 22.000.000 đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm 16.450.000 đồng, tổng thu nộp ngân sách 51.000.000 đồng.
- Gian lận thương mại, vi phạm khác:
+ Lĩnh vực giá: Phát hiện, xử lý 01 vụ, tổng số tiền xử phạt 7.500.000 đồng; thu nộp ngân sách 7.523.000 đồng.
+ Vi phạm trong kinh doanh: Phát hiện, xử lý 05 vụ, tổng số tiền xử phạt 100.750.000 đồng; thu nộp ngân sách 108.218.000 đồng.
+ Vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa: Phát hiện, xử lý 07 vụ, tổng số tiền xử phạt 59.500.000 đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm 289.570.000 đồng; thu nộp ngân sách 178.153.000 đồng.
+ Vi phạm khác: Phát hiện, xử lý 05 vụ, tổng số tiền xử phạt 134.500.000 đồng; thu nộp ngân sách 272.500.000 đồng.
Một số hình ảnh kiểm tra của các Đội Quản lý thị trường trong tháng 7/2022
Các vụ việc điển hình trong tháng:
- Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra tại Cty TNHH MTV C.H.G có địa chỉ tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Qua kiểm tra, Công ty chưa xuất trình được Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; Đội Quản lý thị trường số 2 đã lấy 02 mẫu phân bón NPK XNK A.G 20-20-15 để thử nghiệm chất lượng. Kết quả thử nghiệm: cả 02 mẫu phân bón nêu trên đều là hàng giả. Qua quá trình làm việc với Cty TNHH MTV C.H.G, Đội Quản lý thị trường số 2 đã xác định hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; Buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (hàng hóa vi phạm là phân bón, có giá trị 410.000.000 đồng theo giá niêm yết). Vụ việc đã trình Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định số 1684/QĐ-CHS ngày 04/7/2022 chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra tại Hộ kinh doanh B.P có địa chỉ tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 3 đã lấy 01 mẫu phân bón NP P.H 20-20 để thử nghiệm chất lượng. Kết quả thử nghiệm: Mẫu phân bón NP P.H 20-20 là hàng giả theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và Khoản 8 Điều 2 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP. Đội Quản lý thị trường số 3 đã xác định hành vi vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh B.P: Buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (hàng hóa vi phạm là phân bón, có giá trị 80.000.000 đồng theo giá niêm yết). Vụ việc đã trình Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tháng 8 năm 2022, Cục Quản lý thị trường Kiên Giang tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công, thực hiện tốt kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; thực hiện gắn kết công tác kiểm tra, thống kê với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của địa phương; chủ trì, phối hợp lực lượng chức năng trên địa bàn, giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, nhất là găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, đường cát, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo chỉ đạo của Tổng cục và UBND tỉnh.