Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Thái Nguyên

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh tiếp và làm việc với Đoàn. Dự buổi làm việc còn có đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo những nội dung chính trong công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công tác phòng, chống dịch bệnh đã và đang được tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành. Tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo có liên quan. Tính đến ngày 26-3, toàn tỉnh có 4 hộ, thuộc 4 xã của huyện Phú Bình, T.X Phổ Yên và T.P Sông Công có lợn mắc bệnh dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, với số lượng buộc phải tiêu hủy là 112 con. Ngoài ra, số lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh tại các hộ liền kề ổ dịch, trong vùng dịch uy hiếp buộc phải tiêu hủy là 258 con. Tổng trọng lượng lợn đã tiêu hủy là 25.296kg.
Hiện, tỉnh đã thành lập 39 chốt Kiểm dịch động vật tạm thời, trong đó có 4 chốt cấp tỉnh, còn lại là chốt cấp huyện. Triển khai tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc ở cấp độ cao tại vùng có dịch; đã cấp sử dụng trên 19,5 nghìn lít hóa chất và 281 tấn vôi bột… Tổng số tiền chi cho công tác này hiện là 12 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyên để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nhưng cũng không quay lưng với thịt lợn an toàn. Dù vậy, so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch bệnh trên địa bàn thì nhu cầu sử dụng thịt lợn trên địa bàn giảm, giá thịt lợn hơi vì thế hiện thấp hơn khoảng 5-6 nghìn đồng/kg.
Cũng tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh cũng đã nêu ra một số khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh như: Tình hình thời tiết khí hậu với độ ẩm cao hiện nay dễ phát sinh dịch bệnh; trong khi đó đặc thù chăn nuôi của tỉnh là nhỏ lẻ, phân tán và lại là vùng chăn nuôi trọng điểm, việc giao thương lợn giống, lợn thịt lớn, cũng dễ phát sinh dịch bệnh… Trước thực trạng này, tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với Ngành Nông nghiệp và PTNT trong việc quản lý vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trong phòng, chống bệnh động vật nói chung và dịch tả lợn Châu phi nói riêng.
Về công tác kiện toàn Đảng bộ Cục Quản lý thị trường, đề nghị Bộ Công Thương sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo từ Cục đến các đội để công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi nhiệm vụ của đơn vị được thuận lợi hơn. Cùng với đó, Bộ cần sớm bố trí kinh phí để Cục Quản lý thị trường tỉnh có điều kiện hoàn thiện phần còn lại của trụ sở đang được xây dựng dở dang.
Huy động toàn bộ lực lượng cho công tác chống dịch
Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT cho biết, qua các cuộc họp cũng như quá trình kiểm tra dịch tại một số tỉnh cho thấy dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Để phòng chống dịch bệnh, trong thời gian tới, lực lượng QLTT tiếp tục phối hợp với các lực lượng của tỉnh đảm bảo quân số tại các chốt kiểm tra, kiểm soát thị trường. Duy trì cán bộ tham gia phối hợp với cơ quan thú y tiến hành lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh khi có nghi vấn, đối với những trường hợp không có giấy tờ sẽ kiên quyết xử lý triệt để.
Ngoài kiểm tra, kiểm soát tại các chốt, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra ở các nơi tiêu thụ như chợ để nắm bắt tình hình.
“Sán lợn có thể sống trong đông lạnh 6 tháng, do vậy phải kiểm tra ở các trung tâm, siêu thị, chợ các sản phẩm đông lạnh để đảm bảo không lây lan” Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Ông Trần Hữu Linh cũng nhấn mạnh, công tác tuyên truyền rất quan trọng, người dân một số nơi đã có xu hướng không ăn thịt lợn. “Ở một số tỉnh, người dân đã không ăn thịt lợn, thậm chí có tỉnh, nhà trường đã nhắn tin cho phụ huynh về việc sẽ không dùng thịt lợn để chế biến thức ăn cho học sinh ăn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung cầu những sản phẩm thịt không bị nhiễm bệnh” ông Trần Hữu Linh cho biết thêm.
Ông Linh cũng cho biết, trong thời gian tới, Tổng Cục QLTT tiếp tục bám sát theo chỉ đạo của Bộ cũng như chỉ đạo lực lượng QLTT tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng làm tốt công tác ngăn chặn dịch, “Quân số QLTT đang tập trung cho phòng chống dịch”, lực lượng QLTT tiếp tục công tác tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt lợn.
Phải xử lý dịch đúng cách, tránh nguy cơ phát tán dịch bệnh
Đánh giá cao công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi của tỉnh Thái Nguyên, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh: Với đặc thù rất khó kiểm soát của loại dịch bệnh này, trong khi đó Thái Nguyên là tỉnh có số lượng đàn lợn lớn, nếu không làm tốt công tác phòng, chống thì rất dễ phát sinh ổ dịch mới và lây lan ra diện rộng, sang các tỉnh khác. Trong khi đó, đóng góp của ngành chăn nuôi đối với nền kinh tế là rất lớn và thịt lợn là nguồn thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn của hầu hết các gia đình. Vì thế, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác phòng chống dịch; tích cực tuyên truyền đến người chăn nuôi và người dân hiểu về dịch tả lợn bằng những từ ngữ đơn giản dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; chú trọng đảm bảo tính công khai, minh bạch khi thực hiện việc tiêu hủy và hỗ trợ cho hộ dân khi có lợn bị tiêu hủy, để tránh tình trạng người dân giấu dịch hay trục lợi từ việc hỗ trợ này… Về việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo của Cục Quản lý thị trường, Bộ đang đẩy mạnh thực hiện các bước để sớm thực hiện xong nội dung này, đồng thời cũng cho biết đang xây dựng dự thảo quy chế phối hợp với cấp ủy các địa phương để công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Bộ, Tổng Cục quản lý thị trường đối với Cục Quản lý thị trường các tỉnh đạt hiệu quả cao nhất.
Trước đó, Đoàn Công tác của Bộ Công Thương đã có buổi kiểm tra tại chốt kiểm dịch cầu Ca, huyện Phú Bình. Đây là chốt kiểm dịch đầu tiên của tỉnh được lập ngày 8-3, khi tỉnh Thái Nguyên vừa xuất hiện ổ dịch. Hiện, Phú Bình có 11 chốt kiểm dịch. Các chốt đều có sự tham gia của lực lượng thú y, công an, quản lý thị trường nhằm kiểm soát chặt chẽ lợn và sản phẩm thịt lợn ra, vào 24/24 giờ.