Đoàn công tác Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường làm việc với Cục QLTT tỉnh Bình Định về tình hình thực hiện Kế hoạch 888

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Trưởng đoàn công tác nhấn mạnh tầm quan trọng của Kế hoạch 888, đồng thời nhấn mạnh, thông qua các hoạt động kiểm tra, xử lý ngăn chặn triệt để tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Mục tiêu của buổi làm việc hôm nay nhằm giúp Cục Nghiệp vụ nắm rõ tình hình thực tế tại địa phương, cũng như lắng nghe những vướng mắc trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện Kế hoạch 888, từ đó có những giải pháp kịp thời và hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.” đồng chí Thân Đức Công nhấn mạnh.
Báo cáo với Đoàn công tác, đồng chí Trần Đức Tiến - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bình Định cho biết ngay sau khi nhận được Kế hoạch 888, ngày 13/4/2021, Cục QLTT tỉnh Bình Định đã xây dựng Kế hoạch số 144/KH-CQLTT về đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 và ngay từ đầu năm 2022, đã ban hành Quyết định số 11/QĐ-CQLTT ngày 21/01/2022 về đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2022 để tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở đó, các Đội QLTT đã chủ động nắm bắt tình hình diễn biến thị trường, tổ chức thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sát với thực tế; kết quả, đã xử lý vi phạm 15 vụ, phạt vi phạm hành chính 169.750.000 đồng (trong đó năm 2021: 11 vụ, phạt VPHC: 124.250.000 đồng; 9 tháng đầu năm 2022: 04 vụ, phạt VPHC: 45.500.000 đồng), đồng thời tổ chức tuyên truyền ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với 290 cơ sở.
“Thị trường tỉnh Bình Định không lớn, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, không có các điểm nóng về kinh doanh hàng giả; đồng thời qua công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó đã góp phần giữ ổn định thị trường giá cả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh” đồng chí Trần Đức Tiến chia sẻ.
Bên cạnh một số kết quả đạt được, đ/c Trần Đức Tiến cũng chia sẻ một số khó khăn, tồn tại mà đơn vị đã gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch 888, cụ thể công tac phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa thật sự chủ động mà chủ yếu dựa vào sự phối hợp, cung cấp thông tin của các chủ thể quyền, trong khi đó các doanh nghiệp bị làm giả do lo ngại ảnh hưởng đến thương hiệu và thị phần nên chưa thật sự hợp tác với các lực lượng chức năng; mặt khác còn một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng do điều kiện thu nhập còn hạn chế, trong khi giá cả các sản phẩm hàng hóa bị làm giả tương đối rẻ. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng làm giả lợi dụng, sản xuất hàng giả tung ra thị trường tiêu thụ.
Cùng ngày, Đoàn công tác Cục Nghiệp vụ QLTT đã phối hợp với Đội QLTT số 3 và Đội QLTT số 5 đã đồng loạt tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 02 địa điểm kinh doanh trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước. Theo đó, đã phát hiện và tạm giữ tổng gần 120 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Adidas, Gucci, Lacoste, Chanel với tổng trị giá gần 22 triệu đồng.
Đoàn công tác Cục Nghiệp vụ phối hợp với Đội QLTT số 3 thực hiện kiểm tra tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Quy Nhơn
Đ/c Trần Đức Tiến – Cục trưởng Cục QLTT Bình Định cho biết, trong thời gian tới lực lượng QLTT tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường và Kế hoạch 144 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định; Tăng cường công tác phối hợp với các lượng lực chức năng trong triển khai kế hoạch, đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tuyên truyền đa dạng, với nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Đồng thời kiến nghị Cục Nghiệp vụ QLTT thường xuyên trao đổi chia sẻ thông tin, hướng dẫn nghiệp vụ cho Cục QLTT Bình Định và phối hợp lực lượng kiểm tra, xử lý một số vụ việc lớn, điển hình trên địa bàn tỉnh.