"Quá trình tái cơ cấu lực lượng QLTT đã đạt được những kết quả tích cực"

"Quá trình tái cơ cấu lực lượng QLTT đã đạt được những kết quả tích cực" là một trong 10 sự kiện được coi là nổi bật của Ngành Công Thương trong năm 2019.
Được tổ chức lại theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trước yêu cầu cấp bách của nền kinh tế, xác định được vai trò, trách nhiệm chính trị nặng nề của mình, lực lượng quản lý thị trường đã hết sức tập trung, khẩn trương kiện toàn, tinh gọn bộ máy, tổ chức nhân sự.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã thiết lập, xây dựng một tổ chức mới hoàn toàn từ khâu thành lập tổ chức Đảng; lập, phê duyệt quy hoạch cán bộ trong toàn lực lượng; hiệp y với chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương; đồng thời, thực hiện các biện pháp ổn định tư tưởng đối với công chức, người lao động, nhất là các công chức đã từng giữ chức vụ lãnh đạo quản lý nhưng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm lại, nhằm duy trì hoạt động, không làm gián đoạn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên cả nước.
Đến nay, Tổng cục đã giảm được 235 đội Quản lý thị trường và sẽ tiếp tục giảm 70 Đội vào năm 2020, từng bước kiện toàn công tác bổ nhiệm lãnh đạo các cấp trong Tổng cục và cơ bản hoàn thành Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường đã tấn công được vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được với việc phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng (chưa tính trị giá hàng tịch thu chưa bán). Trong đó, có một số vụ việc nổi bật như: đã xóa sổ 02 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới, thay đổi tem nhãn thành "made in Việt Nam"; chuyển Cơ quan điều tra xem xét xử lý 03 vụ việc liên quan đến vi phạm về C/O tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tầu, Bình Dương và Vĩnh Phúc; Chuyên án 117-D của Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu đường tại An Giang và các tỉnh lân cận...