07 lợi ích khi hiến máu và những lưu ý sau khi hiến máu

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích bất ngờ khi hiến máu thường xuyên. Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích đó, người hiến máu cũng cần trang bị những lưu ý trước và sau khi hiến máu để giữ sức khỏe và yên tâm hơn trong mỗi lần hiến máu. Hãy cùng Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tìm hiểu những nội dung này.
7 lợi ích khi Hiến máu
1. Hiến máu giúp tạo trạng thái tinh thần tích cực, tâm lý thoải mái
Hiến máu đem lại cho người hiến cảm giác tự hào và hạnh phúc vì hành động của bạn có thể cứu giúp tính mạng của ai đó. Phần máu bạn hiến được tách thành nhiều thành phần theo nhu cầu của bệnh nhân. Các thành phần đó có thể được truyền cho những người nhận khác nhau.
Tự tin vào sức khỏe của bản thân: Hiến máu là biểu hiện chứng tỏ sức khỏe tốt, chất lượng máu tốt; niềm tin đó rất có lợi cho người hiến máu.
2. Được kiểm tra, tư vấn sức khỏe, giúp người hiến máu theo dõi và tự giám sát sức khỏe của mình
Mỗi lần hiến máu, người hiến máu sẽ được kiểm tra sơ bộ về sức khỏe: khám sức khỏe, đo huyết áp, nhịp tim…và được xét nghiệm trước hiến máu.
Máu hiến tặng được sàng lọc: virus viêm gan B, viêm gan C, HIV, giang mai; người hiến máu được biết những kết quả xét nghiệm này.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã triển khai quà tặng cho người hiến máu là các gói xét nghiệm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe thay cho các gói quà lưu niệm dành cho người HM. Thông qua việc lựa chọn các gói xét nghiệm phù hợp qua mỗi lần hiến máu, người hiến máu có thể nắm bắt và theo dõi kết quả xét nghiệm cũng như sức khỏe của mình
Như vậy, mỗi lần hiến máu là một lần được kiểm tra sức khỏe, giúp cảnh báo và phát hiện những nguy cơ đối với sức khỏe để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, với người hiến máu thường xuyên, việc hiến máu sẽ giúp họ tự giám sát sức khỏe của mình.
3. Giúp làm giảm quá tải sắt trong cơ thể
Theo các nghiên cứu, mỗi ngày trong cơ thể có khoảng 200 - 400 tỷ hồng cầu chết tự nhiên và được thay thế bằng hồng cầu mới. Lượng huyết sắc tố bị tiêu hủy sẽ giải phóng ra một lượng sắt, một phần tái hấp thu tạo máu mới, một phần thải ra ngoài và một phần tồn tại trong cơ thể, là kho dự trữ.
Hiến máu làm giảm lượng sắt dư thừa và những người hiến máu thường xuyên sẽ giúp quá trình thải sắt thuận lợi.
4. Giúp tăng tạo máu mới
Mỗi lần hiến máu là cho đi, mất đi nhiều thành phần như: hồng cầu, tiểu cầu, đường huyết, cholesterol, sắt, kali… Nhờ đó, hiến máu giúp thanh thải và giảm gánh nặng thoái hóa cho cơ thể.
Việc hiến máu còn là “sức ép” cho cơ thể sinh máu mới, nhất là hồng cầu để bù cho lượng hồng cầu đã hiến đi, qua đây kích thích tủy xương tăng sinh máu.
5. Làm giảm nguy cơ xuất hiện đột quỵ, tim mạch
Sự có mặt quá nhiều của sắt trong máu làm thúc đẩy quá trình ô xy hóa cholesterol. Sản phẩm của quá trình này lắng đọng ở lớp dưới nội mô mạch máu, làm tăng nguy cơ xuất hiện mảng xơ vữa mạch máu. Đây là một trong những nguyên nhân gây các cơn đau tim và đột quỵ.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hiến máu thường xuyên sẽ góp phần giảm ứ đọng sắt, nhờ đó giúp giảm nguy cơ xuất hiện các cơn đột quỵ, tim mạch.
6. Giúp tăng quá trình đốt cháy calo và giúp đỡ trong việc giảm cân
Ước tính mỗi lần hiến 450 ml máu giúp đốt cháy khoảng 650 calo trong cơ thể và giảm lượng cholesterol trong máu. Đây là biện pháp hữu ích trong việc giảm cân ở những người có cân nặng trên mức trung bình của cơ thể.
7. Mỗi lần hiến máu là một lần gửi máu vào ngân hàng máu
Mỗi lần hiến máu một lần người hiến máu gửi máu của mình vào ngân hàng máu. Khi không may mắn, người hiến máu cần nhận máu, xuất trình giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện sẽ được bồi hoàn máu miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc.
Lưu ý trước và sau hiến máu:
Trước khi hiến máu
Đêm trước hiến máu không nên thức quá khuya (ngủ ít nhất 6 tiếng).
Nên ăn nhẹ, KHÔNG ăn các đồ ăn có nhiều đạm, nhiều mỡ.
KHÔNG uống rượu, bia.
Chuẩn bị tâm lý thực sự thoải mái.
Mang theo CCCD gắn chíp hoặc sử dụng VNeiD đã cài đặt mức độ 2
Uống nhiều nước.
Ngay sau khi hiến máu
Duỗi thẳng, hơi nâng cao cánh tay trong 15 phút.
Hạn chế gập tay trong quá trình nghỉ sau hiến máu.
Nghỉ tại điểm hiến máu tối thiểu 15 phút.
Uống nhiều nước.
Chỉ ra về khi cảm thấy thực sự thoải mái.
Nếu xuất hiện chảy máu từ vết băng cầm máu
Nâng cánh tay lên và ấn nhẹ vào vết bông.
Ngồi xuống ghế và thông báo cho nhân viên y tế để được hỗ trợ.
Nếu có các biểu hiện bất thường về sức khỏe: mệt, chóng mặt hoặc vã mồ hôi
Ngay lập tức ngồi xuống hoặc nằm ngay xuống, tốt nhất là nâng cao chân.
Giữ bình tĩnh, hít sâu, thở ra chậm.
Tìm kiếm sự giúp đỡ của bất kì ai xung aquanh đang ở gần đó.
Báo ngay cho nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên.
Chỉ ngồi dậy và đứng lên khi hết cảm giác chóng mặt, mệt mỏi.
Sau khi rời điểm hiến máu
Tiếp tục uống nhiều nước để bổ sung lại thể tích bị mất khi hiến máu.
Giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường; tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu: thịt, gan, trứng, sữa, dùng thêm các thuốc bổ máu nếu có thể.
Trong vòng 48 tiếng sau hiến máu
Tránh thức khuya, dùng các chất kích thích như rượu, bia.
Không hút thuốc lá trong vòng 4 tiếng.
Tránh nâng vật nặng bằng tay vừa hiến máu.
Tránh các hoạt động đòi hỏi nhiều thể lực như: thi đấu thể thao, đá bóng, tập thể hình, leo trèo cao…; đề phòng bị bầm tím tay và chóng mặt.
Lưu ý chăm sóc vị trí chọc kim
Băng cầm máu cần được giữ ít nhất trong 4 – 6 giờ
Trong 1 số trường hợp ít gặp, nếu sau khi tháo băng, vẫn có máu tươi chảy ra, hãy ấn nhẹ tay vào vị trí bông băng. Đồng thời nâng cao cánh tay 3-5 phút, sau đó băng lại. Giữ băng thêm 6 giờ nữa
Nếu sau hiến máu, quý vị thấy xuất hiện vết bầm tím tại vị trí lấy máu, đừng quá lo lắng
Trong ngày đầu, có thể dùng đá lạnh chườm lên vị trí bị bầm tím
Sau 1 ngày, chuyển sang chườm ấm (chườm 2-3 lần/ngày, mỗi lần 10 phút). Vết bầm tím thường sẽ tự tan và biến mất sau 1 tuần