10 Luật được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội chính thức được thông qua ngày 19/6/2020 tại kỳ họp thứ 9. Ngoài việc thêm điều kiện quốc tịch của đại biểu Quốc hội, Luật sửa đổi 2020 đã nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách thêm 5%. Hiện nay, theo Điều 23 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người với ít nhất 35% đại biểu hoạt động chuyên trách. Để tạo cơ sở cho công tác quy hoạch và góp phần tăng cường tính chuyên nghiệp, Luật sửa đổi 2020 đã tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên ít nhất 40%...
Chi tiết văn bản tại đây.
Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua - (nguồn internet)
2. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Ngày 18/06/2020, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, các thông tin được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia gồm: Thông tin về quyết định, chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án PPP; Thông tin về lựa chọn nhà đầu tư bao gồm thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư; Thông tin về nhà đầu tư được lựa chọn, doanh nghiệp dự án PPP…
Ngoài ra, Luật này cũng quy định cụ thể các lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP gồm: Giao thông vận tải, lưới điện, nhà máy điện, thủy lợi, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, y tế, giáo dục, hạ tầng công nghệ thông tin…
Chi tiết văn bản tại đây.
3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 được 449/457 đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 18/6/2020. Một trong những nội dung được bổ sung tại Luật sửa đổi lần này là mở rộng thẩm quyền ban hành văn bản cho chính quyền cấp huyện.
Đồng thời, cũng theo quy định tại Luật sửa đổi này, nhiều văn bản đã được xem là văn bản quy phạm pháp luật so với quy định hiện hành tại Luật Xây dựng văn bản quy pham pháp luật năm 2015 như: Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ…
Chi tiết văn bản tại đây.
4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được thông qua, ngày 17/6/2020.
Về việc miễn giấy phép xây dựng, Luật sửa đổi 2020 đã bổ sung thêm nhiều công trình như: Công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình…, Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng bổ sung thêm loại giấy phép xây dựng…
Chi tiết văn bản tại đây.
5. Luật Đầu tư (sửa đổi).
Ngày 17/6 Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020.
Hiện nay, theo Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014, có 08 hoạt động đầu tư kinh doanh bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, từ 01/01/2021, khi Luật Đầu tư sửa đổi chính thức có hiệu lực đã bổ sung thêm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Đồng thời, Điều 77 Luật sửa đổi năm 2020 nêu rõ: Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày 01/01/2021 sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ.
Chi tiết văn bản tại đây.
6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020. Theo quy định hiện nay tại Điều 9 Luật Phòng, chống thiên tai, ngân sách Nhà nước cho phòng, chống thiên tai gồm ngân sách theo dự toán chi hằng năm và dự phòng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, quy định này đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật năm 2020 gồm: Ngân sách hằng năm; Dự phòng ngân sách Nhà nước và Quỹ dự trữ tài chính.
Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đê điều năm 2006, quy định phải có cầu dẫn trên bãi sông khi xây cầu qua tuyến sông có đê đã bị bãi bỏ…
Chi tiết văn bản tại đây.
7. Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Ngày 17/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp năm 2020. Một trong những quy định nổi bật nhất của Luật 2020 là trước khi sử dụng, doanh nghiệp không phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong khi theo quy định hiện nay, đây là nghĩa vụ bắt buộc.
Đồng thời, so với dự thảo trước đây, Luật năm 2020 đã không đưa hộ kinh doanh là đối tượng áp dụng của Luật sửa đổi 2020 mà sẽ xây dựng một Luật riêng cho nhóm đối tượng này.
Chi tiết văn bản tại đây.
8. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 đã được thông qua ngày 16/6/2020 với nhiều điểm đáng chú ý. Một trong đó là quy định về bảo mật các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại. Cụ thể, trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại ngoài trường hợp để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại.
Chi tiết văn bản tại đây.
9. Luật Thanh niên.
Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2020. Theo đó, Điều 9 Luật này khẳng định, tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên. Mục đích tổ chức Tháng Thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia các hoạt động vì lợi ích cộng đồng, xã hội…
Chi tiết văn bản tại đây.
10. Luật Giám định tư pháp.
Luật Giám định tư pháp năm 2020 được Quốc hội thông qua ngày 10/6/2020. Theo đó, thời hạn được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định. Ngoài ra, Luật sửa đổi năm 2020 còn bổ sung quy định cấp thẻ giám định viên tư pháp trong quá trình giám định tại cơ quan, tổ chức hoặc tham gia phiên tòa để giải thích, bảo vệ kết luận giám định do mình thực hiện.
Chi tiết văn bản tại đây./.