Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ Bộ Công Thương làm việc tại Tổng cục QLTT

Sau 02 năm thành lập, Ban VSTBPN Tổng cục QLTT do đích thân đồng chí Tổng cục trưởng làm Trưởng Ban đã nhanh chóng bắt tay triển khai công việc, phân công nhiệm rõ ràng cho từng thành viên của Ban, đồng thời ban hành Quy chế hoạt động, bảo đảm đưa các hoạt động của Ban đi vào nề nếp.
Toàn cảnh buổi làm việc
Trong năm 2019 công tác VSTBPN Tổng cục QLTT có nhiều khởi sắc, trong đó nổi bật là xây dựng đội ngũ công chức nữ có trình độ cao, lãnh đạo quản lý nữ đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, định hướng phát triển của lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại. Đặc biệt, trong công tác xây dựng, quy hoạch cán bộ, tỷ lệ nữ luôn được quan tâm triệt để. Tỷ lệ nữ trong lực lượng QLTT hiện nay là 1.081 đồng chí, chiếm gần 20%. Đây là con số tương đối lớn so với các lực lượng khác; Công tác phát triển Đảng viên mới đối với quần chúng ưu tú là công chức nữ các cấp của Tổng cục QLTT cũng được các các cấp ủy Đảng coi trọng. Các Ban VSTBPN của các Cục địa phương phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đảng, Công đoàn, Nữ công, Đoàn thanh niên đề xuất, kiến nghị với cấp uỷ Đảng, thủ trưởng các đơn vị trong việc đào tạo, bồi dưỡng các công chức nữ để kết nạp Đảng, cử đi học hoặc bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo ở đơn vị; Cơ chế, chính sách, các ngày Lễ đối với cán bộ nữ đều được quan tâm, triển khai đầy đủ; Vấn đề bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới cũng đã được Ban VSTBPN quan tâm thực hiện.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh - Trưởng ban VSTBPN Tổng cục QLTT báo cáo trước Đoàn Kiểm tra
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại buổi làm việc Trưởng ban VSTBPN Tổng cục QLTT cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế trong công tác VSTBPN tại Tổng cục. Đơn cử như tỷ lệ công chức quản lý, lãnh đạo còn thấp, đặc biệt là công chức nữ đứng đầu đơn vị; Thực tế cho thấy, việc phụ nữ tham gia các cấp lãnh đạo quản lý nói chung, tại Tổng cục nói riêng vẫn còn hạn chế, chưa xứng đáng với tiềm năng của lực lượng phụ nữ, đặc biệt là ở vị trí chủ chốt; Các quy định về các hình thức xử lý vi phạm về bình đẳng giới (BĐG) hiện nay còn chung chung. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của người phụ nữ; Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BĐG còn chưa được thực hiện một cách thường xuyên, đa dạng về hình thức nên hiệu quả cũng còn hạn chế nhất định; Hoạt động của Ban VSTBPN và bình đẳng giới ở nhiều đơn vị còn lúng túng, hiệu quả chưa cao vì công chức phụ trách công tác đều kiêm nhiệm, không có nhiều thời gian đầu tư, nghiên cứu; Biểu hiện định kiến về giới vẫn còn tồn tại trong một bộ phận công chức, người lao động. Một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, khả năng phấn đấu hạn chế. Các cơ sở pháp lý để củng cố về tổ chức, nhân sự thực hiện công tác bình đẳng giới và VSTBPN tại cơ sở chưa hoàn thiện và khó áp dụng với tình hình thực tế hiện nay; Nguồn kinh phí cho hoạt động VSTBPN và bình đẳng giới còn hạn chế.
Nhìn nhận ra những hạn chế còn tồn tại, năm 2020, cùng với việc góp phần tích cực triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, biện pháp quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương giao cho Tổng cục QLTT, Ban VSTBPN của Tổng cục khẳng định quyết liệt hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để công tác phụ nữ và hoạt động bình đẳng giới tại Tổng cục QLTT tiếp tục có bước phát triển, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của toàn ngành. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 196 - TB/TW ngày 16/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự Lãnh đạo của đảng đối với công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ trong tình hình mới và Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; xây dựng Chương trình hoạt động năm 2020 của Ban đảm bảo có sự phân công, phân nhiệm, thời hạn hoàn thành rõ ràng đối với các thành viên, qua đó phát huy sức mạnh tập thể, trách nhiệm cá nhân, tận dụng tối đa các nguồn lực cho mục tiêu nâng cao bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ của Tổng cục; đảm bảo tính khả thi, trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện; Phối hợp với Ban Nữ công Công đoàn tổ chức tốt các ngày lễ kỷ niệm của phụ nữ, tổ chức tọa đàm, giao lưu, học tập, tổ chức hoạt động hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; trao đổi kinh nghiệm thực hiện hoạt động bình đẳng giới và VSTBPN giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục với nhau cũng như với các cơ quan, đơn vị khác…
Bà Vũ Thị Minh Ngọc - Quyền Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoach - Tài chính Tổng cục QLTT chia sẻ với Đoàn kiểm tra
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Ban VSTBPN Tổng cục đã chia sẻ với Đoàn kiểm tra VSTBPN Bộ Công Thương những tâm tư trong quá trình làm việc tại Tổng cục – một đơn vị với nhiều đặc thù áp lực hơn so với các ngành nghề khác cũng như đề xuất các chương trình để hoạt động của nữ công chức và người lao động trong toàn lực lượng được đoàn kết, thống nhất hơn trong thời gian tới.
Các thành viên trong Ban VSTBPN Bộ Công Thương đánh giá cao hoạt động của Ban VSTBPN Tổng cục QLTT sau 02 năm thành lập
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lý Quốc Hùng – Phó Ban VSTBPN Bộ Công Thương đã đánh giá cao những kết quả Ban VSTBPN Tổng cục QLTT đạt được sau 02 năm thành lập. Phó Ban VSTBPN Bộ Công Thương nhấn mạnh có được những kết quả đó, trước hết và phần lớn là do chính sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân mỗi cán bộ phụ nữ tại Tổng cục. Bên cạnh đó là sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tổng cục QLTT, sự phối kết hợp chặt chẽ và tích cực toàn đơn vị tạo một sức mạnh tổng hợp chăm lo vì sự tiến bộ của phụ nữ trong thời kỳ mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Công Thương Lý Quốc Hùng - Phó Ban VSTBPN Bộ Công Thương phát biểu ý kiến
Trong thời kỳ mới, ngành Công Thương nói chung và Tổng cục QLTT nói riêng phải có những đột phá quan trọng và phải ngày càng hội nhập mạnh mẽ hơn với nền kinh tế, khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới, đồng chí Lý Quốc Hùng đề nghị, các đơn vị cần tăng cường chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, thực hiện nội dung các luật liên quan đến công nhân viên chức, lao động; Thực hiện tốt các chính sách liên quan đến giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, như: công tác quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ nữ nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, công đoàn, xóa bỏ khoảng cách về giới trong mọi lĩnh vực; tạo điều kiện cho cán bộ nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đặt ra; Kịp thời giải quyết những đề xuất, kiến nghị liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân viên chức, lao động. Bên cạnh đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lao động Tổng cục cần phải tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức rèn luyện kỹ năng, tăng cường sức sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, cũng như phải có ý chí quyết tâm cao để thành đạt trong cuộc sống, trong sự nghiệp, cũng như hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.