Chợ Tân Lập - điểm sáng trong phát triển hạ tầng thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, chợ Tân Lập (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cũ) không chỉ góp phần thúc đẩy giao thương vùng cao mà còn trở thành biểu tượng của niềm tin và sự gắn kết giữa chính sách và đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.
Hạ tầng thương mại – một mảnh ghép quan trọng trong phát triển vùng dân tộc thiểu số
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2025, tỉnh Hà Giang đã chủ động cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương thông qua việc ban hành hàng loạt nghị quyết và kế hoạch triển khai bài bản. Trong đó có thể kể đến các văn bản như Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND, Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND sửa đổi bổ sung, Kế hoạch số 262/KH-UBND, Kế hoạch số 105/KH-UBND... Các cơ chế này tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc lồng ghép nguồn lực, triển khai đồng bộ các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng khó khăn.
Với vai trò là cơ quan chuyên môn, Sở Công Thương tỉnh Hà Giang (cũ) đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đáng chú ý là Công văn số 1218/SCT-QLTM ngày 05/10/2022 và Công văn số 328/HD-SCT ngày 15/9/2022, trong đó nhấn mạnh yêu cầu lồng ghép thực hiện các hạng mục hạ tầng phụ trợ nhằm đảm bảo đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021–2025.
Chợ Tân Lập – Từ mô hình đầu tư hiệu quả đến niềm tin của người dân
Một trong những điểm sáng trong quá trình triển khai các chính sách nói trên là việc đầu tư, nâng cấp chợ Tân Lập – xã thuộc Khu vực III, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Dự án được thực hiện với tổng mức đầu tư 1,16 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ đó, chợ được cải tạo đồng bộ với nhiều hạng mục: xây mới ba nhà lồng chợ phân chia thành ba khu chức năng riêng biệt, xây dựng sân bê tông, cổng – hàng rào, nhà vệ sinh, lò đốt rác và trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Vị trí chợ nằm ngay trung tâm xã, sát tuyến đường liên huyện và gần trường học, rất thuận lợi cho việc tổ chức phiên chợ định kỳ vào sáng thứ Năm hàng tuần. Theo cán bộ quản lý chợ và các tiểu thương, điều kiện kinh doanh tại chợ đã được cải thiện rõ rệt: từ nền đất bụi bẩn, lầy lội trước kia nay đã thay bằng nền bê tông sạch sẽ, không gian rộng rãi, khang trang hơn hẳn.
Đặc biệt, người dân địa phương, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, bày tỏ sự phấn khởi trước sự đổi thay từng ngày. Một tiểu thương xúc động chia sẻ: “Cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho chợ. Từ khi chợ được xây dựng, bà con chúng tôi đi chợ không còn lo mưa nắng, bùn lầy như trước nữa.”
Chợ Tân Lập không chỉ là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa mà còn đóng vai trò là điểm cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống thường nhật của nhân dân trong xã. Việc cải thiện điều kiện hạ tầng thương mại cũng góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm thủ công địa phương – những mặt hàng vốn là thế mạnh của đồng bào vùng cao.
Từ một chợ phiên đơn sơ, chợ Tân Lập hôm nay đã trở thành mô hình tiêu biểu cho hiệu quả của chính sách đầu tư đúng trọng tâm, đúng đối tượng. Đây là minh chứng rõ nét cho cách làm bài bản của Hà Giang trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chú trọng đến yếu tố hạ tầng để "mở đường" cho phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong thời gian tới, nếu các mô hình như chợ Tân Lập tiếp tục được nhân rộng, chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân vùng khó vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền – đúng như tinh thần mà Chương trình Mục tiêu quốc gia đã đặt ra.