Cục QLTT Kiên Giang hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản trong quý III/2023

Trong quý III/2023, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Kiên Giang tập trung bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, triển khai đến các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội. Trên địa bàn nội tỉnh, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn còn diễn ra dưới hình thức nhỏ lẻ các vụ việc được phát hiện và xử lý kịp thời, không phát sinh điểm nóng. Gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về chất lượng, nhãn hàng hóa và quy định trong kinh doanh qua kiểm tra, phát hiện và xử lý nhưng vẫn còn diễn ra, hàng hóa vi phạm như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm thời trang.
Cụ thể, hoạt động chuyên môn của Cục đã đạt được những kết quả: Kiểm tra 253 vụ, đạt 127% kế hoạch quý, phát hiện 39 vụ vi phạm, 20 vụ đang chờ thẩm tra, xác minh; xử lý 66 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang); Thu nộp ngân sách 3.016.813.000 đồng (phạt hành chính: 2.473.173.000 đồng, bán hàng hóa tịch thu: 543.640.000 đồng); Thống kê 647 cơ sở, đạt 129% kế hoạch quý; Ký cam kết 846 bản, đạt 121% kế hoạch quý; Giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của 536 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh; Phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện, tỉnh kiểm tra 126 vụ; qua kiểm tra không phát hiện vi phạm. Một số vụ việc kiểm tra, xử lý điển hình trong quý như sau:
- Đội QLTT số 1 kiểm tra 04 doanh nghiệp kinh doanh trang sức mỹ nghệ trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận và thành phố Phú Quốc. Qua kiểm tra, phát hiện tại các doanh nghiệp đang kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có dấu hiệu nghi vấn làm từ ngà voi. Qua quá trình xác minh, làm việc Đội QLTT số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 04 doanh nghiệp về hành vi: Mua bán lâm sản không có hồ sơ hợp pháp. 04 vụ việc đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt với tổng số tiền là 1.500.000.000 đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ số lâm sản (ngà voi) không có hồ sơ hợp pháp có tổng trị giá trên 86.000.000 đồng.
Đội QLTT số 2 phối hợp cùng Đội chống buôn lậu, phòng PC03 Công an tỉnh kiểm tra hộ kinh doanh đồng hồ trên địa bàn thành phố Rạch Giá. Qua thẩm tra, xác minh, Đội QLTT số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về hành vi: buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (hàng hóa vi phạm có giá trị 480.083.000 đồng) và kinh doanh hàng hóa nhập lậu (hàng hóa vi phạm có giá trị 7.718.000 đồng). Xét thấy hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có dấu hiệu tội phạm, Đội QLTT số 2 đã chuyển giao hồ sơ vụ việc về Cục QLTT tỉnh Kiên Giang, trình cấp có thẩm quyền xử phạt chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đội QLTT số 5 kiểm tra hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện An Biên, lấy 01 mẫu có dấu hiệu vi phạm về chất lượng để thử nghiệm. Qua quá trình làm việc và kết quả mẫu phân bón không đạt chất lượng, Đội đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về hành vi: Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (hàng hóa vi phạm có giá trị 82.500.000 đồng). Vụ việc đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt với số tiền 103.125.000 đồng.
Quý IV năm 2023 là thời điểm diễn ra Tết Trung thu, Lễ kỷ niệm 155 năm “Ngày truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh”, đây cũng là thời điểm thương nhân chuẩn bị dự trữ hàng hóa để phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, do đó, nhu cầu hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng gia tăng, Cục QLTT Kiên Giang tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến thị trường, đảm bảo cho việc mua bán, lưu thông hàng hóa được thông suốt, không để xảy ra tình trặng găm hàng, khan hiếm hàng hóa hay tăng giá bất hợp lý; kết hợp kiểm tra, giám sát với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên địa bàn, đồng thời kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phát sinh, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích chính đáng của các thương nhân tuân thủ quy định pháp luật trong kinh doanh.