Cục QLTT Thái Nguyên: Tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Tỉnh Thái Nguyên có những điều kiện lợi thế và khả năng về sản xuất nông nghiệp tiềm năng, địa hình không phức tạp so với các tỉnh trung du, miền núi khác, đây là một thuận lợi, khí hậu chia làm 4 mùa rõ rệt Xuân - Hạ - Thu - Đông; giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm đạt trên 7.000 tỷ đồng; sản lượng lương thực có hạt vụ Đông Xuân 2022 đạt trên 220 nghìn tấn.
Nhận thức được công tác quản lý các mặt hàng hỗ trợ cho nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là một trong những yếu tố then chốt, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển. Ngay từ đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường và căn cứ tình hình thị trường thực tế, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các Kế hoạch (Kế hoạch kiểm tra định kỳ, Kế hoạch kiểm tra chuyên đề), đặc biệt đã triển khai Giải pháp: “Tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo, phối hợp để tổ chức hiệu quả hoạt động quản lý, giám sát, tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật trong kinh doanh và kiểm tra đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thuộc địa bàn quản lý cửa cấp Đội QLTT trực thuộc Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên, năm 2022” để thực hiện công tác giám sát, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi các biến động của thị trường, kịp thời phát hiện và kiểm tra ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng…, kết hợp hoạt động kiểm tra, kiểm soát với tuyên truyền quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến các cơ sở kinh doanh trên địa bàn được giao quản lý.
Trên cơ sở của Giải pháp trên, Cục QLTT ban hành Quyết định số 41/QĐ-CQLTT ngày 11/3/2022 về ban hành Kế hoạch kiểm tra chuyên đề năm 2022 đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời ban hành văn bản số 191/CQLTT-NVTH ngày 22/6/2022 về việc phối hợp trong hoạt động quản lý, kiểm tra mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, theo đó đã đề nghị 14 công ty sản xuất phân bón, 09 công ty sản xuất, nhập khẩu thuốc BVTV trên toàn quốc phối hợp, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa của các công ty này đang lưu hành trên thị trường và đã nhận được sự phản hồi, hợp tác tích cực, đồng thời cam kết cùng đồng hành với Cục QLTT trong việc cung cấp tài liệu về hàng hóa, thông tin về các đối tượng vi phạm cũng như phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý. Ngay sau khi nhận được tài liệu do các Công ty trên cung cấp, Cục QLTT đã hướng dẫn, chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tập trung nghiên cứu, áp dụng trong quá trình giám sát, xác minh và kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính đạt hiệu quả cao.
Cục QLTT đã ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai trong toàn lực lượng QLTT Thái Nguyên, thường xuyên đôn đốc thực hiện các Kế hoạch kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón, thuốc BVTV; thông qua Phòng Nghiệp vụ- Tổng hợp đã thực hiện hướng dẫn các Đội QLTT trực thuộc về nghiệp vụ quy trình kiểm tra, lấy mẫu, lưu mẫu, gửi mẫu cũng như việc tổ chức thực hiện Quyết định xử phạt (về việc giám sát hoạt động kinh doanh của các cơ sở bị đình chỉ kinh doanh, giám sát việc thu hồi hàng hóa không đảm bảo chất lượng,…). Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nên các mục tiêu đề ra đều đạt hiệu quả cao, trong năm 2022, Các Đội QLTT trực thuộc đã tổ chức 04 Hội nghị tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn các huyện Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ với hơn 600 lượt người tham dự và tự nguyện ký cam kết không vi phạm, chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV; chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực Nông nghiệp, chủ động kiểm tra 87 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và xử phạt 49 cơ sở với 52 hành vi vi phạm với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 208.975.000 đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là 55.650.000 đồng, buộc thu hồi, tái chế hàng chục tấn phân bón không đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, buộc đình chỉ hoạt động kinh doanh của nhiều cơ sở kinh doanh không có giấy phép kinh doanh.
Toàn cảnh Hội nghị tuyên truyền quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn huyện Phú Lương, Thái Nguyên
Hoạt động kiểm tra, kiểm soát mặt hàng phân bón của lưc lượng QLTT Thái Nguyên
Qua thống kê cho thấy các hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng, buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không có giấy chứng nhận đủ điều kiện, không niêm yết giá bán hàng hóa, buôn bán hàng hóa vi phạm về nhãn,… Số lượng vụ việc vi phạm về buôn bán hàng giả giá trị sử dụng công dụng, hàng có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trong năm 2022 tăng hơn so với năm 2021, nguyên nhân do giá các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại, được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 cho nên nhiều đối tượng đã tranh thủ trục lợi bằng cách sản xuất, kinh doanh phân bón có chất lượng kém, phân bón giả, hoặc thực hiện các hành vi gian lận thương mại khác. Vì vậy, trong năm tới Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường về phân bón, thuốc BVTV, trong đó tập trung cho công tác lấy mẫu phân bón tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sau kiểm tra, phân tích nếu vi phạm sẽ được xử lý nghiêm minh; trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm sẽ kịp thời chuyển đến cơ quan tố tụng hình sự để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cơ quan QLTT chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy mẫu phân bón để kiểm nghiệm chất lượng
Phân bón và thuốc BVTV là những vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Để phân bón, thuốc BVTV đảm bảo chất lượng, mang lại hiệu quả cao, ngoài công tác quản lý chất lượng của các ngành chức năng; ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thì người dân cần thường xuyên cập nhật kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao ý thức trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp, nói không với các loại thuốc BVTV trong danh mục cấm sử dụng, không bảo đảm chất lượng, nhằm hướng đến nền nông nghiệp bền vững, an toàn./.