Hà Tĩnh: Đội QLTT số 3 tăng cường công tác quản lý địa bàn

Thời gian vừa qua, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có biến động đáng kể, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân trên địa bàn. Để kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện Hương Khê và Vũ Quang, Đội QLTT số 3 đã ra quân tăng cường các biện pháp như: Thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, xây dựng cơ sở cung cấp thông tin, dán thông báo số điện thoại đường dây nóng, phát các bản tin nhằm tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật .v.v. Ông Nguyễn Viết Phương, Đội trưởng cho biết “công tác quản lý địa bàn là công tác cực kỳ quan trọng và là xương sống của lực lượng Quản lý thị trường, nếu không làm tốt được nhiệm vụ này thì đồng nghĩa với việc chúng ta đã vô tình đánh mất hình ảnh của lực lượng và điều đáng nói ở đây là không đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân ”.
Xác định được nhiệm vụ quan trọng trước mắt, tập thể Lãnh đạo, công chức Đội QLTT số 3 đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa để trao đổi và làm việc, qua đó mỗi công chức đều tập trung để cập nhật lại số liệu các hộ kinh doanh trên địa bàn mình quản lý, ví dụ như: Hộ kinh doanh mới thành lập, hộ kinh doanh đã nghỉ kinh doanh, các mặt hàng có điều kiện .v.v.
Từ những giải pháp trên, công chức được phân công địa bàn đã phát huy được hiệu quả và trách nhiệm theo địa bàn quản lý, các thông tin, báo cáo về tình hình thị trường ngày càng nhiều và kịp thời hơn; hiệu quả kiểm tra, xử lý ngày càng được nâng cao, thị trường ổn định hơn. Bên cạnh những kết quả đạt được và thuận lợi thì công tác quản lý địa bàn ở 2 huyện Hương Khê, Vũ Quang nói riêng và Hà Tĩnh nói chung còn gặp nhiều khó khăn như: Địa bàn rộng, con người ít, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin thiếu thốn nên việc xây dựng cơ sở dữ liệu chưa có sự thống nhất, việc quản lý, trích xuất dữ liệu cũng rất thủ công nên công tác quản lý địa bàn chưa thực sự phát huy tối đa hiệu quả như yêu cầu đặt ra. Riêng ở địa bàn 2 huyện Hương Khê và Vũ Quang, Đội QLTT số 3 đã có nhiều trăn trở, nghiên cứu nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý địa bàn, đơn vị đã tổ chức một số buổi làm việc với chính quyền địa phương, đại diện một số hộ kinh doanh, đưa nội dung quản lý địa bàn vào nội dung đánh giá riêng trong các báo cáo định kỳ, sơ kết, tổng kết.
Để đạt được một số kết quả nhất định như ngày hôm nay không thể không nói đến hiệu quả mà hệ thống xử lý vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường (INS) mang lại, với nhiều ứng dụng thiết thực cho hoạt động của lực lượng, trong đó có phần quản lý dữ liệu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rất khoa học và thuận lợi trong việc theo dõi, quản lý, trích xuất dữ liệu và kiểm tra, xử lý; việc ứng dụng phần mềm quản lý các tổ chức, cá nhân theo địa bàn đã giải quyết được nốt thắt quan trọng trong công tác quản lý địa bàn, công chức không còn phải đầu tư nhiều về thống kê số liệu mà để dành nhiều thời gian thực hiện các nhiệm vụ khác về quản lý địa bàn, nhất là việc theo dõi, phản ánh kịp thời diễn biến bất thường của thị trường và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên địa bàn.
Mặt khác, điểm nhấn quan trọng để thay đổi nhận thức về nghiệp vụ quản lý địa bàn của công chức quản lý thị trường đó là sự ra đời của Thông tư số 18/2019/TT-BCT ngày 30/9/2019 quy định về hoạt động công vụ của công chức Quản lý thị trường; theo đó Thông tư đã quy định rõ trách nhiệm của công chức gắn với các hoạt động công vụ, nhất là công tác quản lý địa bàn; nếu như buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý theo địa bàn, để xảy ra vụ việc thuộc phạm vi kiểm tra của Quản lý thị trường nhưng bị cơ quan có thẩm quyền khác đến kiểm tra, xử lý tùy theo giá trị tang vật vi phạm thì bị xử lý trách nhiệm theo quy định.
Từ những quy định này, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý địa bàn được chú trọng hơn cả về mặt số lượng và chất lượng; đòi hỏi công chức Quản lý thị trường khi thực hiện công tác quản lý địa bàn phải nắm rõ được các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đánh giá được tình hình chấp hành pháp luật của cơ sở kinh doanh và kịp thời báo cáo với lãnh đạo đơn vị để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác liên quan hoặc kiểm tra, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn.
Từ những yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý thị trường, vì sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng, tập thể Đội QLTT số 3 sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nghiệp vụ về công tác quản lý địa bàn trong tình hình mới; trước mắt xác định tập trung thực hiện tốt các nội dung quản lý địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm.
Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường thì nhiệm vụ công tác quản lý thị trường đặt ra là hết sức nặng nề, trước thực trạng tình hình biên chế mỏng, mô hình tổ chức được rút gọn, đòi hỏi mỗi một công chức Quản lý thị trường phải tự nâng cao chất lượng, năng lực thực thi công vụ mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi công việc được giao, trong đó cần sự sáng tạo và thực hiện có hiệu quả hơn về công tác quản lý địa bàn. Tập thể Đội QLTT số 3 luôn xác định rõ ràng về trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, dám làm, dám chịu trách nhiệm đồng thời tăng cường các sáng kiến mới, giải pháp mới trong chỉ đạo, điều hành, quản lý để phát huy sức mạnh tập thể, đoàn kết, dân chủ cùng nhau thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch nhiệm vụ đã đề ra.