Hiểu và xác định chính xác số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính

Như chúng ta biết, “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính” là một trong số các biện pháp khắc phục hậu quả mà Luật xử lý vi phạm hành chính và một số nghị định xử phạt có quy định. Vậy cách xác định nó như thế nào để đảm bảo đúng quy định và phù hợp thực tiễn. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn phân tích về cách xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, trước hết chúng ta cùng tìm hiểu một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, nội dung “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính” được quy định ở đâu?

Tại Điều 37 Luật xử lý vi phạm hành chính: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật” có quy định:

Cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp pháp là tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá có được từ vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức đó đã thực hiện để sung vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt; phải nộp lại số tiền bằng với giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện đó đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

Trên cơ sở quy định tại Điều 37 Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này cho khá nhiều hành vi vi phạm hành chính. Tuy nhiên với những quy định còn mang tính chung chung gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình xử phạt áp dụng, nhất là lực lượng QLTT.

Thứ hai, vậy số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính được hiểu như thế nào và cách áp dụng ra sao?

Ngày 02/11/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2022/TT-BTC quy định chi tiết khoản 2, Điều 91 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 và thay thế Thông tư số 149/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước. Chúng ta cần lưu ý một số quy định sau:

1. Khái niệm “Số lợi bất hợp pháp”: Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 37 Luật Xử lý vi phạm hành chính; điểm e, khoản 3, Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và khoản 2, Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP là vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc tài sản khác có được từ hành vi vi phạm hành chính mà tổ chức, cá nhân đó đã thực hiện trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Với khái niệm trên thì số lợi bất hợp pháp trên thực tế sẽ tồn tại ở 03 dạng chính:

- Tiền (đây là dạng số lợi hay gặp nhất trong thực tiễn).

- Giấy tờ có giá

- Vật, tài sản khác.

Với 03 dạng tồn tại của số lợi bất hợp pháp trên thì pháp luật quy định cách tính khác nhau cho từng loại số lợi.

2. Nguyên tắc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính:

- Việc xác định số lợi bất hợp pháp do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện và ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Với quy định này chúng ta hết sức lưu ý 02 vấn đề:

+ Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của vụ việc đó chính là người xác định số lợi bất hợp pháp.

+ Số lợi bất hợp pháp phải được thể hiện trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

- Số lợi bất hợp pháp được xác định từ khi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính đến thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm hoặc có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Với quy định này giúp chúng ta xác định được khoảng thời gian để tính số lợi bất hợp pháp. Đó là từ khi có hành vi vi phạm đến thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm hoặc có QĐXP hoặc QĐADBPKPHQ.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì xác định số lợi bất hợp pháp có được theo từng hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo từng lần.

Với quy định này thì chúng ta cần nhớ nguyên nhắc: Nhiều hành vi thì xác định theo từng hành vi; nhiều lần thì xác định theo từng lần.

3. Cách xác định số lợi bất hợp pháp là tiền:

- Số lợi bất hợp pháp có được bằng tiền là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ hành vi vi phạm hành chính và được tính bằng số tiền thu được từ việc chuyển nhượng, tiêu thụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ vi phạm sau khi đã trừ chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa, dịch vụ căn cứ vào hồ sơ, chứng từ chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó do tổ chức, cá nhân vi phạm cung cấp.

Với quy định này chúng ta có thể hiểu: Số lợi bất hợp pháp là toàn bộ số tiền thu được từ hành vi vi phạm = số tiền thu được từ tiêu thụ hàng hóa  - Chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa. Để dễ hiểu cho các bạn thì tôi tạm gọi tắt theo công thức sau: A = B – C, trong đó A: Số lợi bất hợp pháp; B: Số tiền thu được từ tiêu thụ hàng hóa; C: Chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa. Vậy để xác định ra A thì chúng ta cần đi tìm B và C đúng không nào?

- Căn cứ để xác định số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ nhân (x) với đơn giá hàng hóa, dịch vụ trừ (-) chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ (nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có đầy đủ hồ sơ, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó). Cụ thể:

+ Số lượng hàng hóa hoặc khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ được xác định trên cơ sở kê khai của tổ chức, cá nhân vi phạm và kiểm tra, xác minh của người có thẩm quyền xử phạt;

+ Đơn giá hàng hóa, dịch vụ được xác định trên cơ sở hồ sơ, chứng từ của tổ chức, cá nhân vi phạm. Trường hợp không có hồ sơ, chứng từ để xác định thì đơn giá được xác định theo giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ tương tự tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp không xác định được số lượng, khối lượng, đơn giá thì số lợi bất hợp pháp có được là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ việc chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định.

Với quy định nói trên chúng ta đã hiểu rõ hơn cách để đi tìm B và C như sau: Nếu chúng ta gọi số lượng hàng hóa đã tiêu thụ là Q và đơn giá hàng hóa là P thì chúng ta có: B = P x Q. Vậy A = B – C = (P x Q) – C. Câu chuyện đặt ra ở đây là cách xác định Q, P và C như thế nào để đúng quy định và phù hợp thực tiễn. Chúng ta cần lưu ý:

Một là, Q xác định trên cơ sở:

* Kê khai của tổ chức, cá nhân vi phạm (nội dung này cho tổ chức, cá nhân tự kê khai bằng văn bản riêng hoặc kê khai thông qua ý kiến của đối tượng vi phạm).

* Kiểm tra, xác minh của người có thẩm quyền xử phạt (đây là phần hết sức quan trọng và cần thiết nhằm kiểm tra, xác minh lại nội dung kê khai của đối tượng vi phạm đã đúng hay chưa, chúng ta có thể kiểm tra, xác minh Q bằng việc xem xét lại các hóa đơn, chứng từ đầu vào, đầu ra, số lượng tồn kho, xác minh từ đối tượng mua hàng .v.v.).

Đây là 02 cơ sở để chúng ta xác định Q và chúng ta phải thiết lập, củng cố cả 02 cơ sở này trong hồ sơ để làm căn cứ. Nếu chúng ta chỉ dựa vào lời khai của đối tượng vi phạm thì có thể không chính xác và chưa đủ căn cứ, cơ sở để xác định chính xác Q đâu nhé.

Hai là, P xác định trên cơ sở:

* Các hồ sơ, chứng từ của đối tượng vi phạm.

* Giá thị trường của hàng hóa tương tự tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm (khi chúng ta không có hồ sơ, chứng từ của đối tượng vi phạm để xác định P).

Ba là, nếu cả P và Q đều không xác định được thì: A = B

Bốn là, C xác định trên cơ sở: Đối tượng vi phạm cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó.

- Trường hợp các tổ chức, cá nhân nhận gia công cho thương nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm thì số lợi bất hợp pháp có được từ hoạt động gia công hàng hóa là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động gia công (tiền thuê, phí gia công) trừ (-) chi phí trực tiếp cấu thành nên tiền thuê gia công, tiền phí gia công (nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có đầy đủ hồ sơ, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó).

Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật đối với hàng hóa gia công thì số lợi bất hợp pháp phải nộp vào ngân sách nhà nước là toàn bộ số tiền nêu trên cộng (+) số tiền bằng với trị giá tang vật vi phạm hành chính có được do đã chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.

Đây là quy định áp dụng cho đối tượng có hoạt động gia công và hàng hóa gia công, thường ít gặp nên tôi sẽ không phân tích thêm.

- Trường hợp chuyển nhượng, tiêu thụ hàng cấm, hàng giả, hàng hóa nhập lậu hoặc cung cấp dịch vụ kinh doanh có điều kiện thì số lợi bất hợp pháp có được bằng tiền là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ việc chuyển nhượng, tiêu thụ hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ đó.

Đây là quy định đối với hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu hoặc dịch vụ kinh doanh có điều kiện thì A = B. Tức chúng ta không tính, không quan tâm đến C nữa.

Với những quy định nói trên của Thông tư số 65/2022/TT-BTC đã góp phần làm rõ hơn quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về cách xác định số lợi bất hợp pháp và thay thế Thông tư số 149/2014/TT-BTC. So với Thông tư 149/2014/TT-BTC, thì quy định mới đã bổ sung “chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ” được trừ khi tính số tiền vi phạm (C như chúng ta đã phân tích ở trên). Tuy nhiên, trong thực tiễn để xác định các ẩn số B (P, Q), C là tương đối khó khăn, phức tạp khi hiện nay một số đối tượng vi phạm không có/không lưu giữ hồ sơ, hóa đơn, chứng từ đầu vào, đầu ra hoặc lưu giữ thiếu. Nếu để kết luận “không xác định được” thì chưa hẳn đúng nhưng để xác định chính xác thì cũng là một câu chuyện hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, với ẩn số C là một ẩn số hết sức khó chứng minh khi chưa có quy định, hướng dẫn hồ sơ, chứng từ như thế nào thì gọi là đầy đủ, như thế nào thì gọi là hợp pháp, hợp lệ; chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa, dịch vụ thì bao gồm những loại chi phí nào trong khi hàng hóa, dịch vụ đa dạng, nhiều chủng loại và chi phí khác nhau.

Trong bài viết này, với những vấn đề đặt ra như trên, tác giả chỉ muốn đưa ra thêm vài quan điểm cá nhân cho những tồn tại chưa được tháo gỡ nói trên như sau:

Thứ nhất, tính hợp pháp, hợp lệ, đầy đủ của hóa đơn, chứng từ: Chúng ta có thể hiểu các hóa đơn, chứng từ được lập là các giấy tờ hợp pháp, được phát hành, in ấn, quản lý, sử dụng đúng quy định; không phải giấy tờ giả, sử dụng bất hợp pháp; hàng hóa, dịch vụ, số tiền được thể hiện trên hóa đơn, chứng từ phù hợp với hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh, có thể giải trình, diễn giải được. Hóa đơn, chứng từ phải phù hợp với hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân ở các lĩnh vực. Một khi nội dung trên hóa đơn, chứng từ không hợp lý thì xem như hóa đơn, chứng từ đó không hợp lệ. Tính đầy đủ của hóa đơn, chứng từ thể hiện về mặt số lượng phù hợp, khớp với số lượng hàng hóa, dịch vụ, chi phí.

Thứ hai, chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa, dịch vụ: Chi phí trực tiếp hay còn gọi là chi phí cơ bản, được xác định bằng tổng các chi phí nguyên liệu và chi phí lao động trực tiếp phát sinh để tạo nên sản phẩm; là một chi phí được gắn trực tiếp với việc sản xuất một hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể. Do vậy chi phí trực tiếp sẽ có tỉ lệ thuận với sản lượng hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong kỳ. Trong khi đó, Chi phí gián tiếp là những chi phí chung phát sinh có liên quan đến nhiều đối tượng chịu phí khác nhau, có thể kể đến như chi phí nguyên vật liệu phụ, chi phí công phụ hay chi phí quảng cáo.

Chúng ta có thể kể đến một số chi phí trực tiếp như: Chi phí vật liệu, Chi phí lương nhân viên, Chi phí sử dụng máy chủ, Chi phí về không gian, Chi phí vận chuyển sản phẩm, Chi phí hoa hồng dành cho bán hàng .v.v. Trong khi chi phí gián tiếp như: Chi phí quản lý chung, Chi phí bảo hiểm, Chi phí thuế, Chi phí bảo trì .v.v. (những loại chi phí này thì đồng nghiệp nào có nghiệp vụ kế toán tốt, hạch toán tốt sẽ biết rất rõ khi xem sổ sách kế toán của doanh nghiệp).

Hy vọng rằng với những phân tích, góc nhìn nói trên sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn và xác định chính xác số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Xin cảm ơn. Mọi ý kiến đóng góp cho bài viết xin gửi về haonv1@dms.gov.vn

Nguyễn Văn Hảo, Phòng TTPC
Cục QLTT Hà Tĩnh