Hòa Bình tích cực thi đua lập thành tích 6 tháng đầu năm chào mừng kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống của lực lượng (03/7/1957 - 03/7/2020)

Cách đây 63 năm, ngày 03/7/1957, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 290-TTg thành lập Ban Quản lý thị trường Trung ương và các Ban Quản lý thị trường các thành phố, tỉnh, khu tự trị. Đây là mốc son đánh dấu sự hình thành và phát triển của lực lượng Quản lý thị trường, ngày này hàng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường.
Hòa chung không khí tưng bừng của cả nước hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2020. Chào mừng kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường. Lực lượng QLTT Hòa Bình đã tích cực thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường (03/7/1957 - 03/7/2020).
Trong bối cảnh tình hình chính trị ổn định, kinh tế thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và dừng thực hiện cách ly xã hội. Tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh duy trì sự ổn định, không xảy ra biến động lớn. Trên địa bàn không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của nhân dân. 06 tháng đầu năm 2020, Cục QLTT Hòa Bình đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương, phát huy tốt vai trò trách nhiệm, nắm bắt công việc nhanh, xử lý tình huống tốt; sáng suốt và cương quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng:
* Công tác kiểm tra kiểm soát được tăng cường thực hiện một cách quyết liệt, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Lực lượng QLTT thực hiện quyết liệt kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đăng ký kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá, an toàn thực phẩm, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, vật tư nông nghiệp…
Với tổng số vụ kiểm tra 1111 vụ (bằng 76,46% so với cùng kỳ, đạt 55,55% so với kế hoạch năm); Số vụ vi phạm 404 vụ (407 hành vi) chiếm tỷ lệ 36,36%. Tổng số tiền phạt VPHC và trị giá hàng hoá tịch thu 988.913.000đ gồm: Tiền phạt VPHC 942.988.000đ, bằng 75,31% so với cùng kỳ, đạt 57,78% so với kế hoạch định hướng; Trị giá hàng hóa tịch thu: 45.925.000đ.
Với những kết quả đạt được tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của lực lượng quản lý thị trường; được các cấp, các ngành ghi nhận biểu dương, người tiêu dùng ủng hộ, tin tưởng.
Lực lượng QLTT thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát
* Phối hợp tốt với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ.
6 tháng đầu năm lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp kiểm tra, xử lý 198 vụ, phạt vi phạm hành chính 515.027.000đ, hàng hóa tịch thu trị giá 29.855.000đ. Trong đó đã: Phối hợp với Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP tỉnh, huyện, thành phố thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về ATTP; Phối hợp với các Phòng cảnh sát kinh tế, Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành kiểm tra và xử lý các cơ sở có hành vi vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Phối hợp với các ngành chức năng trực tại các trạm, chốt kiểm dịch 24h/24h, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra vào địa bàn…
Đặc biệt, Cục thường xuyên trao đổi, chia sẻ, phối hợp tốt với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận, thương mại và hàng giả. Cử cán bộ, công chức tham gia các đoàn liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện về an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh, vật tư nông nghiệp… Quá trình tham gia phát huy được vai trò, trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được các cấp, các ngành xem là lực lượng chủ công. Trong 06 tháng đầu năm đã tham mưu cho BCĐ389 tỉnh ban hành thông báo số điện thoại đường dây nóng; Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 88 cơ sở hành nghề y tư nhân, spa trên địa bàn tỉnh.
* Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, đảm bảo thông tin đến tận các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.
Xác định công tác tuyên truyên, phổ biến pháp luật là nhiệm vụ, đi đầu trong công tác quản lý thị trường nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh và nhận thức của người tiêu dùng; Cục QLTT Hòa Bình luôn thường xuyên đổi mới, đa dạng về hình thức, phong phú về chủ đề, sâu sắc về nội dung tuyên truyền, đảm bảo thông tin đến tận các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
6 tháng đầu năm, Cục QLTT đã tổ chức 01 hội nghị tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm cho 101 tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và tổ chức ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Quá trình kiểm tra, xử lý lực lượng QLTT kết hợp với tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới 16 cơ sở kinh doanh thuốc tân dược và vật tư y tế; tuyên truyền, hướng dẫn ký cam kết đến 156 cơ sở kinh doanh thuốc lá.
Tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật
Đồng thời, Cục QLTT Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ngành, cơ quan Báo, Đài PT&TH địa phương, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật tới Nhân dân, thương nhân thông qua các chuyên mục pháp luật 02 số/tháng. Phối hợp với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hòa Bình tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính trên địa bàn tỉnh, trong đó đã: tổ chức 03 điểm tư vấn, tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho khoảng 300 cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng; cấp phát 1.300 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật tại địa bàn các xã thuộc các huyện Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu.
Phối hợp tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thường xuyên đưa tin bài về công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường trên Website của Cục, Tổng cục QLTT nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và ý thức chấp hành pháp luật cũng như hạn chế các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, góp phần ổn định thị trường đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trong 06 tháng đầu năm thực hiện hơn 100 tin, bài về các hoạt động của ngành.
Với các hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú, đổi mới cả về nội dung và hình thức. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh.
* Công tác tổ chức - xây dựng lực lượng “Chính quy, có tổ chức chặt chẽ”, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.
06 tháng đầu năm, Cục QLTT đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn năm 2020; Ban hành Quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan; Tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình lần thứ II, Nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tham mưu sắp xếp và điều chỉnh danh sách các Đội QLTT theo hướng dẫn của Tổng cục về việc sáp nhập Đội Quản lý thị trường số 8 huyện Lạc Thủy về Đội Quản lý thị trường số 3; Đội Quản lý thị trường số 7 huyện Mai châu về Đội Quản lý thị trường số 4 và xắp xếp, kiện toàn lại công tác tổ chức cán bộ Đội sáp nhập đề nghị bổ nhiệm 2 Đội trưởng và kiện toàn lại 3 Phó Đội trưởng của 2 Đội sáp nhập. Điều chỉnh địa bàn quản lý Đội QLTT số 2.
Thực hiện thực hiện chủ trương quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021- 2026. Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch các chức danh lãnh đạo giai đoạn 2021 - 2026.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai, lực lượng QLTT vẫn còn gặp phải những khó khăn vướng mắc. Đặc biệt, hệ thống văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đồng bộ, còn chồng chéo. Nhận thức về công tác đấu tranh chống buôn lậu tuy đã nâng lên song có lúc, có nơi chưa được quán triệt đầy đủ và thống nhất giữa các ngành, địa phương. Công tác phát hiện và xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn khi liên hệ và phối hợp với các doanh nghiệp, Hiệp hội trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ trong kiểm tra, xử lý. Trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ vừa thiếu, vừa lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…