Hội nghị tổng kết công tác chuyên môn 2018 và phương hướng hoạt động 2019 của lực lượng Quản lý thị trường

Tham dự Hội nghị có toàn thể lãnh đạo, công chức Tổng cục Quản lý thị trường và đại diện 63 Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố.
Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương. Tổng cục chính thức đi vào hoạt động từ ngày 12/10/2018. Việc tổ chức lực lượng QLTT theo mô hình tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương sẽ đáp ứng đòi hỏi trong bối cảnh mới.
Khai mạc Hội nghị, Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh Hội nghị tổng kết công tác chuyên môn 2018 và phương hướng hoạt động 2019 của lực lượng Quản lý thị trường được tổ chức nhằm thẳng thắn nhìn lại những tồn tại, hạn chế của năm 2018, chỉ ra nguyên nhân cụ thể và giải pháp khắc phục để năm 2019, toàn lực lượng đổi mới, ngày càng hoàn thiện và thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Theo đó, chú trọng các nhiệm vụ: xây dựng pháp luật, đổi mới nghiệp vụ thanh tra - kiểm tra, công tác tài chính, tổ chức, sắp xếp bộ máy tổ chức, ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hoạt động truyền thông trong công tác quản lý thị trường.
Kiều Dương, phụ trách Vụ Chính sách - Pháp chế trình bày tham luận
Ông Kiều Dương, phụ trách Vụ Chính sách - Pháp chế trình bày tham luận về “Công tác xây dựng pháp luật 2019”. Theo đó, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm củng cố địa vị pháp lý của lực lượng QLTT, tạo lập khung khổ pháp lý vững chắc cho việc xây dựng lực lượng chính quy, từng bước hiện đại; Xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của lực lượng QLTT. Trước mắt tập trung vào việc rà soát, xác định ưu tiên và định hướng chiến lược hoàn thiện hệ thống văn bản. Theo đó, Chương trình xây dựng VBPL của Tổng cục gồm 03 Nghị định (trình CP tháng 6/2019) và 03 Thông tư
Tiếp theo, Bà Vũ Thị Minh Ngọc, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp trình bày tham luận về “Công tác lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước”, trong đó hướng dẫn công tác lập dự toán NSNN; chấp hành dự toán ngân sách được giao trong năm; Quyết toán ngân sách, công khai ngân sách và công tác đầu tư xây dựng cơ bản của lực lượng Quản lý thị trường.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phụ trách Vụ Thanh tra – Kiểm tra trình bày tham luận
Việc nâng cao chất lượng hoạt động công vụ là một trong những nhiệm vụ cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ông Nguyễn Đức Lê, Phụ trách Vụ Thanh tra – Kiểm tra có bài tham luận về “Đổi mới nghiệp vụ thanh tra – kiểm tra”, theo đó đề cập đến Kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2019 của Bộ Công Thương được phê duyệt tại Quyết định số 4374/QĐ-BCT ngày 23/11/2018, những đổi mới trong thanh tra chuyên ngành, lưu ý trong hoạt động thanh tra và những đổi mới trong hoạt động kiểm tra nội bộ với mô hình phối hợp giữa Vụ Thanh tra Kiểm tra (TTKT) với Cục QLTT cấp tỉnh: Vụ TTKT cử công chức làm trưởng đoàn, Cục cấp tỉnh cử 03 công chức luân phiên làm thành viên tham gia kiểm tra đột xuất trong tỉnh. Vụ TTKT cử công chức phối hợp với Phòng Thanh tra Pháp chế của Cục cấp tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất trong tỉnh khi có yêu cầu.
Tham luận “Công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ” được Ông Nguyễn Duy Khương, Phụ trách Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Quản lý thị trường trình bày tại Hội nghị. Công tác kiện toàn nhân sự của Tổng cục QLTT luôn được Đảng ủy và lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo sát sao và được xác định là công tác trọng tâm cần khẩn trương triển khai thực hiện để nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động của lực lượng QLTT. Để triển khai công tác nhân sự trong thời gian tới, Tổng cục QLTT đã xây dựng các hướng dẫn về trình tự, thủ tục quy hoạch; quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, cách chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Tổng cục QLTT. Ngay sau khi tổ chức đảng của các Cục QLTT cấp tỉnh được thành lập, theo sát sự chỉ đạo của Đảng ủy và lãnh đạo Bộ, Tổng cục sẽ tiến hành các bước trong quy trình bổ nhiệm chính thức các vị trí lãnh đạo cho các Cục địa phương: xây dựng quy hoạch, giới thiệu, hiệp y với tỉnh ủy, thành ủy, bổ nhiệm.
Theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, sau khi chính thức thành lập Tổng cục QLTT (ngày 12/10/2018), đến nay, công tác cán bộ chậm do mất nhiều thời gian thành lập tổ chức đảng. Đây là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Công Thương rất quan tâm, yêu cầu đặc biệt chú trọng, ưu tiên, vì chưa có tổ chức đảng thì chưa thể bổ nhiệm nhân sự được. Bộ trưởng đã yêu cầu Tổng cục trưởng phải chủ động, nhanh chóng đến các địa phương để thành lập tổ chức đảng. Hiện tại, đã có 35/63 tổ chức đảng được thành lập. Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết: "Cứ Cục nào thành lập xong thì triển khai công tác bổ nhiệm".
Đẩy mạnh số hoá, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Ông Bùi Thế Hưng, Vụ Tổng hợp Kế hoạch Tài chính đã giới thiệu về hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử đấu nối với hệ thống quản lý công văn điện tử của Bộ Công Thương; hệ thống email DMS phục vụ hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường.
Trong phần thảo luận, các diễn giả đã trả lời các câu hỏi của đại diện Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về các vấn đề nêu trên, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi chuyển sang mô hình tổ chức mới.
Kết thúc Hội nghị, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục Quản lý thị trường trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác quản lý thị trường.