Hội thảo “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong công tác chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ”.

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan thực thi sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; các Đại sứ quán các quốc gia tại Việt Nam; đại diện các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng đại diện Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố.
(Hình ảnh Hội thảo tại Hà Nội)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường nêu rõ “Cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội”.
Tại Hội thảo, Cục Quản lý thị trường có bài tham luận về tổng quan về công tác phối hợp giữa Quản lý thị trường với doanh nghiệp trong công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đại diện các cơ quan thực thi: Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng Cục Hải quan trình bày về công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, công tác phối hợp giữa lực lượng thực thi và doanh nghiệp, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả phối hợp. Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ về công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về quyền sở hữu trí tuệ và công tác phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.
Hội thảo cũng lắng nghe những chia sẻ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về chính sách và chiến lược chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị về cơ chế hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp.
Trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng và doanh nghiệp bước đầu đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhiều doanh nghiệp.
Bên cạnh việc một số doanh nghiệp phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với lực lượng thực thi, các bài tham luận và ý kiến phát biểu đã chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp như sau:
- Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, một số doanh nghiệp bị làm giả lại thờ ơ, né tránh, chưa hợp tác với lực lượng chức năng, vì cho rằng thủ tục rườm rà, phức tạp hoặc sợ ảnh hưởng đến uy tín của mình, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
- Một số doanh nghiệp nước ngoài chưa có đại diện tại Việt Nam. Vì vậy, khi lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ hàng hóa để xác minh nhưng không có tổ chức/cá nhân đại diện xác nhận hàng thật, hàng giả hoặc phải mất nhiều thời gian để liên hệ giám định, xin ý kiến chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
- Hiện chưa có cơ chế bảo đảm vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc chủ động phát hiện và phối hợp với các lực lượng thực thi. Việc phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi chưa bài bản, chưa thường xuyên, chưa có kế hoạch cụ thể.
- Trong khi chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ luôn tạo ra lợi nhuận lớn, có sức lôi kéo được nhiều đối tượng thuộc nhiều thành phần kinh tế, xã hội tham gia sản xuất, kinh doanh hàng giả, trên nhiều địa bàn và nhiều lĩnh vực khác nhau. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, hiện đại trong khi trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng thực thi còn thiếu, lạc hậu, chưa theo kịp với trình độ phát triển khoa học công nghệ và thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật của doanh nghiệp bị xâm phạm.
Hội thảo đã thảo luận, tìm ra các giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi như sau:
Về phía doanh nghiệp:
- Có bộ phận chuyên trách về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hoặc có đại diện sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp mình; cần xây dựng kế hoạch, chiến lược bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có tính chất dài hạn, kế hoạch truyền thông thường xuyên để tạo sự đồng thuận xã hội về mặt nhận thức trong chống hàng giả, gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của người tiêu dùng.
- Chủ động phối hợp, hỗ trợ cơ quan thực thi trong công tác chống hàng giả; Hướng dẫn về các dấu hiệu phân biệt hàng thật - hàng giả của doanh nghiệp thông qua: tờ rơi, sách hướng dẫn, các cuộc hội thảo, đào tạo, tập huấn..., Hỗ trợ kinh phí giám định, tiêu huỷ hàng giả.
- Cung cấp cho lực lượng thực thi các thông tin về: Đầu mối về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, mặt hàng vi phạm, phương thức thủ đoạn vi phạm, thị trường tiêu thụ, đầu mối sản xuất, buôn bán hàng giả...
- Cần đầu tư áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí; xác lập quyền sở hữu công nghiệp;áp dụng các biện pháp bảo vệ sản phẩm, hàng hóa của mình tránh bị làm giả.
- Doanh nghiệp cần thiết lập cầu nối với người tiêu dùng để giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức và hiểu biết về sản phẩm của doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp cũng cần quảng cáo để thông tin thường xuyên cho người tiêu dùng về sản phẩm, cách nhận biết hàng thật - hàng giả và có chính sách khen thưởng cho người tiêu dùng khi phát hiện ra hàng giả, hàng nhái và thông báo kịp thời cho doanh nghiệp.
Về phía cơ quan thực thi:
- Kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật mọi trường hợp vi phạm.
- Chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp về các văn bản quy phạm pháp luật, minh bạch hoá các quy trình, thủ tục xử lý các xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình kiểm tra, xử lý khi cần thiết để rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quả điều tra, xử lý các vi phạm về hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ.
- Xây dựng và cập nhập cơ sở dữ liệu về hàng giả thường xuyên, liên tục để tiện truy xuất, tra cứu; Mẫu vật về hàng giả phải được sưu tầm mang tính đại diện, đúng quy định pháp luật và phù hợp với thực tế thị trường.
- Đối với những vụ việc phức tạp, cẩn thận trong quá trình kiểm tra, xử lý, cung cấp thông tin, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.