Hội thảo “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT”

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng cho biết công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong thời gian qua, tình hình hàng giả, xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn biến hết sức tinh vi, phức tạp và mang cả yếu tố nước ngoài. Do đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội”. Chia sẻ thêm về điều này, ông Andrew Holt, Bí thư thứ nhất về Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết: “Quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng cho sự thành công của các doanh nghiệp tại Việt Nam vì nó gắn kết vào chuỗi giá trị toàn cầu và thu hút sự tham gia ngày càng tăng của các doanh nghiệp nước ngoài có các sản phẩm đổi mới. Do đó thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết để duy trì lòng tin của doanh nghiệp vào việc bảo vệ hợp lý cho đầu tư của họ. Đại sứ quán Anh rất vui mừng hỗ trợ tổ chức hội thảo ngày hôm nay thông qua quỹ Thịnh vượng nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp và chính phủ thảo luận về vấn đề quan trọng này”.
(Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội thảo)
(Ông Andrew Holt, Bí thư thứ nhất về Kinh tế và Chính trị,
Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam phát biểu)
Doanh nghiệp là chủ sở hữu quyền, chủ sở hữu hàng hoá của mình, là người hiểu rõ hàng hoá của mình hơn ai hết cho nên doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh với hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cho biết, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoặc không quan tâm bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Khi sản phẩm bị làm giả, một số doanh nghiệp còn thờ ơ khi được yêu cầu hợp tác gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Do đó công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền đòi hỏi phải triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, doanh nghiệp cần phải có bộ phận chuyên trách về bảo vệ quyền SHTT hoặc có đại diện SHTT của doanh nghiệp mình; chủ động phối hợp, hỗ trợ và cung cấp thông tin cho các cơ quan thực thi trong công tác chống hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ; đầu tư áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, áp dụng các biện pháp bảo vệ sản phẩm, hàng hóa của mình tránh bị làm giả. Lực lượng Quản lý thị trường cần cung cấp, chia sẻ thông tin pháp luật về chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp; đồng thời, minh bạch hoá các quy trình, thủ tục xử lý các hành vi làm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm khi cần thiết để rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quả công tác điều tra, xử lý vi phạm…
Cũng tại Hội thảo, Chuyên gia đến từ Cục Sở hữu trí tuệ - Vương quốc Anh chia sẻ các kết quả nghiên cứu về xâm phạm và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đại diện các Chi cục Quản lý thị trường nói về thực trạng công tác phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường và doanh nghiệp, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới. Hội thảo cũng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ doanh nghiệp, hàng hoá của mình trước vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, chủ thể quyền gặp một số khó khăn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như: không được phép thực hiện hoạt động điều tra các hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển,... hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng lại phải cung cấp chứng cứ vi phạm khi yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành điều tra; nhận được rất ít thông tin về quá trình xử lý và chế tài áp dụng để xử lý hành vi vi phạm, và gần như rất hiếm khi nhận được thông tin về quá trình và kết quả thực thi các quyết định xử lý vi phạm của cơ quan chức năng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe...Bên cạnh đó, lực lượng thực thi gặp khó khăn về mặt nhân lực và tài chính trong thực hiện hoạt động điều tra, công tác xác định, giám định hành vi vi phạm. Hiện tại chỉ có duy nhất Viện nghiên cứu SHTT cung cấp dịch vụ giám định SHTT, từ đó có thể gây ra khó khăn, áp lực trong việc đưa ra quyết định xử lý vi phạm của các cơ quan thực thi. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đề xuất các giải pháp như: cấp phép hoạt động điều tra tư nhân đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; cho phép doanh nghiệp tiếp cận một cách dễ dàng hoặc công bố công khai các quyết định thực thi quyền sở hữu trí tuệ và kết quả thực thi các quyết định đó; tổng kết công tác thực thi nhằm thống nhất việc áp dụng pháp luật của các cơ quan thực thi,...Bên cạnh đó, đại diện của Hiệp hội cũng trình bày về vai trò của Hiệp hội trong công tác làm cầu nối giữa doanh nghiệp – cơ quan thực thi và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp./.