Lan tỏa văn hóa đọc sách trong lực lượng QLTT

Tạo thói quen đọc sách nhằm bồi dưỡng trí tuệ, nhận thức, khả năng tư duy, nâng cao đời sống tinh thần của các công chức là điều mà lãnh đạo Tổng cục QLTT luôn quan tâm, khuyến khích và mong muốn lan tỏa tới toàn lực lượng QLTT.
Lan tỏa năng lượng tích cực trong lực lượng QLTT
Nằm trong chương trình hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba năm 2024 do Bộ Công Thương phát động, Tổng cục QLTT đã dành 2 ngày (ngày 24/4 và ngày 25/4) cho công chức, người lao động làm việc tại trụ sở 91 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội tiếp cận tủ sách về pháp luật, văn kiện, nghị quyết xây dựng Đảng cùng nhiều đầu mục sách hay có liên quan mật thiết đến công việc chuyên môn hàng ngày. Không gian đọc sách ấm cúng với nhiều tư liệu quý đã mang đến một góc nhìn mới vẻ về văn hóa đọc trong công chức, người lao động của Tổng cục.
Đoàn công tác đã trao 1.000 suất quà là chăn ấm và 1.500 đầu sách cho học sinh và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Việc tạo thói quen đọc sách ở mỗi cơ quan, công sở nói chung, trong đó có Tổng cục QLTT hiện nay là việc không hề dễ bởi công chức, người lao động của Tổng cục hiện nay phải thường xuyên di chuyển, kiểm tra kiểm soát địa bàn và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ ở nhiều nơi. Mặc dù Tổng cục đã dành hẳn một không gian đọc sách nhưng không phải ai cũng có thể sắp xếp thời gian để đọc được. Kể cả giờ nghỉ trưa, mọi người cũng tranh thủ nghỉ ngơi hoặc đọc sách điện tử, qua máy tính, điện thoại chứ không thể ghé qua thư viện để đọc các cuốn sách giấy được. Do vậy, việc dành hẳn 2 ngày đọc sách, khám phá những kiến thức trên sách vở là một hoạt động vô cùng bổ ích đã được đông đảo công chức, người lao động của Tổng cục QLTT hưởng ứng.
Theo chị Lê Thị Thu Hương, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Ngày Sách và Văn hóa đọc là một hoạt động rất ý nghĩa, cho phép bất cứ ai trong dòng đời vội vã, bận rộn công việc hay xử lý các việc riêng tư đều có khoảnh khắc tĩnh lại, nhìn nhận mọi việc chậm rãi và nhẹ nhàng hơn. "Tôi được biết nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng như cơ quan công sở cũng đang thực hiện mô hình học tập, đào tạo cho cán bộ, nhân viên của mình nhằm thúc đẩy phát triển mỗi cá nhân. Trong đó, đọc sách được xem là khởi đầu dễ chịu nhất cho bất cứ ai", chị Hương bày tỏ.
Tạo thói quen đọc sách trong công chức người lao động QLTT
Chị Hương cho rằng, trong thời đại 4.0, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, phương thức đọc sách truyền thống có thể không được nhiều người lựa chọn, thay vào đó là cách thức tiếp cận kiến thức mới thông qua sách điện tử, sách nói... nhưng, sách hay cách đọc sách xưa cũ vẫn sẽ mãi trường tồn theo cách riêng của nó. Việc Tổng cục QLTT dành hẳn 2 ngày để công chức người lao động đọc sách được xem là một trong những điểm nhấn trong phát triển văn hóa đọc của lực lượng.
Là người yêu sách và thích đọc sách, chị Đỗ Thị Kim Tuyến, công chức Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường chia sẻ: Trong quá trình làm việc, được tiếp xúc với lãnh đạo cũng như những người thành công, chị nhận thấy rằng họ đều có thói quen và đam mê đọc sách. Thậm chí rất nhiều người thành công còn là người viết sách, truyền đạt kinh nghiệm sống, những thành công cũng như thất bại của chính họ tới cộng đồng bạn đọc. Có lẽ, thói quen đọc sách, tìm hiểu những kiến thức từ sách vở đã góp phần hình thành nên những thói quen thành công khác nhau của chính họ. “Khi nhìn thấy ai đó đọc sách, có thể là một bác trong tổ dân phố đã về hưu, một em nhỏ ngồi trong góc thư viện hay trong hiệu sách, thậm chí là chính những đồng nghiệp của tôi cầm một cuốn sách hay đang đọc sách, tôi như cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực từ họ. Hình ảnh đó cứ thôi thúc và kích thích sự trỗi dậy thói quen đọc sách trong tôi hơn…”, chị Tuyến bày tỏ.
Tổng cục QLTTT còn tổ chức gian trưng bày phân biệt sách thật sách giả
Trên thực tế, ngay từ thủa nhỏ, hầu như ai cũng từng thích nghe truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn mà bà và mẹ thường hay kể. Rồi lớn lên đi học, nhiều người lại có những cuốn sách nổi tiếng gối đầu giường như “Túp lều bác Tôm”, "Tiếng gọi nơi hoang dã", "Không gia đình", "Sông Đông êm đềm", "Thép đã tôi thế đấy"... Sách văn học giúp bất cứ người đọc nào đều có những khoảnh khắc dễ chịu, lắng đọng cảm xúc, hiểu sâu hơn về con người và xã hội, thúc đẩy tính sáng tạo.
Với xu hướng “chữa lành” như hiện nay, thời gian gần đây, những cuốn sách như "Muôn kiếp nhân sinh", “Sống một cuộc đời đáng sống”, “Mình là cá, việc của mình là bơi”, “Cuộc sống không giới hạn”, “Cuộc sống đếch giống cuộc đời”, “Sống hết mình cho hôm nay” hay “Bạn chỉ cần sống tốt, trời xanh tự an bài”… đã được hàng ngàn người Việt Nam chào đón. Cuốn sách mang đến kiến thức về nhân sinh quan và thế giới quan, giúp bạn có cái nhìn rộng lớn hơn về cuộc đời, để sống thanh thản hơn, bình yên hơn và giàu lòng trắc ẩn hơn.
Khơi dậy đam mê đọc sách trong mỗi công chức người lao động
Có thể nói, văn hóa đọc là yếu tố rất quan trọng góp phần nâng cao văn hóa doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của bất cứ tổ chức, doanh nghiệp hay cơ quan công sở nào. Tuy nhiên, để hình thành văn hóa đọc lại cần sự chung tay, vào cuộc của bất tứ ai hoạt động trong tổ chức đó, từ lãnh đạo xuống tới nhân viên.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công văn số 2589/BCT-VP chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai hoạt động nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xây dựng, hình thành và phát triển văn hóa đọc tại cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục và hình thành văn hóa đọc rộng khắp trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, góp phần xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong cơ quan, đơn vị, các cơ sở giáo dục đặc biệt là học sinh, sinh viên.
Hưởng ứng yêu cầu này, ngày 24/4/2024, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cũng có văn bản gửi tới tất cả các đơn vị trong toàn lực lượng yêu cầu hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc lần thứ ba năm 2024. Trong đó, Tổng Cục trưởng yêu cầu: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; tăng cường vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên công đoàn và học sinh sinh viên thường xuyên đến đọc sách tại thư viện trường học, thư viện cộng đồng, thư viện số, thư viện trực tuyến trên môi trường mạng; tổ chức hoạt động khuyến đọc đa dạng (đọc sách giấy, sách điện tử...), gắn với công tác chuyên môn, nghiệp vụ, giải trí và sinh hoạt văn hóa của các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, cần tổ chức hoạt động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tiễn từng đơn vị, tập trung đẩy mạnh các hoạt động, hình thức tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số; Phát động xây dựng, nhân rộng mô hình tủ sách cơ quan, trường học, tủ sách cộng đồng, tủ sách thanh niên, tủ sách cho doanh nghiệp, hướng dẫn kỹ năng đọc sách, tủ sách nghề nghiệp cho sinh viên… bằng cả hình thức sách in và sách điện tử, nhằm đưa sách đến với đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn, đoàn viên thanh niên và người lao động trong toàn ngành.
Việc Tổng cục QLTT dành hẳn 2 ngày để công chức người lao động đọc sách được xem là một trong những điểm nhấn trong phát triển văn hóa đọc của lực lượng.
Ngoài ra, Tổng Cục trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chỉ đạo công tác hưởng ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời tập trung cho công tác số hóa tài liệu, dữ liệu và xuất bản điện tử các ấn phẩm liên quan đến việc phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo điều hành thuộc lĩnh vực Công Thương đến đông đảo người dân trong cả nước.
Quyên góp sách, trang thiết bị đọc sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các đối tượng xã hội. Các hoạt động khác gắn với sách và văn hóa đọc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị.
Có thể nói, văn hóa đọc là một quá trình hình thành lâu dài, cần sự nỗ lực của bất cứ ai, nhân viên hay lãnh đạo. Bằng những hành động thiết thực, Tổng cục QLTT nói chung và mỗi công chức, người lao động nói riêng, đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần vào việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển của tổ chức.