Lạng Sơn: Giữ vững nề nếp truyền thống về tác phong nghiêm túc, phương pháp làm việc khoa học để tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực qua 05 năm thi hành Pháp lệnh Quản lý thị trường

- Ổn định tổ chức, đoàn kết nội bộ, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công chức, người lao động, hoàn thiện các nội dung bàn giao biên chế, trụ sở, cơ sở vật chất của Chi cục Quản lý thị trường theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ Tướng Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng Cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương.
- Trong thời gian giao thời chuyển giao tổ chức theo hệ thống ngành dọc trực thuộc Trung ương, song song việc kiện toàn tổ chức, sắp xếp bộ máy cùng với việc đảm bảo hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có hiệu quả, không để giãn đoạn, cụ thể chỉ tính số liệu năm 2019 (so với năm 2018 trước và sau chuyển giao về Trung ương) đã xử lý vi phạm hành chính 2.552 vụ việc (bằng 94,41 % so với năm 2018), tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là: 73.845.574.000 đồng (bằng 193,03 % so với năm 2018), công tác chuyên môn nghiệp vụ trước, trong và nhất là sau khi chuyển về trực thuộc Trung ương không bị giãn đoạn, tình hình địa bàn ổn định, không để tình trang nổi cộm về hoạt động kinh doanh bất hợp pháp trên địa bàn.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ được triển khai quyết liệt, kịp thời đề xuất, bổ nhiệm, điều động sắp xếp tổ chức để thực hiện nhiệm vụ, cụ thể: Đã đề xuất bổ nhiệm 02 lượt Q.Cục trưởng/Cục trưởng, 04 lượt Phó Cục trưởng, 04 lượt Q.Trưởng phòng/Trưởng phòng, 04 lượt Phó trưởng phòng, 12 lượt Q.Đội trưởng/Đội trưởng, 28 lượt Phó Đội trưởng.
Qua 5 năm thực hiện Pháp lệnh Quản lý thị trường, trong đó điểm nổi bật là từ tháng 10/2018 trở lại đây lực lượng Quản lý thị trường có nhiều khởi sắc tích cực trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, sắp xếp tổ chức trong nội bộ, được cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và dư luận Nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, phát huy mặt tích cực trong thời gian tới. Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đề xuất, kiến nghị Tổng cục Quản lý thị trường một số nội dung sau:
- Về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn: Xem xét, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Quản lý thị trường và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng chuyên sâu hơn về lĩnh vực quản lý nhà nước được kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính, tránh dàn trải dễ gây chồng lấn, bỏ lọt đối tượng quản lý giữa các cơ quan có chức năng tương tự nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực ngành Công Thương, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của lực lượng Quản lý thị trường.
- Về công tác xây dựng lực lượng:
Rà soát, đánh giá, tham mưu cấp có thẩm quyền về việc bố trí lực lượng Quản lý thị trường đảm bảo vận hành bộ máy hoạt động độc lập, có lực lượng thường trực trên địa bàn mỗi cấp huyện nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của ngành Công Thương về quản lý thị trường theo xu thế phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới với nhiều loại hình hoạt động thương mại mới đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu được bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất kinh doanh hợp pháp, cạnh tranh lành mạnh ngày cao đòi hỏi nâng cao. Trước mắt, đề nghị chỉ đạo cụ thể về việc có hay không bố trí lực lượng tại các huyện do Đội Quản lý thị trường liên huyện phụ trách địa bàn để Cục Quản lý thị trường địa phương chủ động tham mưu chính quyền địa phương quy hoạch đất đai, tham mưu Tổng cục Quản lý thị trường về kế hoạch đầu tư công xây dựng trụ sở, đầu tư trang thiết bị.
Sớm tham mưu xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vị trí việc làm của cơ quan Quản lý thị trường; đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành quy định việc chuẩn hóa về trình độ, chuyên ngành đào tạo trong tuyển dụng công chức đảm bảo chuyên sâu, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả.
Nghiên cứu, tham mưu quy định về cơ chế phân cấp bổ nhiệm, điều động công chức lãnh đạo cấp Đội sao cho đảm bảo thống nhất quản lý của người có thẩm quyền bổ nhiệm nhưng vẫn đảm bảo tính kịp thời, chủ động về điều động nhân lực làm nhiệm vụ phù hợp với diễn biến tình hình thị trường ở địa phương.
- Về chuyên môn nghiệp vụ:
Tiếp tục đánh giá, hoàn thiện hệ thống giáo trình, các quy định về các biện pháp nghiệp vụ, song song với đánh giá, hoàn thiện Hệ thống quản lý xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Quản lý thị trường để nâng cao chất lượng hoạt động của Quản lý thị trường, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại hóa.
Xem xét, tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng hệ thống văn bản pháp quy về xử lý vi phạm hành chính và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thu ngân sách nhà nước sao cho phù hợp nhằm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước cho địa phương thông qua xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan Quản lý thị trường, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan Quản lý thị trường trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đánh giá, nhận định, tham mưu tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các hoạt động thương mại phi truyền thống đang phát triển mạnh mẽ sao cho đáp ứng yêu cầu phát triển chung, nâng cao hiệu quản công tác quản lý thị trường.