Mở đợt cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2015 và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016

1. Yêu cầu của đợt cao điểm kiểm tra kiểm soát
a) Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để lập kế hoạch, phương án triển khai phù hợp;
b) Tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chú trọng công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân;
c) Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tổ chức các kênh thông tin để chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hoá và giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán;
d) Phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp xử lý kịp thời.
2. Nội dung triển khai
a) Tập trung kiểm tra kiểm soát đối với các lĩnh vực:
- Kiểm tra kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, cụ thể: pháo các loại, đồ chơi bạo lực, rượu ngoại, bia, đường kính, thuốc lá, đồ điện tử, điện lạnh...; chống xuất lậu các loại xăng dầu, than, khoáng sản, động vật hoang dã, gỗ và các lâm sản quý hiếm…
- Kiểm tra kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, không qua kiểm dịch, nhiễm vi sinh; gian lận về đo lường... đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, cụ thể: rượu ngoại, thuốc lá ngoại, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, thực phẩm các loại; nông sản, hoa quả, gia súc, gia cầm và các phụ phẩm gia súc, gia cầm, mũ bảo hiểm, quần áo may sẵn, đồ gia dụng; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản và các chất độc hại dùng trong chế biến thực phẩm, nông nghiệp…
- Kiểm tra kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm: đặc biệt tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, những cơ sở chế biến thức ăn chín nói chung; các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh ; các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố. Tập trung vào các mặt hàng: rượu, bia, nước giải khát, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh mứt kẹo, dầu thực vật, tinh bột và sản phẩm từ bột; lương thực, thực phẩm đông lạnh (kể cả nhập khẩu và sản xuất trong nước), thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, rau, củ quả còn tồn dư chất bảo quản; gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc gia cầm nhập lậu, chưa qua kiểm dịch...
- Kết hợp kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hoá (cân, đong, đóng gói hàng hoá), công bố chất lượng hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
b) Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn nhằm thu thập thông tin, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường để thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân;
c) Xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, tập trung vào các đối tượng đầu nậu, những đường dây vận chuyển, điểm tập kết, phát luồng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao;
d) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Kế hoạch số 7105/KH-BCT ngày 29 tháng 7 năm 2014 và công văn số 7599/BCT-QLTT ngày 11 tháng 8 năm 2014 về việc tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
3. Thời gian triển khai và chế độ báo cáo
a) Thời gian kiểm tra: liên tục từ nay đến hết ngày 15 tháng 02 năm 2016;
b) Chế độ báo cáo: thường xuyên báo cáo kết quả kiểm tra và xử lý vào báo cáo tuần và báo cáo tháng của Chi cục để Cục Quản lý thị trường tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.
4. Kết thúc đợt cao điểm kiểm tra kiểm soát, trên cơ sở thành tích đạt được, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố bình chọn, lập hồ sơ đề nghị khen thưởng với hình thức Giấy khen của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho 01 tập thể và 01 cá nhân. Hồ sơ khen thưởng gửi về Cục Quản lý thị trường trước ngày 02 tháng 3 năm 2016 (bản mềm báo cáo thành tích đồng thời gửi về địa chỉ qltt@moit.gov.vn).
5. Tổ chức thực hiện
a) Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường và các nội dung cụ thể của công văn này tổ chức triển khai thực hiện tốt các kế hoạch cụ thể của đơn vị mình cho phù hợp với từng địa bàn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đạt hiệu quả cao nhất;
b) Giao Phòng Tổng hợp và Phối hợp liên ngành thuộc Cục Quản lý thị trường theo dõi, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện và tổng hợp báo cáo;
c) Giao Phòng Tổ chức và Xây dựng lực lượng thuộc Cục Quản lý thị trường tổng hợp hồ sơ khen thưởng của các đơn vị theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Cục Quản lý thị trường để có biện pháp chỉ đạo kịp thời./.