Nâng cao kỹ năng áp dụng pháp luật của Quản lý thị trường

Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính nói chung, của lực lượng QLTT nói riêng là hoạt động áp dụng pháp luật điển hình. Hoạt động áp dụng pháp luật phải tuân theo những hình thức và thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định.

Áp dụng pháp luật là một hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, là một trong bốn hình thức của thực hiện pháp luật (tuân thủ pháp luật, sử dụng pháp luật, thi hành pháp luật và áp dụng pháp luật), thông qua hoạt động áp dụng pháp luật, pháp luật đi vào thực tiến cuộc sống.

Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính nói chung, của lực lượng QLTT nói riêng là hoạt động áp dụng pháp luật điển hình. Hoạt động áp dụng pháp luật phải tuân theo những hình thức và thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định. Bên cạnh đó, áp dụng pháp luật cần đòi hỏi tính sáng tạo vì đó là quá trình vận dụng cái chung để giải quyết các việc riêng lẻ, cụ thể; là hoạt động cá biệt hóa các quy định của pháp luật.

Tìm kiếm văn bản, quy định

1. Cập nhật pháp luật

Hệ thống pháp luật nước ta nói chung, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng được đánh giá là cồng kềnh, phức tạp; tồn tại nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập; tính ổn định không cao, thường xuyên có sự thay đổi… chưa thực sự bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ khai thác, dễ sử dụng; công tác hệ thống hóa, pháp điển hóa chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc đưa pháp luật vào cuộc sống gặp nhiều khó khăn cho cả người dân và các cơ quan chức năng.

Trong khi đó, thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng QLTT trải dài trên rất nhiều lĩnh vực, từ y tế đến vật tư nông nghiệp, thuốc thú y; từ hàng giả, hàng cấm đến bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh…. Nếu hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động công vụ của QLTT không được hệ thống hóa, cập nhật thường xuyên, đầy đủ để nghiên cứu, áp dụng sẽ dẫn tới nhiều rủi ro pháp lý trong thực hiện cũng như nguy cơ xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Do đó, việc thường xuyên cập nhật pháp luật là yêu cầu hàng đầu đối với mỗi công chức, Kiểm soát viên; là cơ sở, tiền đề để áp dụng pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình; giúp hoàn thiện kiến thức, hệ thống các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động công vụ của lực lượng QLTT. Trong đó, có 3 nhóm văn bản quy phạm pháp luật cơ bản cần quan tâm cập nhật:

- Các quy định mang tính chuyên môn “nội bộ”: Về chức năng nhiệm vụ, mô hình tổ chức, về hoạt động công vụ, về quy trình kiểm tra… của QLTT.

- Các quy định theo từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước: Về đăng ký kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, về sở hữu công nghiệp, về ghi nhãn hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa…

- Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính: Luật Xử lý vi phạm hành chính và nghị định hướng dẫn thi hành, các nghị định về xử phạt và thông tư hướng dẫn thi hành, các văn bản hướng dẫn chuyên môn về áp dụng pháp luật…

Xác định vi phạm

2. Kỹ năng phân tích, đánh giá các tình tiết thực tế của sự việc

QLTT là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, trong đó, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân và xử lý vi phạm hành chính là 2 nhiệm vụ, thẩm quyền cơ bản nhất trong 10 nhóm nhiệm vụ, thẩm quyền của QLTT.

Hoạt động kiểm tra của lực lượng QLTT (bao gồm cả thu thập, thẩm tra xác minh thông tin trước và sau khi tổ chức kiểm tra) là giai đoạn khởi đầu của cả quy trình áp dụng pháp luật nhằm xác định đúng đắn nội dung, đối tượng, bản chất pháp lý của vụ việc phát sinh yêu cầu áp dụng pháp luật để giải quyết cũng như thẩm quyền của QLTT. Nếu xác định bản chất vụ việc không chính xác thì sẽ có không có cơ sở để áp dụng pháp luật hoặc áp dụng không chính xác.

Ví dụ: Bản chất của hành vi vi phạm pháp luật là kinh doanh hàng hóa nhập lậu nhưng lại xác định là vi phạm về nhãn hàng hóa (mức độ hành vi vi phạm nhỏ hơn, ít nghiêm trọng hơn) hoặc ngược lại sẽ dẫn đến hậu quả là việc xác định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm là không chính xác.

Trong bước này, người có thẩm quyền của QLTT cần thu thập đầy đủ thông tin, dữ liệu; xem xét một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả những tình tiết của vụ việc, làm sáng tỏ những sự kiện có liên quan; nhận diện đầy đủ vụ việc và tuân thủ các quy trình, thủ tục trong suốt quá trình xem xét vụ việc; phân tích kỹ lưỡng các tình tiết của vụ việc, bao gồm cả mặt chủ quan và khách quan, thời gian, địa điểm, đối tượng… để có cơ sở lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào giải quyết vụ việc trong bước tiếp theo.

Ví dụ: Xác định hành vi vi phạm là vận chuyển hàng hóa nhập lậu, phải làm rõ yếu tố lỗi của chủ thể là cố ý hay vô ý để xác định có cấu thành hay không hành vi vi phạm. Xác định hành vi vi phạm đã kết thúc cần phải làm rõ thời điểm kết thúc để xác định thời hiệu cũng như hiệu lực của văn bản áp dụng. Xác định địa điểm xảy ra hành vi vi phạm làm cơ sở xác định thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra theo địa bàn.

Việc phân tích, đánh giá đúng, chính xác các tình tiết của sự việc thực tế đã xảy ra trong quá trình kiểm tra có thể được thực hiện thông qua các hoạt động sau:

- Trước khi tổ chức kiểm tra: Tiếp nhận thông tin; xử lý thông tin thu thập được, tổ chức thẩm tra, xác minh thông tin làm cơ sở xác định có hay không vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm làm căn cứ tổ chức kiểm tra.

- Trong quá trình kiểm tra: Yêu cầu tổ chức, cá nhân được kiểm tra trực tiếp làm việc hoặc cử người đại diện làm việc; yêu cầu cung cấp giấy tờ, tài liệu, sổ sách, chứng từ và giải trình những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra; kiểm tra hàng hóa, phương tiện, dụng cụ sản xuất, kinh doanh; kiểm tra nơi sản xuất, kinh doanh, lưu giữ hàng hóa có liên quan đến nội dung kiểm tra; thu thập tài liệu, chứng cứ, giải trình của người đại diện tổ chức, cá nhân được kiểm tra tại nơi kiểm tra; lấy mẫu để trưng cầu giám định, kiểm nghiệm theo quy định của pháp luật.

- Sau khi kết thúc việc kiểm tra tại nơi kiểm tra, nếu vụ việc có dấu hiệu vi phạm, cần xác minh làm rõ: Làm việc với tổ chức, cá nhân kiểm tra, tổ chức cá khác có liên quan; cử người xác minh hoặc đề nghị cơ quan khác hỗ trợ, phối hợp thực hiện thẩm tra, xác minh; lấy mẫu để kiểm nghiệm, giám định; xin ý kiến chuyên môn của chuyên gia hoặc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan; thực hiện các hoạt động thẩm tra, xác minh khác theo quy định của pháp luật.

Tất cả các hoạt động này được thực hiện nhằm thu thập thông tin, dữ liệu đầy đủ, chính xác về vụ việc thực tế đã xảy ra, đánh giá khách quan, toàn diện các tình tiết của vụ việc; xác định đúng bản chất, đặc trưng pháp lý của vụ việc làm cơ sở thực hiện giai đoạn tiếp theo.

Kiểm tra, đấu tranh để đối tượng thừa nhận vi phạm

3. Kỹ năng lựa chọn quy phạm pháp luật để áp dụng, xác định hành vi vi phạm hành chính, lập biên bản vi phạm hành chính

a. Kỹ năng lựa chọn quy phạm pháp luật để áp dụng

Lựa chọn quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho xác định hành vi vi phạm hành chính, lập biên bản vi phạm hành chính; việc lựa chọn quy phạm pháp luật không chính xác sẽ phủ nhận kết quả làm rõ ở bước trước đó hoặc dẫn đến việc đưa ra quyết định áp dụng pháp luật ở bước sau đó không đảm bảo cơ sở pháp lý.

Để có cơ sở pháp lý xác định hành vi vi phạm cần tìm văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật tương ứng mô tả hành vi thực tế đã được làm rõ ở trên. Các văn bản pháp luật áp dụng bao gồm văn bản quy định chung và các văn bản quy định hành vi vi phạm riêng cho từng lĩnh vực cụ thể; trên cơ sở dự đoán hành vi đang có dấu hiệu vi phạm thuộc lĩnh vực nào để chọn nghị định và văn bản pháp luật khác (nếu có) phù hợp.

Trên thực tế việc xác định quy phạm pháp luật áp dụng có thể xảy ra 2 khả năng:

- Có một quy phạm pháp luật đáp ứng đủ yêu cầu làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng. Đây là điều rất thuận lợi cho chủ thể có thẩm quyền, giúp dễ dàng xác định được cơ sở pháp lý để ban hành văn bản, quyết định áp dụng pháp luật.

-  Có nhiều quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh nhưng có cách giải quyết khác nhau: Thực hiện theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó cần đặc biệt lưu ý khi xác định yếu tố “cùng một vấn đề” tại các văn bản khác nhau

Cập nhật thông tin về hàng hóa vi phạm 

b. Kỹ năng xác định vi phạm hành chính

Xác định vi phạm hành chính là một trong những kỹ năng hết sức quan trọng khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Việc xác định có hay không hành vi vi phạm, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm là căn cứ không thể thiếu để xử lý các vi phạm hành chính, giúp cho việc thực hiện các trình tự, thủ tục và áp dụng các biện pháp xử lý được chính xác, đúng pháp luật.

Việc xác định vi phạm hành chính có thể được thực hiện ở nhiều thời điểm: Đề xuất kiểm tra của công chức; ngay khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong quá trình tổ chức kiểm tra; trên cơ sở kết quả thẩm tra, xác minh bổ sung tài liệu, chứng cứ; trong quá trình xem xét, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thậm chí khi đã có các quyết định xử lý nhưng cần phải xem xét, đánh giá lại sự việc khi thực hiện tự rà soát hồ sơ vụ việc; trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc khi bị khởi kiện...

Trên cơ sở quy phạm pháp luật đã lựa chọn (văn bản quy định quản lý nhà nước và văn bản quy định xử phạt), người có thẩm quyền đối chiếu, phân tích, đánh giá các dấu hiệu pháp lý của hành vi vi phạm cụ thể đã được thực hiện, với các dấu hiệu cấu thành vi phạm hành chính được pháp luật xử lý vi phạm hành chính quy định để kết luận có hay không vi phạm hoặc hành vi vi phạm hành chính đó được quy định tại điểm, khoản của điều luật nào trong nghị định về xử phạt.

Để đánh giá tính chất mức độ của hành vi vi phạm có thể phải đối chiếu thêm với quy định về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với các hành vi đó… để quyết định.

Các hành vi vi phạm hành chính quy định trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của từng lĩnh vực quản lý nhà nước thường được mô tả chi tiết trong các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc quy định các hành vi vi phạm trong luật chỉ mang tính khái quát, đặc trưng mà chưa thể phản ánh đầy đủ tính đa dạng của thực tế cuộc sống. Chính vì vậy, khi áp dụng pháp luật vào trường hợp thực tế cụ thể đang xem xét đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn chính xác nội dung của quy phạm pháp luật.

Để xác định một hành vi là hành vi vi phạm hành chính cần làm rõ các yếu tố:

- Là hành vi của cá nhân, tổ chức: Xử sự có ý chí của con người được thể hiện bằng hành động hoặc không hành động.

Ví dụ: Đối tượng thực hiện hành vi vận chuyển hàng cấm là pháo nổ; không thực hiện đăng ký kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định…

- Là hành vi vi phạm các quy định pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể của quản lý nhà nước (làm trái, làm không đúng các quy định, không thực hiện nghĩa vụ…) nhưng không phải là tội phạm (mức độ thấp hơn mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội: Được phân biệt thông qua tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm; mức độ thiệt hại, giá trị tài sản, tính chất tái phạm của hành vi vi phạm…). Quy định về quản lý nhà nước được xem xét, đối chiếu, so sánh để đánh giá, kết luận là kết quả của hoạt động lựa chọn quy phạm pháp luật để áp dụng nêu trên.

Ví dụ: Hành vi của thương nhân phân phối xăng dầu không thực hiện đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Vi phạm quy định về trách nhiệm đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan có thẩm quyền.

- Có lỗi: Lỗi cố ý hoặc vô ý, theo nguyên tắc có lỗi thì mới phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, điểm bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là chưa có quy định, khái niệm về lỗi, việc đánh giá hiện phải “vay mượn” từ các quy định của pháp luật hình sự. Về cơ bản, các hành vi vi phạm hành chính dù lỗi cố ý hay vô ý đều bị xử phạt như nhau, tuy nhiên có một số hành vi chỉ bị xử phạt khi thực hiệ với lỗi cố ý.

Ví dụ: Hành vi cố ý vận chuyển, giao nhận, tàng trữ hàng hóa nhập lậu.

- Hành vi đó phải được pháp luật quy định bị xử phạt vi phạm hành chính (quy định chung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định cụ thể trong nghị định về xử phạt trong từng lĩnh vực cụ thể và các văn bản hướng dẫn thi hành khác). Các nghị định quy định xử phạt, hành vi cụ thể được áp dụng… là kết quả của hoạt động lựa chọn quy phạm pháp luật để áp dụng nêu trên.

- Chủ thể của hành vi: Cá nhân, tổ chức. Việc xác định chủ thể của hành vi trong trường hợp là chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh… của tổ chức cần phải được xem xét đến yếu tố lỗi và phạm vi ủy quyền:

+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.

+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện.

Kiểm tra thực tế tại hiện trường

Kết luận

Áp dụng pháp luật là một quá trình phức tạp, trải qua nhiều bước khác nhau, bắt đầu từ việc phân tích, đánh giá sự việc xảy ra trên thực tế, lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật áp dụng đến việc ban hành các văn bản cá biệt áp dụng pháp luật và tổ chức thực hiện văn bản áp dụng đã ban hành. Điều này đòi hỏi chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật trong đó có các chức danh của QLTT phải có ý thức pháp luật cao, có tri thức tổng hợp, kinh nghiệm phong phú, có đạo đức trong sáng và trình độ chuyên môn cao, có những kiến thức, kỹ năng, yêu cầu nhất định.

 

 

Vũ Hải
Cục QLTT Hải Dương