Nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA

Trên 85% số mặt hàng xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng thuế 0%
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với EU. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Đặc biệt, sau 7 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam tận dụng mạnh hơn nữa cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, việc ký kết Hiệp định mới chỉ là khởi đầu cho một chặng đường mới. “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhìn nhận, đa số các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA là phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, ông Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh, EVFTA cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam. Do đó, theo ông Chu Ngọc Anh, cùng với việc tích cực chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo thi hành đầy đủ và hiệu quả các cam kết này.
Cần các biện pháp mạnh, đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm quyền SHTT
Liên quan đến pháp luật về SHTT, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã chỉ ra những bất cập đang tồn tại hiện nay: "Thực tiễn cho thấy, hầu hết các vụ xâm phạm quyền SHTT đều được xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và hàng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt tiền, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị vi phạm, tịch thu tang vật..."
"Xử lý bằng hành chính là chưa đủ, cần nâng mức xử lý bằng dân sự và hình sự mới đủ sức răn đe” Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đề xuất.
Cũng theo Tổng cục trưởng, kết quả rà soát cho thấy hiện có 4 cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ, gồm: quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; quy trình và cách thức thực hiện bảo hộ đối với 169 chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành; nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trong tác phẩm. Đây là các quy định rất chi tiết mà pháp luật Việt Nam hiện chưa ghi nhận.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh tham luận tại Hội thảo
"Mặc dù vậy, rà soát pháp luật mới chỉ là bước đi đầu tiên và 1 trong những nội dung quan trọng tiếp theo là phải rà soát. Đánh giá việc thực thi không chỉ là ở hiện trạng thực thi quyền SHTT mà là cả ở năng lực trong tương lai về thực thi các cam kết để có những biện pháp điều chỉnh phù hợp. Những quy định của EVFTA không chỉ đòi hỏi thay đổi pháp luật mà còn có thể mang đến những thách thức thực thi cho Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn" Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nêu.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT khẳng định, thực thi quyền SHTT luôn là vấn đề khúc mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về SHTT. Do vậy, đây cũng là chủ đề được EU chú trọng đàm phán trong EVFTA. Để đảm bảo thực thi có hiệu quả các cam kết trong EVFTA, bên cạnh việc nội luật hóa các cam kết của EVFTA, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp chính sách để nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi quyền SHTT.