Nhãn hiệu và yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Các căn cứ pháp lý điều chỉnh thuật ngữ “nhãn hiệu” bao gồm:
Luật Sở hữu trí tuệ 2005;
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009;
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022;
Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 04/5/2023 của Chính phủ
Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Nhãn hiệu là gì?
Theo Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, khoản 83 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 và điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 thì:
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Theo quy định này thì nhãn hiệu được phân loại như sau:
- Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
- Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.
66 Nhãn hiệu nổi tiếng – Nhãn hiệu cạnh tranh năm 2023
(nguồn: Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam)
Thế nào là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu?
Điều 77 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định: Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn với hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.
Theo đó, yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn với hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.
Ảnh từ internet
Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không cần xác minh những gì?
Khoản 3 Điều 77 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định, để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Chỉ có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau đây:
- Một là, dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ.
Trong đó:
+ Một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo và cách thức thể hiện;
+ Một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số thành phần hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc đối với dấu hiệu nhìn thấy được, nhạc điệu, âm điệu đối với dấu hiệu âm thanh và việc sử dụng dấu hiệu có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Hai là, hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ; hoặc có mối liên quan với nhau về bản chất hoặc chức năng hoặc phương thức thực hiện.
Riêng đối với nhãn hiệu nổi tiếng, dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm nếu:
- Một là, dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều 77;
- Hai là, hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều này hoặc hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Đội QLTT số 1 kiểm tra, tạm giữ 100 Túi xách giả mạo nhãn hiệu HERMES INTERNATIONAL
Những dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu
Tại Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi điểm a khoản 21 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 và điểm b khoản 21 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định những dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
- Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.
- Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có;
- Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.
* Chế tài xử lý đối với nhãn hiệu như thế nào?
- Tại Điều 2 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định về mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức. Cụ thể như sau:
+ Mức phạt tiền đối với các hành vi quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 250.000.000 đồng.
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 500.000.000 đồng.
+ Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các Điều từ 16 đến 21 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.
- Đối với trường hợp “Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp”
Tại Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm b khoản 10 Điều 1 Nghị định số 46/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định như sau: Trường hợp Buôn bán; chào hàng; tàng trữ để bán; trưng bày để bán; vận chuyển không bao gồm quá cảnh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp” sẽ bị Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp trị giá hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 3.000.000 đồng đến trên 500.000.000 đồng. Bên cạnh đó còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 16, 17 Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm b khoản 10 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.
- Đối với trường hợp “sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, chào hàng, tàng trữ để bán, trưng bày để bán, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mà chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự”
Tại Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm a khoản 11 Điều 1 Nghị định số 46/2024/NĐ-CP quy định như sau: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp trị giá hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 3.000.000 đồng đến trên 300.000.000 đồng. Bên cạnh đó còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 12, 13 Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm c, d khoản 11 Điều 1 Nghị định số 46/2024/NĐ-CP.
Xem chi tiết Nghị định 46/2024/NĐ-CP tại đây!