Nhìn lại 5 năm thực hiện Pháp lệnh Quản lý thị trường

Lực lượng Quản lý thị trường được thành lập từ năm 1957, ngày đầu thành lập là Ban QLTT Trung ương, Ban QLTT ở các tỉnh, thành phố và khu tự trị. Các Ban QLTT thực hiện nhiệm vụ giúp chính phủ nghiên cứu chủ trương, chính sách quản lý thị trường, chống đầu cơ, tích trữ và chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách về thương mại trong phạm vi toàn quốc. Năm 1994 Chính phủ ban hành Nghị định số 35/CP ngày 25/4/1994 về tổ chức lại công tác QLTT, chuyển chức năng chỉ đạo của Ban chỉ đạo QLTT TW về Bộ Thương mại. Đến năm 1995 lực lượng QLTT được tổ chức và kiện toàn lại theo Nghị định số 10/CP ngày 23 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của QLTT, theo đó lực lượng QLTT thành một lực lượng chuyên trách, thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước. Đến năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/CP ngày 23/01/1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của QLTT, trong đó giao thêm cho lực lượng QLTT chức năng thanh tra chuyên ngành thương mại, mở rộng phạm vi kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các hoạt động công nghiệp, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên thị trường.
Trong quá trình hoạt động của lực lượng QLTT gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc điển hình như:
Một là, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của QLTT đã được ghi nhận tại nhiều văn bản luật như Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật sở hữu trí tuệ, Luật thú y, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.v.v.v. Tuy nhiên các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước quy định thẩm quyền cho QLTT rất khác nhau về phạm vi. Trong một số lĩnh vực, pháp luật lại có những quy định riêng mang tính đặc thù về thẩm quyền và trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước trong các lĩnh vực tương ứng. Sự không thống nhất trong các quy định này đã tạo ra những trở ngại, vướng mắc nghiêm trọng về mặt pháp lý cho hoạt động kiểm tra hành chính của lực lượng đối với các chủ thể kinh doanh trên thị trường; tính minh bạch trong hoạt động kiểm tra và sự tương thích với các cam kết thúc đẩy tự do thương mại khó có thể được bảo đảm.
Hai là, lực lượng QLTT không được tổ chức theo mô hình tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương, làm phân tán lực lượng, tính cơ động không cao, hạn chế công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... Đồng thời không tạo được sự tập trung quản lý, chỉ đạo, điều hành thông suốt trong toàn ngành, đặc biệt là khả năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường trên phạm vi cả nước.
Ba là, thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải có sự phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa lực lượng Quản lý thị trường với các cơ quan chức năng nước bạn, đặc biệt là các nước có chung biên giới trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ xác minh đối tượng, phối hợp đấu tranh phòng, chống vi phạm, ngăn chặn các tổ chức hoạt động trên địa bàn liên quốc gia. Bên cạnh đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa, lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên phải phối hợp nhiều lực lượng như: Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Thuế... Tuy nhiên, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Quản lý thị trường khi đó mới chỉ được quy định bởi các văn bản pháp quy, trong đó phần lớn là các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong khi các quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, lực lượng như Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Thuế, Kiểm lâm đã được xác định một cách rõ ràng, cụ thể tại các văn bản luật, pháp lệnh tương ứng......
Chính vì các lý do trên, ngày 8/3/2016 Pháp lệnh QLTT được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 22/3/2016 và Pháp lệnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2016 nhằm mục đích tạo lập cơ sở pháp lý chung thống nhất, rõ ràng, minh bạch về hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của Quản lý thị trường; bảo đảm hiệu quả của hoạt động kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh và bảo vệ thương mại lành mạnh, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng là rất cần thiết. Trên cơ sở đó Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ban hành ngày 4/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường và ngày 10 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương. Đây là sự kiện pháp lý và là dấu mốc hết sức quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình trong hơn 60 năm hình thành và phát triển của lực lượng Quản lý thị trường, từ một lực lượng tổ chức không thống nhất, hoạt động dàn chải phân tán, bị cắt khúc manh mún theo địa giới hành chính trở thành lực lượng được tổ chức thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Sau 5 năm ra đời Pháp lệnh QLTT bước đầu đã mang lại những kết quả nổi bật như:
Thứ nhất, Pháp lệnh đã xác định cơ sở pháp lý vững chắc của Quản lý thị trường, khẳng định được vai trò vị thế của lực lượng trong hệ thống chính trị; đặt nền móng cho sự phát triển và trưởng thành của hoạt động quản lý thị trường.
Thứ hai, công tác chỉ đạo điều hành được Bộ Công Thương lãnh đạo tập trung, thống nhất trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý thị trường. Có thể nhận thấy rõ nét qua việc chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường triển khai thực hiện các chuyên đề về chống hàng giả, chống buôn lậu, chống các hành vi vi pháp pháp luật khác, chỉ đạo các biện pháp ứng phó với tình hình thiên tai, dịch bệnh, như dịch bệnh Covid-19.v.v.v. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm kiểm soát ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh, như: tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng xuất khẩu khẩu trang và gạo lậu qua biên giới; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom, định giá hàng hóa bất hợp lý. Lần đầu tiên được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân và đã kết nối các sàn giao dịch thương mại điện tử, các thương nhân đầu mối xuất khẩu, tiêu thụ nội địa hàng ngàn tấn nông sản cho nông dân được các cấp ủy và chính quyền địa phường ghi nhận.
Thứ ba, tổ chức bộ máy của lực lượng QLTT từ Trung ương đến địa phương được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đến nay tổ chức bộ máy của Tổng cục QLTT ở Trung ương đã được tinh giản từ 11 đơn vị xuống còn 6 đơn vị (giảm 45%). Số Đội QLTT chỉ còn 376 Đội (giảm 45% so với trước đây). Để tiếp tục kiện toàn bộ máy, xây dựng lực lượng QLTT theo hướng hiện đại, chính quy, chuyên nghiệp, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Công Thương đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh trên cơ sở sáp nhập 38 Cục QLTT cấp tỉnh (giảm 19 Cục QLTT cấp tỉnh) và Chiến lược phát triển lực lượng QLTT giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thứ tư, có thể nói chưa bao giờ việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức QLTT được quan tâm như hiện nay, xác định nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong hoạt động của lực lượng lượng Quản lý thị trường. Thời gian qua Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương như Vụ Tổ chức cán bộ, tổ chức các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn các ngạch công chức Quản lý thị trường cho hàng ngàn lượt công chức QLTT; đồng thời cử hàng trăm lượt công chức tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo quản lý cấp Vụ, cấp phòng và tương đương, mở các lớp đào tạo lý luận chính trị, thường xuyên tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng Quản lý thị trường cả nước... Bên cạnh công tác tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho công chức QLTT thì Tổng cục QLTT cũng chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan sửa đổi, bổ sung các chương trình, tài liệu bồi dưỡng dành cho công chức QLTT để kịp thời cập nhật kiến thức mới, các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của QLTT cho công chức QLTT giúp cho quá trình thực thi công vụ của công chức theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế. Như vậy, với việc thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng công chức. Đặc biệt phối hợp với trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở chuyên ngành đào tạo chính quy cử nhân QLTT đây là lần đầu tiên sau 64 năm thành lập mới có trường đào tạo chuyên ngành về công tác QLTT, hướng tới xây dựng lực lượng QLTT chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới.
Thứ năm, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường. Tổng cục QLTT xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động của lực lượng, đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử; hệ thống quản lý văn bản điện tử; hệ thống thư điện tử công vụ; cở sở dữ liệu và quản lý công tác tài chính; cơ sở dữ liệu và thống kê xử phạt hành chính, hệ thống hội nghị trực tuyến với 64 điểm cầu (Tổng cục và 63 cục địa phương). Trong giai đoạn 2020-2021, Tổng cục sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ, tra cứu chứng từ điện tử, quản lý cán bộ, thi đua khen thưởng,… Đặc biệt, kể từ ngày 01/12/2020, Tổng cục Quản lý thị trường đưa ứng dụng Hệ thống xử lý vi phạm hành chính INS phục vụ công tác quản lý hoạt động kiểm tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường. Ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng, giúp công tác chỉ đạo điều hành, công tác quản lý và hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được chủ động, thông suốt, thống nhất, kịp thời và đạt hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Thứ sáu, công tác thông tin truyền thông đặc biệt được quan tâm, triển khai xây dựng vận hành trang Website của Tổng cục và trang Website các Cục địa phương; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương trao đổi thông tin tạo sự minh bạch trong hoạt động; phối hợp với VTV thực hiện chuyên mục “Thật và giả” phối hợp với VOV xây dựng chương trình “Tuyên chiến với gian lận thương mại” ra mắt Tạp chí QLTT cung cấp các thông tin hình ảnh hoạt động của lực lượng một cách thường xuyên, liên tục, chính xác và kịp thời là tiếng nói chính thống của lực lượng đến với công chúng, đến với người tiêu dùng nhanh chóng và có tính thời sự cao….
Thứ bảy, về công tác kiểm tra kiểm soát thị trường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các Cục QLTT ở các địa phương cũng như Cục nghiệp vụ đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan… cài cắm cơ sở, nhân mối cung cấp thông tin, tổ chức kiểm tra, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm lớn trên nhiều địa bàn tỉnh, thành trên cả nước. Điển hình là bóc gỡ đường dây bán hàng giả tại các Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, Lucky Plaza TP Hồ Chí Minh, phố cổ Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh). Xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại chợ Ninh Hiệp, Phú Xuyên, chợ Bến Thành. Kiểm tra xử lý các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Hưng Yên, Hải Phòng, Nha Trang, phối hợp bắt giử 2 vụ vận chuyển buôn bán ma túy lớn tại Hà Tĩnh... lực lượng QLTT đã chuyển cơ quan điều tra và đã khởi tố hình sự nhiều vụ việc vi phạm. Qua những vụ việc đó cho thấy lực lượng QLTT đã khắc phục được điểm yếu lớn nhất từ trước đây đó là sự chia cắt theo địa bàn; sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất từ Tổng cục đến địa phương tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp hành động kịp thời, khẳng định vai trò vị thế nòng cốt của lực lượng Quản lý thị trường trong Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, làm cơ sở cho sự phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh/thành phố xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, có thể khẳng định mô hình tổ chức lực lượng QLTT theo ngành dọc đã chứng tỏ tính ưu việt khi đánh đúng, đánh trúng vào những đường dây, ổ nhóm lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được; đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp với các lực lượng chức năng.
Thứ tám, phương thức lãnh đạo chỉ đạo điều hành ở các đơn vị cơ sở đổi mới một cách cơ bản toàn diện theo hướng chính quy. Ý thức, trách nhiệm chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính của đội ngũ công chức được nâng lên rõ rệt; tâm tư, nguyện vọng và tinh thần, thái độ của công chức tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường. Khắc phục tình trạng trì trệ, thói thờ ơ, vô cảm của một bộ phận công chức; thay đổi hình ảnh, diện mạo của lực lượng để cùng sánh vai với các lực lượng chức năng khác, thể hiện được sự tôn trọng qua hành động và ứng xử của người dân (trước đây dân gọi là “anh Công an, bọn QLTT”; nay dân đã gọi là “anh Công an, chú Quản lý thị trường”).
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác QLTT vẫn còn một số tồn tại hạn chế dó là:
1. Thể chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn đang còn một số bất cập chồng chéo, chưa phù hợp, chưa theo kịp với thực tiễn, chưa được sửa đổi bổ sung kịp thời.
2. Mô hình tổ chức cấp đội chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ, chưa có công chức chuyên trách như: văn phòng, kế toán, thủ quỹ....trong khi đó công việc phục vụ hỗ trợ rất lớn, các công chức phải kiêm nhiệm nhiều việc ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn.
3. Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của cấp đội chưa tương xứng với trách nhiệm được giao (Đội trưởng 0,3; Phó Đội trưởng 0,2) trong khi đó các chức danh này có phạm vi quản lý rộng tính chất công việc phức tạp nặng nề (có Đội quản lý địa bàn từ 3 đến 4 huyện) chưa tương xứng với các lực lượng có chức năng tương đồng.
4. Số biên chế được giao còn hạn chế, trong khi đó nhiệm vụ hết sức nặng nề; trung bình mỗi công chức quản lý gần 1.000 hộ kinh doanh và trên 500 doanh nghiệp, địa bàn rộng mỗi công chức quản lý từ 5 đến 7 phường xã.
5. Trình độ năng lực của một số công chức chưa đồng đều (nhất là những công chức lớn tuổi không có khả năng đào tạo, đào tạo lại) chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chưa theo kịp với xu thế phát triển nhất là những lĩnh quản lý về thương mại điện tử, kinh doanh có yếu tố nước ngoài, công nghệ thông tin.v.v.v. bên cạch đó vẫn còn tình trạng một số công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ. Phương pháp làm việc cũ đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận công chức nhưng không dễ giàng thay đổi trong một sớm một chiều.
6. Về phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới (nhất là phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác).
Nhưng về cơ bản có thể nhận thấy sau 05 năm Pháp lệnh QLTT ra đời đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, xây dựng lực lượng QLTT ngày càng chuyên nghiệp, chính quy, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả công tác Quản lý thị trường. Từng bước đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của của người dân và Chính phủ đối với lực lượng QLTT.