Những quy định mới về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước

Nghị định được xây dựng nhằm thiết lập khung pháp lý thống nhất về chế độ báo cáo theo hướng đổi mới, giảm gánh nặng hành chính trong công tác báo cáo, đảm bảo hoạt động báo cáo được thực hiện theo nguyên tắc, quy trình, kỳ báo cáo và thời hạn gửi báo cáo thống nhất, đồng bộ; có cơ chế chia sẻ, sử dụng hiệu quả, thống nhất nguồn thông tin từ các báo cáo, phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước.
Một số nội dung đáng chú ý như sau:
1. Về phạm vi điều chỉnh:
Nghị định này quy định về: Nguyên tắc, thẩm quyền ban hành và nội dung chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện công tác báo cáo giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức, cá nhân liên quan; các yêu cầu đối với việc ban hành chế độ báo cáo; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện chế độ báo cáo và xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chế độ báo cáo.
Nghị định số 09/2019/NĐ-CP không điều chỉnh các chế độ báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê, chế độ báo cáo mật theo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước, chế độ báo cáo trong nội bộ từng cơ quan hành chính nhà nước.
Ngoài ra các chế độ báo cáo do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bị bãi bỏ.
2. Các loại chế độ báo cáo và yêu cầu hình thức đối với việc ban hành chế độ báo cáo:
(Ảnh sưu tầm từ internet)
Điều 4 của Nghị định 09 quy định có 03 loại chế độ báo cáo, đối với mỗi loại chế độ báo cáo có yêu cầu về hình thức ban hành riêng, cụ thể như sau:
+ Loại 1 - chế độ báo cáo định kỳ: là chế độ báo cáo được ban hành để đáp ứng yêu cầu thông tin tổng hợp của các cơ quan hành chính nhà nước, được thực hiện theo một chu kỳ xác định và lặp lại nhiều lần.
Đồng thời khoản 1, Điều 11 của Nghị định cũng quy định đối với chế độ báo cáo định kỳ của các cơ quan hành chính Nhà nước phải được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Loại 2 - chế độ báo cáo chuyên đề: là chế độ báo cáo được ban hành để đáp ứng yêu cầu thông tin có tính chuyên sâu về một chủ đề nào đó và phải thực hiện một hoặc nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định.
Chế độ báo cáo chuyên đề được ban hành bằng văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính được quy định tại khoản 1, Điều 10 của Nghị định.
+ Loại 3 - chế độ báo cáo đột xuất: là chế độ báo cáo được ban hành để đáp ứng yêu cầu thông tin về vấn đề phát sinh bất thường.
Khoản 1, Điều 9 của Nghị định quy định chế độ báo cáo đột xuất được ban hành bằng văn bản hành chính.
3. Nguyên tắc chung về việc ban hành chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước:
Nghị định quy định việc ban hành chế độ báo cáo phải đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ phục vụ hiệu quả cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước.
Nội dung chế độ báo cáo phù hợp với quy định tại các văn bản do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan, người có thẩm quyền thuộc hệ thống hành chính Nhà nước ban hành.
Nghị định cũng nêu rõ cần giảm tối đa yêu cầu về tần suất báo cáo nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực trong thực hiện chế độ báo cáo.
Các số liệu yêu cầu báo cáo phải đồng bộ, thống nhất về khái niệm, phương pháp tính và đơn vị tính để bảo đảm thuận lợi cho việc tổng hợp, chia sẻ thông tin báo cáo.
Ngoài ra, tại khoản 6, Điều 5 của Nghị định cũng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo, chuyển dần từ báo cáo bằng văn bản giấy sang báo cáo điện tử. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện chế độ báo cáo và công tác phối hợp, chia sẻ thông tin báo cáo.
4. Thống nhất thời gian chốt số liệu báo cáo trong chế độ báo cáo định kỳ:
Điều 12 của Nghị định quy định chi tiết thời gian chốt số liệu báo cáo trong chế độ báo cáo định kỳ như sau:
+ Báo cáo định kỳ hằng tháng: tính từ ngày 15 tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 14 của tháng thuộc kỳ báo cáo.
+ Báo cáo định kỳ hằng quý: tính từ ngày 15 của tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 14 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo.
+ Báo cáo định kỳ 6 tháng: thời gian chốt số liệu 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo. Thời gian chốt số liệu 6 tháng cuối năm được tính từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.
+ Báo cáo định kỳ hằng năm: Tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.
+ Đối với các báo cáo định kỳ khác, thời gian chốt số liệu do cơ quan ban hành chế độ báo cáo quy định, nhưng phải đáp ứng các quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8 và của 11 của Nghị định.
(Ảnh sưu tầm từ internet)
Như vậy, thời gian chốt số liệu báo cáo theo quy định tại Nghị định 09 có sự khác biệt rõ rệt đối với quy định kết chuyển số liệu kỳ báo cáo hiện tại của ngành Quản lý thị trường. Cụ thể, hiện nay theo khoản 3, Điều 10 của Thông tư 41/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công thương quy định chế độ báo cáo của Quản lý thị trường như sau:
+ Báo cáo tháng phải được kết chuyển số liệu vào ngày 20 hàng tháng.
+ Báo cáo quý phải được kết chuyển số liệu vào ngày 20 tháng cuối quý.
+ Báo cáo 6 tháng phải được kết chuyển số liệu vào ngày 20 tháng 6.
+ Báo cáo năm phải được kết chuyển số liệu vào ngày 20 tháng 12.
Nghị định số 09/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 12/3/2019 và trước ngày 01 tháng 6 năm 2019, bộ, cơ quan, địa phương ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các chế độ báo cáo do cơ quan mình ban hành nhằm đáp ứng các quy định tại Nghị định này./.