Những quy định mới về tổ chức thanh tra ngành Công Thương

Ngày 18/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2015/NĐ-CP ngày 14/12/2015 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương.
1. Về căn cứ ban hành:
So với Nghị định 127/2015/NĐ-CP ngày 14/12/2015 thì Nghị định 54/2020 bổ sung thêm 02 căn cứ Luật mới là Pháp lệnh Quản lý thị trường 11/2016/UBTVQH13 ngày 08/3/2016 và Luật Quản lý Ngoại thương 05/2017/QH14 ngày 12/6/2017.
2. Thay đổi các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành:
Nghị định số 54/2020/NĐ-CP quy định các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Công Thương gồm: “Tổng cục Quản lý thị trường; Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh; Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; Cục Hóa chất; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Điều tiết điện lực; Cục Công nghiệp; Cục Xúc tiến thương mại; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Phòng vệ thương mại”.
Căn cứ Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016 và Nghị định số 98/2017/NĐ – CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; cơ quan “Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương” được sửa đổi tên thành “Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh”; “Cục Quản lý thị trường” thành “Tổng cục Quản lý thị trường”; “Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin” thành “Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số”; “Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương” thành “Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng”.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành:
Nghị định 54/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 13 của Nghị định 127/2015/NĐ-CP quy định Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 07/2012/NĐ-CP và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như sau:
+ Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
+ Cử công chức có đủ điều kiện chuyên môn tham gia các Đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ và các cơ quan khác khi được yêu cầu.
+ Quyết định phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Như vậy, quy định mới đã bãi bỏ quyền “xử lý các vi phạm pháp luật khác” của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đồng thời quy định rõ khi cử công chức tham gia các Đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ và các cơ quan khác khi được yêu cầu cần phải cử công chức có đủ điều kiện chuyên môn, đây là quy định mới so với Nghị định 127/2015/NĐ-CP.
4. Thay đổi quy định bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành:
Nghị định 54/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định 127/2015/NĐ-CP như sau: “bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ Công Thương, Cục thuộc Tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành: bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục tổ chức theo mô hình Vụ; tại Cục thuộc Bộ Công Thương, Cục thuộc Tổng cục tổ chức theo mô hình Phòng.”
Như vậy, so với quy định cũ tại Điều 14 của Nghị định 127/2015/NĐ-CP thì ngoài mô hình Vụ và mô hình Phòng, bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành không còn được giao cho bộ phận khác của Tổng cục, Cục, Chi cục kiêm nhiệm.
5. Quy định về người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành:
Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 40 của Nghị định 127/2015/NĐ-CP, nêu rõ người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là công chức thuộc Tổng cục và tương đương; Cục thuộc Bộ Công Thương; Cục thuộc Tổng cục và bãi bỏ quy định công chức thuộc Chi cục thuộc Sở Công thương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Ngoài ra, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của ngạch công chức đang giữ, các tiêu chuẩn quy định tại Điều 12 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP và quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Cụ thể gồm:
+ Am hiểu pháp luật, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành;
+ Có nghiệp vụ thanh tra;
+ Có ít nhất 01 năm làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (không kể thời gian tập sự).
Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ Công Thương, Cục thuộc Tổng cục có quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính và hưởng các chế độ bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật.
6. Một số quy định được bãi bỏ:
Điều 2 của Nghị định 54/2020/NĐ-CP bãi bỏ một số quy định của Nghị định 127/2015/NĐ-CP:
+ Bãi bỏ khoản 5, Điều 10 quy định nhiệm vụ của Chánh Thanh tra Sở trong việc “hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Sở Công thương”.
+ Bãi bỏ Điều 12 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
+ Bãi bỏ Điều 25 quy định nội dung thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng).
+ Bãi bỏ khoản 2, Điều 37 quy định thẩm quyền thanh tra lại “Giám đốc Sở giao Chánh Thanh tra Sở quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Sở Công thương kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Nghị định 54/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2015/NĐ-CP ngày 14/12/2015 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công thương có hiệu lực từ ngày 07/7/2020./.