Thái Nguyên: Giải pháp tăng cường công tác quản lý địa bàn và tháo gỡ vướng mắc trong thi hành công vụ, xử lý vi phạm hành chính
Tăng cường công tác quản lý địa bàn
Lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để thực hiện tốt những nhiệm vụ này, lực lượng QLTT Thái Nguyên xác định nhiệm vụ đầu tiên là phải thực hiện công tác Quản lý địa bàn - một trong bốn biện pháp nghiệp vụ chính của lực lượng Quản lý thị trường. Đây là biện pháp nghiệp vụ được thực hiện thường xuyên, liên tục tại tất cả các thời điểm trong năm với nội dung quan trọng là công tác xây dựng, cập nhật thông tin, tổng hợp cơ sở dữ liệu thống kê cơ bản về các đối tượng có hoạt động thương mại trên địa bàn.
Thực hiện công tác quản lý địa bàn
Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện việc xây dựng, tổng hợp thông tin về tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và nhập dữ liệu trên Hệ thống Xử lý vi phạm hành chính (Hệ thống INS). Tuy nhiên, số lượng cá nhân, tổ chức được nhập liệu trên Hệ thống INS còn thấp, chưa tương ứng, phù hợp với thực tế, có thể dẫn đến tình trạng Lãnh đạo Cục, Tổng Cục Quản lý thị trường khi xem xét số lượng cá nhân, tổ chức kinh doanh đó sẽ có những đánh giá, nhận định không đúng về thị trường địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Trên cơ sở đó, trong năm 2023, Cục QLTT đã ban hành các văn bản số văn bản số 117/QLTTTNG-NVTH ngày 21/3/2023 về việc rà soát, bổ sung cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn và văn bản số 438/QLTTTNG-NVTH ngày 09/10/2023 về việc tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, giao Phòng Nghiệp vụ- Tổng hợp đôn đốc, giám sát thường xuyên công tác nhập cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn lên Hệ thống Xử lý vi phạm hành chính của các Đội QLTT trực thuộc. Kết quả, tính đến ngày 24/11/2023, số lượng cơ sở kinh doanh được nhập mới lên Hệ thống Xử lý vi phạm hành chính đã tăng gần 20% so với năm 2022, với thông tin liên quan cơ bản chính xác, khách quan, phục vụ tốt cho công tác theo dõi, quản lý các cơ sở kinh doanh trên địa bàn từ xa bằng ứng dụng trên nền tảng số của Cục QLTT, Tổng cục QLTT.
Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn
Giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ
Để góp phần đảm bảo hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính được thực hiện thống nhất, đúng quy định pháp luật trong toàn lực lượng Quản lý thị trường Thái Nguyên, trong năm 2023, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên cũng đã quan tâm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực thi công vụ, xử lý vi phạm hành chính của các Đội QLTT trực thuộc. Ngày 28/3/2023, Cục QLTT đã ban hành văn bản số 126/QLTTTNG-NVTH về việc rà soát khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính. Qua đó giao Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp chủ trì tiếp nhận, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, phối hợp cùng các Phòng chuyên môn thống nhất các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thi hành công vụ, xử lý vi phạm hành chính của các Đội QLTT trực thuộc. Sau khi tổng hợp và nghiên cứu, trên cơ sở nội dung ý kiến đã thống nhất giữa các phòng chuyên môn và được Lãnh đạo Cục phê duyệt, Đoàn công tác phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp đã đến tại các Đội QLTT trực thuộc để trao đổi, giải đáp các khó khăn, vướng mắc với toàn thể công chức trong các đơn vị.
Đồng chí Lương Ngọc Khiêm, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp cùng các thành viên trong phòng trao đổi khó khăn, vướng mắc cùng các Đội QLTT trực thuộc
Tại các Hội nghị này, đồng chí Lương Ngọc Khiêm - Trưởng phòng Nghiệp vụ- Tổng hợp đã trực tiếp trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các Đội QLTT trực thuộc về xử lý vi phạm hành chính trong các hoạt động công vụ, lĩnh vực, mặt hàng như: Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong xử lý hành chính theo quy định; quy trình thiết lập hồ sơ trong các vụ việc cụ thể; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong giám sát, xác minh và kiểm tra/khám; kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống trong xử lý vi phạm hành chính; nghiệp vụ quản lý địa bàn; bảo quản, xử lý hàng hoá, tang vật, phương tiện bị tạm giữ; phương pháp tiến hành tiếp cận và kiểm tra về thương mại điện tử, an toàn thực phẩm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vật tư nông nghiệp,…; một số vướng mắc phát sinh khi thiết lập hồ sơ vụ việc cũng như xử lý dữ liệu quản lý địa bàn trên hệ thống INS; kỹ năng xử lý tin, bài để thực hiện công tác truyền thông. Về cơ bản, các khó khăn, vướng mắc đều được giải quyết rõ ràng, đầy đủ theo quy định pháp luật, nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao từ các Đội QLTT trực thuộc, qua đó thống nhất cách hiểu, cách làm ở một số trường hợp, lĩnh vực nhất định trong toàn Cục.
Trong các năm tiếp theo, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên sẽ thường xuyên tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, tiếp nhận và duy trì thực hiện tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các Đội QLTT trực thuộc trong thực thi công vụ, xử lý vi phạm hành chính để đưa thị trường tại tỉnh Thái Nguyên thực sự trở nên lành mạnh, công bằng, phát triển theo đúng định hướng, quy định của pháp luật./.
Một số hình ảnh hoạt động: