Tổng cục QLTT: Hướng dẫn công tác xử lý hàng hóa bị tạm giữ hoặc tịch thu đối với khẩu trang y tế và nước sát khuẩn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 31 tháng 01 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra; tiếp theo các văn bản số: 147/TCQLTT-CNV ngày 30 tháng 01 năm 2020; 149/TCQLTT-CNV, 155/TCQLTT-CNV ngày 31 tháng 01 năm 2020, 156/TCQLTT-CNV ngày 01 tháng 02 năm 2020 về triển khai công tác phòng chống dịch nCoV, Tổng cục Quản lý thị trường hướng dẫn công tác xử lý hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính đối với hàng hóa là khẩu trang y tế và dung dịch nước sát trùng, diệt khuẩn như sau:
Về quy trình xử lý: do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng khan hiếm các mặt hàng khẩu trang y tế và dung dịch nước sát trùng, diệt khuẩn đang diễn ra trên cả nước, để nhanh chóng xử lý đưa số hàng hóa đảm bảo chất lượng, rõ ràng thông tin về tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch của nhân dân, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị các Đơn vị vận dụng khoản 5 Điều 2 Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện mốt số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (Thông tư số 173/2013/TT-BTC) để xác định và thực hiện quy trình xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng.
Đối với hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính nếu xác định được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản xuất, cung ứng hàng hóa, đề nghị thực hiện xử lý theo quy trình xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng tại Thông tư số 173/2013/TT-BTC và Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữ toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Đối với những hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm khác, đề nghị phối hợp, tham mưu với các cơ quan chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan có liên quan tại địa phương xcs định chất lượng, nguồn gốc hàng hóa trước khi quyết định phương án xử lý.