Tổng cục QLTT hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Thực hiện Kế hoạch của Bộ Công Thương và hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 (21/4), Tổng cục QLTT đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần xây dựng văn hóa đọc cho các công chức, người lao động trong toàn lực lượng.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc trong toàn lực lượng
Triển khai Công văn số 2589/BCT-VP ngày 17/4/2024 của Bộ Công Thương về việc hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có công văn yêu cầu các đơn vị thực hiện các nội dung, gồm:
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; tăng cường vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên công đoàn và học sinh sinh viên thường xuyên đến đọc sách tại thư viện trường học, thư viện cộng đồng, thư viện số, thư viện trực tuyến trên môi trường mạng; tổ chức hoạt động khuyến đọc đa dạng (đọc sách giấy, sách điện tử...), gắn với công tác chuyên môn, nghiệp vụ, giải trí và sinh hoạt văn hóa của các cơ quan, đơn vị;
Tổ chức hoạt động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tiễn từng đơn vị, tập trung đẩy mạnh các hoạt động, hình thức tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số;
Phát động xây dựng, nhân rộng mô hình tủ sách cơ quan, trường học, tủ sách cộng đồng, tủ sách thanh niên, tủ sách cho doanh nghiệp, hướng dẫn kỹ năng đọc sách, tủ sách nghề nghiệp cho sinh viên… bằng cả hình thức sách in và sách điện tử, nhằm đưa sách đến với đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn, đoàn viên thanh niên và người lao động trong toàn ngành.
Chỉ đạo công tác hưởng ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời tập trung cho công tác số hóa tài liệu, dữ liệu và xuất bản điện tử các ấn phẩm liên quan đến việc phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của nhà nước, văn bản chỉ đạo điều hành thuộc lĩnh vực Công Thương đến đông đảo người dân trong cả nước.
Quyên góp sách, trang thiết bị đọc sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các đối tượng xã hội. Các hoạt động khác gắn với sách và văn hóa đọc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị.
Công chức của Cục Nghiệp vụ Tổng cục QLTT hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa Đọc Việt Nam.
Thời gian triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam diễn ra từ ngày 15/4/2024 đến ngày 01/5/2024.
“Đề nghị các đơn vị Tổng cục căn cứ vào tình hình điều kiện thực tế để tổ chức các hoạt động, nội dung hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu các công chức, người lao động thực hiện văn hóa đọc, xây dựng tủ sách chuyên ngành nhằm trau dồi kiến thức chuyên môn, chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn của đơn vị theo thời gian và địa điểm phù hợp”, công văn của Tổng cục QLTT nêu rõ.
Ngày đọc sách của công chức QLTT
Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, Tổng cục QLTT sẽ dành 2 ngày (24/4 và 25/4) để các công chức, người lao động tham gia tìm hiểu và đọc các thông tin bổ ích tại Phòng đọc sách của Tổng cục tại địa chỉ 91 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại tủ sách này, ngoài các cuốn sách liên quan đến chính sách pháp luật, các Bộ Luật lớn và các văn bản hướng dẫn còn có các đầu mục sách về Đảng như Văn kiện Đại hội Đảng qua các Đại hội 12, Đại hội 13… và các cuốn sách tiêu biểu như : 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật); Tài liệu hỏi đáp về các Văn kiện Đại hội. Bên cạnh đó, tại tủ sách của Tổng cục QLTT còn có các cuốn sách hay gồm: Tư tưởng Hồ Chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, tuyên truyền (NXB Thông tin và Truyền thông); Câu chuyện chuyển đổi số; Chuyển đổi số tại Việt Nam tái định hình nền kinh tế để phát triển bền vững; 25 xu hướng công nghệ định hình cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Theo Tổng cục QLTT, sách có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, nhất là đối với thế hệ trẻ trong lực lượng QLTT. Trong những năm qua, Tổng cục QLTT đã có nhiều chương trình, hoạt động hiệu quả hưởng ứng đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ và các kế hoạch của Bộ Công Thương. Trong đó, Tổng cục QLTT đã tổ chức Phòng trưng bày nhận diện sách thật sách giả, tổ chức các chương trình tặng sách cho trẻ em tại các trường học thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, tủ sách của Tổng cục đã quy tủ hàng trăm đầu sách với những nội dung thiết thực, đáp ứng yêu cầu của các công chức, người lao động trong việc tìm hiểu các thông tin về Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội; xem việc phát triển văn hóa đọc chính là động lực, là công cụ quan trọng để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014, lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam; đồng thời có Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 ban hành Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Để phát triển văn hóa đọc lên tầm cao mới, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, quyết định tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21/4 hàng năm trên toàn quốc nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. Đồng thời tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.