Xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý góp phần xây dựng công chức, người lao động Cục QLTT Lạng Sơn chính quy, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, văn hóa nghĩ rộng ra đó là chính trị và chính trị nghĩ sâu xa cũng là văn hóa; cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng phải là người có văn hóa, phải là người có đủ tài và đức - đó là điều kiện cần và đủ, trong đó, đạo đức được coi là gốc của nhân cách và tài giữ vai trò quan trọng: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn… Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng”. Người cũng khẳng định, cán bộ là gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.
Lãnh đạo thường có hai cách: Một là, lãnh đạo bằng thuyết phục, cảm hóa thông qua trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và cái tâm, cái đức của người lãnh đạo, thấm đượm tính nhân văn, văn hóa. Hai là, lãnh đạo dựa vào quyền lực. Sự kết hợp nhuần nhuyễn hai cách lãnh đạo trên tạo thành nghệ thuật - văn hóa lãnh đạo, quản lý là tố chất cần có đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị trong Cục là lực lượng nòng cốt, là nhân tố quan trọng trong việc lãnh đạo, triển khai nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, các chi bộ, Đảng bộ hiện nay. Đó là những người giữ vai trò quan trọng, có tính quyết định đến công tác lãnh đạo, quản lý, thành công của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức trong toàn Đảng bộ. Đó là những công chức lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Cục, các Phòng, Đội thuộc diện Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường quản lý.
Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh xây dựng Đảng về cán bộ. Đây là bước phát triển về nhận thức của Đảng ta. Đồng thời, Đại hội cũng xác định rõ: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…”. Trong các nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng Đảng được nêu tại Đại hội XIII bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp mới trong xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu như: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Coi trọng và làm tốt công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ. Kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, "lợi ích nhóm" và lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ.
Đồng chí Đặng Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng quán triệt, truyền đạt chuyên đề năm 2022: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng trong sáng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Ảnh Duy Tường
Những quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ được nêu trong các văn kiện Đại hội XIII, chính là những định hướng, những quan điểm có tính chất chỉ đạo đòi hỏi cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức trong Cục hiện nay phải nhận thức đầy đủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia công tác xây dựng Đảng về cán bộ để góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Đối với cán bộ, đảng viên, công chức Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn hằng ngày đang phải đối mặt với mọi cám dỗ của nền kinh tế thị trường, đấu tranh trực diện với các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, các vi phạm khác trong hoạt động thương mại thì càng phải đòi hỏi người cán bộ, lãnh đạo quản lý nói riêng, cán bộ, công chức, người lao động nói chung phải xây dựng cho mình một phương pháp lãnh đạo, quản lý có văn hóa, phương pháp làm việc khoa học, luôn có ý thức, năng lực tự học, thực học và học tập suốt đời. Thường xuyên tự soi, tự sửa đồng thời phải khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhận xét, phê bình, góp ý cho mình, nhắc nhở mình về những điều mình đã hứa. Tập hợp và phát huy được sức mạnh của đảng viên, công chức và người lao động; thực sự cầu thị, biết lắng nghe, tự có ý thức khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nhất là biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, áp đặt hoặc lợi dụng tập thể để quyết định vấn đề mang mục đích cá nhân. Có phong cách khoa học, khi xem xét, quyết định mọi việc đều phải nắm chắc, nghiên cứu, phân tích toàn diện, khách quan, tôn trọng quy trình ra quyết định, tranh thủ ý kiến của tập thể lãnh đạo và quần chúng. Thực hiện tốt văn hóa công sở, đạo đức công vụ; phải “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”, “chí công vô tư”, nói phải đi đôi với làm.
Đồng chí Đặng Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy, phát biểu kết luận Hội nghị sinh hoạt chuyên đề toàn Đảng bộ năm 2022 với chủ đề: “Trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, khát vọng công hiến, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh và tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh”. Ảnh Minh Phương
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý nói riêng, cán bộ, công chức, người lao động nói chung còn một số hạn chế tồn tại như: Một số cấp ủy, đảng viên, công chức tính tiền phong gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, tác phong lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao; chưa chủ động, tích cực, sáng tạo trong công việc; năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng cầu yêu cầu nhiệm vụ được giao. Việc thực hiện nêu gương của cấp ủy một số chi bộ có mặt chưa toàn diện, còn để lộ, lọt thông tin về công tác tổ chức cán bộ ra bên ngoài; chưa nghiêm túc, gương mẫu thực hành tự phê bình và phê bình; chưa tích cực tự đọc, tự nghiên cứu tài liệu về lĩnh vực mình công tác hoặc các vấn đề về lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học, công nghệ... để báo cáo trong bản kiểm điểm cuối năm; chưa chủ động nghiên cứu mô hình mới, kinh nghiệm tốt của địa phương, đơn vị bạn, hoặc từ cơ sở để áp dụng và chi bộ, cơ quan, đơn vị. Tinh thần trách nhiệm, tính nêu gương của một số đảng viên, công chức còn có mặt hạn chế thể hiện qua việc chưa mạnh dạn trong tự phê bình và phê bình, nhìn nhận hạn chế, khuyết điểm; còn thụ động, chưa phát huy vai trò cá nhân trong việc đóng góp xây dựng kế hoạch thực hiện. Một số đảng viên, công chức chưa thực sự gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chỉ chăm lo lợi ích cá nhân, thiếu trách nhiệm, bệnh thành tích; lười nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật, không nắm chắc tình hình địa bàn được giao phụ trách; phong cách làm việc chưa đổi mới; chưa thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức lối sống; một số công chức có trình độ, có kinh nghiệm về lĩnh vực nhất định thì chưa phát huy được vai trò truyền đạt, kết nối đảng viên, công chức trong cơ quan, đơn vị, cá biệt có trường hợp tự mãn với những gì mình cho là nổi trội mà ta có được;.…
Để cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng và cán bộ, công chức, người lao động nói chung hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, xây dựng công chức, người lao động Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn chính quy, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, trong thời gian tới cần mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, người lao động cần phải thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, Phải có tư duy và tầm nhìn chiến lược, tăng cường năng lực nắm bắt toàn diện, dự báo khoa học, năng lực đổi mới chiến lược và ứng phó với tình huống phức tạp, đột xuất. Trong quản lý, điều hành phải thực hiện phương châm "3 theo: Điều hành theo quy chế, thực hiện nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, giải quyết công việc theo quy trình" và "5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ kết quả”.
Hai là, luôn có ý thức, năng lực tự học, thực học và học tập suốt đời. Chủ động trao đổi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là ý kiến phản biện trái chiều; dân chủ tập trung, thông tin trung thực và sát thực; tránh dân chủ hình thức, đoàn kết xuôi chiều, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Thường xuyên tự soi, tự sửa đồng thời phải khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhận xét, phê bình, góp ý cho mình, nhắc nhở mình về những điều mình đã hứa.
Ba là, phải ứng xử có văn hóa với công việc, với nhân dân, với đồng sự, với tổ chức. Tập hợp và phát huy được sức mạnh của đảng viên, công chức và người lao động; thực sự cầu thị, biết lắng nghe, tự có ý thức khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nhất là biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, áp đặt hoặc lợi dụng tập thể để quyết định vấn đề mang mục đích cá nhân. Thực hiện văn hóa “tự giác”, tự nhận, tự chịu trách nhiệm, văn hóa “từ chức”,… khi thấy mình không đảm đương được vị trí, chức vụ đó hoặc không còn đủ uy tín hay có khuyết điểm, vi phạm.
Đồng chí Trần Mạnh Hùng, Phó bí thư Đảng ủy, quán triệt chuyên đề sinh hoạt toàn Đảng bộ năm 2022 với nội dung: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” với chủ đề “Tự soi, tự sửa”. Ảnh Phương Hoa.
Bốn là, Dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động. Gương mẫu, làm gương, đi đầu trong mọi công việc; thường xuyên nêu gương trước tập thể, cơ quan, đơn vị, tổ chức; chịu được áp lực và dám đối diện với thử thách, có tinh thần kỷ luật và giữ nghiêm kỷ luật; quyết đoán, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm trước tập thể, cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân dân.
Năm là, phải quản trị được bản thân và gia đình; giữ nghiêm kỷ luật đối với bản thân và gia đình; không vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng lên trên hết; không để bản thân bị sức mạnh của đồng tiền hay quyền lực chi phối, không để gia đình lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của mình để trục lợi, tham ô, tham nhũng, không sống xa hoa, lãng phí.
Sáu là, thực sự hiểu rõ từng người, từng việc, từng mốc thời gian cụ thể. Đi sâu, đi sát cấp dưới, quần chúng để hiểu rõ cấp dưới, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Sử dụng phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường, đúng người, đúng việc; thường xuyên quan tâm đến tư cách, động cơ và lợi ích hợp pháp của cấp dưới.
Bảy là, có phong cách dân chủ, phong cách quần chúng, phải luôn sâu sát cơ sở, giản dị, gần gũi, hòa đồng với quần chúng, tìm hiểu, nắm được thực trạng đời sống, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, tin yêu và tôn trọng con người, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết, tiếp thu những kiến nghị chính đáng của quần chúng. Sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa hạn chế, khuyết điểm của mình. Không cho phép mình hưởng điều gì có tính chất “đặc quyền, đặc lợi”. Không chủ quan, duy ý chí, áp đặt thực tiễn theo ý mình.
Tám là, có phong cách khoa học, khi xem xét, quyết định mọi việc đều phải nắm chắc, nghiên cứu, phân tích toàn diện, khách quan, tôn trọng quy trình ra quyết định, tranh thủ ý kiến của tập thể lãnh đạo và quần chúng. Làm việc phải có mục đích, kế hoạch cụ thể, rõ ràng, thiết thực; hết sức tránh vạch ra chương trình, kế hoạch chung chung, rộng rãi, không thiết thực. Thực hiện tốt văn hóa công sở, đạo đức công vụ với phương trâm “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
Chín là, có phong cách nêu gương, gương mẫu, làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt; phải “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”, “chí công vô tư”, nói phải đi đôi với làm. Cần nêu gương tốt trên ba mối quan hệ: Với mình, với người, với việc.