Chi cục QLTT TP. Đà Nẵng dâng hương tưởng niệm tại Đài Tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ thành phố Đà Nẵng và Khu di tích Nhà Mẹ Nhu

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2025); sáng ngày 25/3/2025, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đã tổ chức đến viếng, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ thành phố Đà Nẵng và Khu di tích Nhà Mẹ Nhu.
Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (28/3/1930-28/3/2025) và 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2025); sáng ngày 25/3/2025, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đã tổ chức đến viếng, đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ thành phố Đà Nẵng. Hoạt động có sự tham gia của đồng chí Phạm Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng - Bí thư Đảng ủy Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng (thuộc Đảng bộ UBND thành phố Đà Nẵng) cùng Lãnh đạo, công chức, Đoàn viên thanh niên Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đồng chí tham dự đã dành phút mặc niệm bày tỏ lòng thành kính, tri ân và biết ơn đối với công lao, đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Chi cục QLTT Đà Nẵng đặt vòng hoa và dâng hương tại Đài Tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ thành phố
Chi cục QLTT Đà Nẵng đặt vòng hoa và dâng hương tại Đài Tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ thành phố
Đây là hoạt động thiết thực nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, lòng tự hào và tự tôn dân tộc cho các thế hệ lãnh đạo, công chức, nhất là thế hệ trẻ; phát huy tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, cống hiến, quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Chụp ảnh lưu niệm tại Đài Tưởng niệm thành phố
Cùng ngày, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cũng đã đến thăm, dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích Nhà Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê. Di tích Nhà Mẹ Nhu nằm ở K748 đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, có diện tích hơn 600m2, hiện đang lưu giữ những tài liệu, hiện vật tiêu biểu liên quan đến mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê.
Chi cục QLTT Đà Nẵng dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích Nhà Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê
Sau chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, thực hiện Chỉ thị của Đặc khu ủy Quảng Đà, các cơ sở cách mạng được dần hình thành trong nội đô. Khu vực Thanh Khê khi ấy trở thành một vùng căn cứ lõm cách mạng ngay cửa ngõ vào thành phố Đà Nẵng. Từ năm 1967, mẹ Nhu đã cho đào hầm bí mật ngay trong căn nhà vách tre để làm nơi trú ẩn cho cán bộ, chiến sĩ biệt động.
Nơi này từng là nơi trú ẩn của cán bộ, chiến sĩ biệt động
Đêm 23/12/1968, sau trận tập kích vào đồn Bảo An, cầu Phú Lộc, các đồng chí biệt động quận Nhì (nay là quận Thanh Khê, Đà Nẵng) được cơ sở đưa về trú ẩn tại nhà Mẹ Nhu và nhà Mẹ Hiền (cách nhau 300 m). Tuy nhiên, do sự phản bội của tên Lữ Hùng đầu hàng địch và chỉ điểm nên các cơ sở trú ẩn của ta bị địch phát hiện. Sáng ngày 26/12/1968, quân địch đã bao vây, khống chế các lối ra vào nhà Mẹ Nhu nhằm bắt sống, tiêu diệt các chiến sĩ biệt động. Bị địch bao vây bất ngờ, các chiến sĩ biệt động của ta đã nhanh chóng xuống hầm bí mật và sẵn sàng chiến đấu.
Khu Di tích lưu giữ các hiện vật tiêu biểu liên quan đến mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê
Lúc này anh Phạm Phú Long, con trai của Mẹ Nhu bị địch bắt tại nhà, khống chế và tra tấn, ép chỉ chỗ các chiến sĩ trú ẩn. Do kiên quyết không khai, anh Long bị bắt đi. Sau đó, bọn chúng quay sang đánh đập, tra khảo, hăm dọa mẹ Nhu và nổ súng vào mẹ. Mẹ Nhu đã hy sinh anh dũng để bảo vệ, che chở cho các chiến sĩ biệt động.
Phần mộ của Mẹ Nhu được chôn cất trong khuôn viên Khu Di tích
Lúc bấy giờ dưới hầm nhà Mẹ Nhu có 3 đồng chí biệt động đang trú ẩn, các đồng chí đã bật nắp hầm, tung lựu đạn tiêu diệt địch… và thoát ra khỏi hầm, vừa đánh địch vừa di chuyển về phía nhà mẹ Hiền để phối hợp cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu. Tại nhà mẹ Hiền, 4 chiến sĩ khác cũng bắt đầu đánh trả quyết liệt, tiêu diệt nhiều tên địch, vượt qua nhiều vòng vây trở về vùng căn cứ. Trong đó có 02 chiến sĩ trong lúc tìm cách thoát về căn cứ đã bị địch bắt và đưa đi đày. Trận phản kích của 7 chiến sĩ biệt động quận Nhì là trận đấu điển hình của lực lượng cách mạng diễn ra ngay trong vùng địch, gây cho chúng nhiều tổn thất.
Năm 1995, mẹ Nhu được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Mang giá trị lịch sử tiêu biểu trong phong trào đấu tranh cách mạng, địa điểm Nhà Mẹ Nhu được công nhận Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 4699/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao nhưng sự hy sinh của cha ông mãi mãi được khắc ghi không bao giờ phai mờ trong mỗi người dân Đà Nẵng và trong lịch sử dân tộc.