Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, đấu tranh, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Lào Cai

Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp, người dân biết đến. Đây là môi trường kinh doanh có sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại. Người tiêu dùng hiện nay đã hình thành thói quen mua hàng online thông qua phương tiện điện tử. Sự phát triển của TMĐT đã đem lại nhiều lợi ích cho các hoạt động kinh tế phát triển, việc mua bán hàng hóa không còn bị giới hạn bởi không gian, thời gian, thông tin về hàng hóa và sự trao đổi giữa người mua và người bán diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.
Hiện nay, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Lào Cai khá đa dạng từ hoạt động trên các sàn TMĐT (Lazada, Shoppee, Sendo,…), các Website bán hàng của các doanh nghiệp đến hình thức mua bán qua các trang mạng xã hội của cá nhân (facebook, zalo, tiktok…). Hoạt động mua bán qua các kênh TMĐT tại tỉnh Lào Cai đang diễn ra ở cả hai chiều, bao gồm hoạt động của người tiêu dùng, người kinh doanh mua hàng từ các tỉnh, thành khác chuyển vào Lào Cai; hoạt động của các tổ chức, cá nhân tại Lào Cai thực hiện bán hàng trong nội tỉnh và bán đi các tỉnh, thành khác trong toàn quốc.
TMĐT đang ngày càng phát triển nhanh chóng, bên cạnh những người kinh doanh chân chính, sử dụng TMĐT để phát triển sản xuất, kinh doanh thì vẫn còn đó những đối tượng lợi dụng sự tiện lợi của TMĐT để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, mà hiện nay kinh doanh trên nền tảng TMĐT đã xuất hiện nhiều chiêu trò mới với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.
Đội QLTT số 5 phối hợp Phòng PC03-Công an tỉnh Lào Cai kiểm tra tại cơ sở kinh doanh
Một trong những hoạt động TMĐT phổ biến nhất hiện nay đó là hoạt động bán hàng online qua các mạng xã hội, các đối tượng thường sử dụng tài khoản Facebook, Tiktok để livestream bán hàng hoặc lập các nhóm kín trong zalo gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định đối tượng vi phạm; các đối tượng này thường không cung cấp địa chỉ để người mua đến nhận hàng, xem hàng trực tiếp nhằm che giấu địa điểm bán hàng; thường xuyên thay đổi địa điểm kho hàng hoặc thuê những vị trí ở nơi ít dân cư để trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng; chủ yếu bán hàng tại nhà riêng, không có biển hiệu cơ sở kinh doanh, lực lượng QLTT không thể chủ động kiểm tra, xử lý…Ngoài ra, một số đối tượng không có cửa hàng, không có kho hàng mà chỉ thực hiện quảng cáo sản phẩm của các tổ chức, cá nhân khác sau đó khi khách hàng đặt mua thì mới nhập hàng về hoặc giao dịch trung gian hưởng chênh lệch giữa người bán và người mua. Hàng hoá được đóng gói tại nhiều địa điểm và theo từng mặt hàng mà người mua đã đặt sau đó chuyển đến các kênh giao hàng nên rất khó phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Bên cạnh hoạt động mua bán trên mạng xã hội và các sàn TMĐT, hiện nay tại Lào Cai, nhiều tổ chức, cá nhân đã thiết lập website để quảng bá và giao dịch trên các website này. Tuy nhiên, việc quản lý đối với loại hình này cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm: đối tượng thực hiện khóa website, cho website ngừng hoạt động khi lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm tra, thậm chí một số đối tượng còn cố tình chống chế, không thừa nhận mình là chủ sở hữu website hoặc việc lập website là do nhân viên của mình tự ý làm không liên quan đến cơ sở.
Việc phát triển của thương mại điện tử đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho lực lượng QLTT, đòi hỏi phải có sự đấu tranh quyết liệt cùng với việc áp dụng nhiều giải pháp để thu thập chứng cứ, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực TMĐT, nhất là nhân lực hiểu biết chuyên sâu còn thiếu, yếu. Việc thống kê, theo dõi, giám sát hoạt động TMĐT và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu thập chứng cứ điện tử, xác định đối tượng, địa chỉ kinh doanh.
Đội QLTT số 5 phối hợp Phòng PC03-Công an tỉnh Lào Cai kiểm tra hàng hoá vi phạm
Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, thời gian qua lãnh đạo Cục QLTT Lào Cai đã có những chỉ đạo kịp thời thông qua việc ban hành kế hoạch kiểm tra và các văn bản chỉ đạo nghiệp vụ đối với các Đội QLTT, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, đồng thời việc kiện toàn Tổ công tác về Thương mại điện tử, giao Đội QLTT số 5 chủ trì hoạt động này, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong môi trường TMĐT.
Trong 05 tháng đầu năm 2023, Đội QLTT số 5 đã phát hiện xử lý 07 vụ việc vi phạm trong môi trường thương mại điện tử, XPHC số tiền 228.500.000 đồng, hàng hoá vi phạm trị giá 243.452.000 đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là: kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định (Bộ Công Thương) trước khi bán hàng, cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, xác định “Thương mại điện tử” là mặt trận trọng tâm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Đội QLTT số 5 tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tuyên truyền kết hợp công tác thu thập thông tin để thực hiện kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong môi trường này./.