Tập huấn nghiệp vụ Quản lý thị trường năm 2023

Ngày 12-13/10/2023, tại Bình Thuận, Tổng cục QLTT tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Quản lý thị trường năm 2023. Trong ngày đầu tiên tham gia tập huấn, hội nghị đã được nghe 07 báo cáo tham luận tổng kết về các lĩnh vực hoạt động của lực lượng QLTT sau 05 năm thành lập, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị để hoạt động QLTT hiệu quả trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Ánh Dương chia sẻ, sau 05 năm thực hiện Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng QLTT đã phát huy hiệu quả, có nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa đến đời sống kinh tế xã hội nói chung và công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói riêng.

Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Ánh Dương phát biểu khai mạc Hội nghị

Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện một cách tập trung, xuyên suốt, thống nhất trên cả nước; tình trạng manh mún, cắt khúc, thiếu đồng bộ trong công tác đấu tranh phòng, chống và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại giữa trung ương với địa phương và giữa các địa phương với nhau đã được khắc phục. Kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên phạm vi toàn quốc được cải thiện theo hướng toàn diện, hiệu quả; những diễn biến đột xuất, phức tạp của thị trường phát sinh trong các thời điểm, tại các địa bàn khác nhau trên cả nước đã được chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, kịp thời với kết quả tích cực. Nhiều vụ việc vi phạm phức tạp, có quy mô lớn, có tính chất liên tỉnh đã được chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời góp phần tích cực bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh buổi tập huấn trong ngày 12/10/2023

Tổng cục QLTT đã tập trung xây dựng, tổ chức bộ máy và kiện toàn biên chế của lực lượng tại các tổ chức QLTT ở trung ương và địa phương. Đến nay, cơ bản các cơ quan, đơn vị QLTT các cấp đã được kiện toàn về nhân sự. Đội ngũ công chức hầu hết đều có trình độ đại học và trên đại học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức gắn với công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật được đẩy mạnh trong những năm qua cũng đã tạo sự chuyển biến tích cực, tạo cơ sở vững chắc cho việc hình thành, phát triển khả năng “biết làm việc”, “mong muốn làm việc” và “có thể làm việc” cho đội ngũ công chức QLTT.

Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành, cơ cở vật chất về trụ sở làm việc, xe ô tô, máy móc, trang thiết bị chuyên dùng đã được trang cấp tương đối đầy đủ cho các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, Lãnh đạo Tổng cục QLTT cũng thẳng thắn nhìn nhận, còn không ít khó khăn, tồn tại cần được tiếp tục tháo gỡ, chấn chỉnh như: biên chế mỏng; văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ; còn nhiều công chức, người lao động vi phạm nội quy, quy chế làm việc, vi phạm pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

“Ngay từ khi thành lập Tổng cục, Lãnh đạo Tổng cục đã đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm đối với lực lượng, đó là: Ổn định - kiện toàn tổ chức; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng pháp lý; Đẩy mạnh kiểm tra - kiểm soát thị trường; Ứng dụng công nghệ thông tin; Công tác thông tin - truyền thông. Đến nay, sau 5 năm hoạt động các nhiệm vụ này đã được chúng ta triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả. Kết quả công tác của chúng ta đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận” Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Ánh Dương nói.

Những dấu ấn nổi bật

Báo cáo thêm về Kết quả sau 05 năm hoạt động, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính Vũ Thị Minh Ngọc chia sẻ, bên cạnh việc ổn định, kiện toàn tổ chức, xác định “cán bộ là gốc rễ của mọi vấn đề”, công tác đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, sử dụng công chức QLTT đáp ứng yêu cầu công tác được quan tâm và xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, Tổng cục QLTT đã tổ chức Hội nghị ký cam kết trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. Ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ban hành Quy tắc ứng xử của công chức, người lao động trong lực lượng QLTT. Công tác đào tạo tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, chính trị được tổ chức thường xuyên.

Bà Vũ Thị Minh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp- Kế hoạch-Tài chính

Công tác xây dựng, hoàn thiện hạ tầng pháp lý được nghiên cứu, theo đó Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý  vi phạm hành chính năm 2020 đã bổ sung thêm một số chức danh có thẩm quyền xử phạt thuộc lực lượng QLTT; thẩm quyền xử phạt cụ thể của một số chức danh cũng được quy định tăng thêm về mức phạt tiền, thẩm quyền tịch thu, thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC. Các nghị định quy định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đã được Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng thẩm quyền xử phạt trên nhiều lĩnh vực cho các chức danh QLTT. Tham mưu Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành các Thông tư quy định chi tiết về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức QLTT; nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra của lực lượng QLTT và các thông tư sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động công vụ, kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng QLTT.

Việc kiểm tra kiểm soát thị trường của lực lượng QLTT cũng được chú trọng triển khai, Theo số liệu thống kê trong giai đoạn 2018 đến tháng 9 năm 2023, toàn lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 557.156 vụ việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, xử phạt vi phạm hành chính là 353.333 vụ việc. Thu nộp ngân sách nhà nước trên 1.800 tỷ đồng. Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại tại thị trường trong nước của lực lượng QLTT thực hiện đúng pháp luật; các hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục quy định, góp phần bảo vệ trật tự quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Kết quả kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đã hỗ trợ tích cực cho việc đánh giá chính xác mức độ tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực hoạt động thương mại phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Hội nghị tập huấn có sự tham gia của 300 công chức là Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Đội QLTT và một số KSVTT

Tổng cục QLTT cũng đã tiến hành 1.034 cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với 471 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 24.300.159.000 đồng. Các vụ việc thanh tra chuyên ngành đã được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật góp phần quan trọng trong bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước trong các lĩnh vực trên địa bàn cả nước. Tỷ lệ phát hiện vi phạm hành chính so với tổng số vụ việc thanh tra chuyên ngành ngày càng tăng. Đa số đối tượng thanh tra đều nhận thức được hành vi vi phạm của mình, có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền.

Trong giai đoạn 2018-2023, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT triển khai quyết liệt là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ, tăng cường quản lý, giám sát và siết chặt kỷ luật công vụ trong hoạt động của đội ngũ công chức QLTT các cấp.

Đến nay, Tổng cục QLTT đã tổ chức thực hiện xây dựng, quản lý và triển khai sử dụng có hiệu quả các hệ thống phần mềm bao gồm các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để nâng cao năng lực của lực lượng QLTT trên toàn quốc.

Giai đoạn 2018-2022 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực thi hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và quản lý, giám sát việc thực thi công vụ của lực lượng QLTT phù hợp với chủ trương chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử cũng như xu hướng phát triển của thương mại điện tử trong bối cảnh mới. Các hệ thống phần mềm quản lý công tác văn thư, chế độ báo cáo, quản lý công chức, quản lý tang vật, quản lý địa bàn và quản lý công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính... đã được triển khai vận hành xuyên suốt trong lực lượng từ trung ương đến địa phương. Từ quý I năm 2022, điện tử hóa toàn bộ hệ thống ấn chỉ giấy trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ QLTT; sử dụng biểu mẫu in sẵn trong trường hợp không thể soạn thảo trên máy tính điện tử hoặc trên hệ thống INS.

Công tác thông tin truyền thông được xác định là một trong 06 nhiệm vụ chính mà Ban Lãnh đạo Tổng cục quan tâm triển khai kể từ khi lực lượng QLTT chuyển đổi hoạt động theo mô hình ngành học. Theo số liệu thống kê, từ năm 2018-2023, các Kênh thông tin truyền thông Tổng cục QLTT (dms.gov.vn; qltt.vn) đã đăng tải trên 14.000 tin/ bài/Bản tin về hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng QLTT trên cả nước. Đặc biệt, việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 260/GP-BTTTT ngày 12/5/2021 về việc cấp phép hoạt động cho Tạp chí Quản lý thị trường, bao gồm Tạp chí in và Tạp chí điện tử là điểm nhấn quan trọng trong công tác truyền thông. Đây là cơ quan ngôn luận đầu tiên của lực lượng QLTT góp phần tuyên truyền về chủ trương, chính sách, hoạt động công vụ của lực lượng QLTT đến đông đảo bạn đọc.

Đưa vào khai thác sử dụng từ cuối năm 2021, đến nay Phòng trưng bày của Tổng cục Quản lý thị trường do Văn phòng Tổng cục phụ trách đã tổ chức 09 lượt trưng bày với các chủ đề khác nhau. Chương trình Trưng bày thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, tìm hiểu về sản phẩm, dấu hiệu nhận biết, phân biệt giữa sản phẩm thật - sản phẩm vi phạm.

Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cũng triển khai tốt công tác phối hợp trong hoạt động của lực lượng QLTT. Theo đó, ở trung ương, Tổng cục QLTT là thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và là thương trực Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương. Ở địa phương, 56/63 Cục QLTT là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP. Làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm tàng trữ, vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT.

Đối với công tác kiểm tra nội bộ, thực hiện gần 1.500 cuộc qua đó góp phần nâng cao nhận thức của công chức QLTT trong thực hiện các hoạt động công vụ của lực lượng QLTT.

Trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, Tổng cục QLTT đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Công Thương ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc. Ký Văn bản ghi nhớ với Văn phòng Sáng chế Nhật Bản, Bộ Kinh  tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản trong việc bảo vệ và thực thi quyền SHTT; Bản ghi nhớ về hợp tác trong tăng cường bảo hộ và thực thi quyền SHTT với Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc; Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn LVMH MOET HENNESSY – LOUIS VUITON. Tổ chức làm việc, ký kết và triển khai nhiều Quy chế phối hợp với các đối tác, nhãn hàng lớn trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức như: Bộ Công nghiệp và Thương mại Lào, Tập đoàn P&G, Tập đoàn SCHOTT AG, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Hiệp hội vòng bi thế giới, Hiệp hội công nghiệp vòng vi Nhật Bản, Văn phòng Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ, Công ty TNHH Acecook Việt Nam, Tập đoàn LEGO Việt Nam, Đại sứ quán Ý và Tập đoàn Luxottica…

Đối với công tác xã hội, hỗ trợ tiêu thụ gần 5.000 tấn vải thiều Bắc Giang. Hàng năm phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương phát động Chương trình hiến máu tình nguyện thu hút hàng ngàn công chức QLTT tham gia. Trồng gần 120.000 cây xanh nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành truyền thống lực lượng QLTT.

Trong ngày đầu tiên tham gia Tập huấn, các đơn vị đã được nghe 07 chuyên đề báo cáo chuyên sâu về những lĩnh vực quan trọng trong hoạt động QLTT như kế hoạch kiểm toán nội bộ giai đoạn 2019-2023 và triển khai đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT; thực trạng công tác xử lý vi phạm hành chính giai đoạn 2019-2023, kết quả, nguyên nhân và giải pháp; đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo sau 05 năm thành lập; công tác tổ chức cán bộ 05 năm thành lập Tổng cục và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; đánh giá kết quả Chuyển đổi số sau 05 năm thành lập Tổng cục và phương hướng trong giai đoạn tiếp theo; báo cáo đánh giá công tác kiểm tra thị trường hoạt động theo mô hình ngành dọc và các biện pháp nâng cao nghiệp vụ QLTT

Đồng chí Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế trao đổi với Hội nghị về thực trạng công tác xử lý vi phạm hành chính giai đoạn 2019-2023, kết quả, nguyên nhân và giải pháp

Đồng chí Trần Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo trước Hội nghị về công tác tổ chức cán bộ 05 năm thành lập Tổng cục và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT báo cáo đánh giá công tác kiểm tra thị trường hoạt động theo mô hình ngành dọc và các biện pháp nâng cao nghiệp vụ QLTT

Đồng chí Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ giải đáp những vướng mắc của đại biểu tham dự Hội nghị về các nội dung liên quan đến công tác chuyên môn của lực lượng QLTT

Đồng chí Ngô Khánh An, Văn phòng Tổng cục QLTT báo cáo đánh giá kết quả Chuyển đổi số sau 05 năm thành lập Tổng cục và phương hướng trong giai đoạn tiếp theo

Định hướng phát triển

Theo Lãnh đạo Tổng cục QLTT, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, hướng tới xây dựng lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, trong thời gian tới, toàn lực lượng QLTT sẽ chú trọng cấp cơ sở, coi các Đội QLTT là hạt nhân. Thay đổi toàn diện phương thức làm việc, chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa, trở thành lực lượng phản ứng nhanh, thông suốt hiệu quả 24/7. 

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trong ngày 13/10/2023

Tập trung phòng chống và xử lý hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung. Siết chặt kỷ luật công vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đơn vị.

Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục tổ chức triển khai 03 Đề án trọng tâm sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kiểm tra kiểm soát thị trường có trọng tâm, hiệu lực, hiệu quả. Áp dụng chữ ký số trong hoạt động kiểm tra, xử lý VPHC của lực lượng QLTT. Nâng cao chất lượng xử lý tài sản là tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu. Tiếp tục giới thiệu, bổ nhiệm người đứng đầu Cục QLTT cấp tỉnh không phải là người ở địa phương đối với một số địa bàn, nhất là những địa bàn trọng điểm; điều động. luân chuyển cán bộ phụ trách địa bàn. Tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra công vụ đối với công chức, đơn vị thuộc Tổng cục QLTT. Duy trì kiểm tra, sát hạch chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức QLTT.

Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, Lãnh đạo Tổng cục QLTT đã trao tặng bằng khen cho 19 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2023 chào mừng 05 năm thành lập Tổng cục.

Lãnh đạo Tổng cục QLTT trao Giấy khen cho 19 đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trao thi đua lập thành tích chào mừng 05 năm thành lập Tổng cục QLTT

Quyên Lưu
Tổng cục Quản lý thị trường