Bộ Công thương ban hành Thông tư hướng dẫn một số quy định về thanh tra chuyên ngành Công thương

Bộ Công thương vừa ký ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BCT ngày 30/6/2020 hướng dẫn một số quy định về thanh tra chuyên ngành Công thương. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020 và thay thế Thông tư số 15/2016/TT-BCT ngày 10/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Công thương hướng dẫn một số quy định về thanh tra chuyên ngành Công thương.
Ảnh: sưu tầm từ Internet.
Một số nội dung đáng chú ý của Thông tư 14/2020/TT-BCT gồm:
1. Về phạm vi điều chỉnh:
Thông tư 14/2020/TT-BCT hướng dẫn về bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; nhiệm vụ, quyền hạn của Cục thuộc Tổng cục Quản lý thị trường; trang phục, tiêu chuẩn, Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương và kế hoạch thanh tra chuyên ngành.
So với Thông tư 15/2016/TT-BCT thì Thông tư 14/2020/TT-BCT bổ sung thêm 02 phạm vi điều chỉnh: nhiệm vụ, quyền hạn của Cục thuộc Tổng cục Quản lý thị trường và kế hoạch thanh tra chuyên ngành.
2. Quy định cụ thể mô hình tổ chức của Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành.
Khoản 1, Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCT quy định có 02 mô hình tổ chức bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành: tại Tổng cục tổ chức theo mô hình Vụ; tại Cục thuộc Bộ Công Thương, Cục thuộc Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức theo mô hình Phòng.
3. Thay đổi liên quan quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu:
Khoản 2, Điều 3 quy định khi bộ phận tham mưu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại 02 Nghị định gồm Nghị định 127/2015/NĐ-CP ngày 14/12/2015 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công thương và Nghị định số 54/2020/NĐ-CP ngày 18/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 127/2015/NĐ-CP.
Thông tư 14/2020/TT-BCT bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phân tham mưu như: làm đầu mối phối hợp với Thanh tra Bộ Công thương trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra và điều chỉnh kế hoạch thanh tra hàng năm theo yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ, của cơ quan, tình hình thực tế (Điểm b, khoản 2, Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCT). Ngoài ra, bộ phận tham mưu còn có nhiệm vụ kiến nghị xử lý hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật (Điểm d, khoản 2, Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCT); đề nghị các cơ quan cử người tham gia Đoàn thanh tra chuyên ngành (Điểm e, khoản 2, Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCT); xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra (Điểm g, khoản 2, Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCT).
Riêng đối với nhiệm vụ tham mưu, giúp thủ trưởng cơ quan trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, Thông tư 14/2020/TT-BCT bỏ quy định thực hiện kế hoạch thanh tra được “Giám đốc Sở Công thương phê duyệt”.
4. Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Thông tư 14/2020/TT-BCT bổ sung 02 nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành: tạm đình chỉ sử dụng Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành theo quy định tại Điều 12 của Thông tư 14/2020/TT-BCT; chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn của người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và việc đề nghị cấp thẻ. (khoản 4, khoản 5 Điều 4 Thông tư 14/2020/TT-BCT).
Ngoài ra, Thông tư cũng bãi bỏ nhiệm vụ trình cấp có thẩm quyền về thành lập bộ phận tham mưu, quyết định giao đầu mối kiêm nhiệm tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại đơn vị.
5. Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cục thuộc Tổng Cục Quản lý thị trường.
Điều 5 Thông tư 14/2020/TT-BCT quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cục thuộc Tổng Cục Quản lý thị trường gồm 03 nhiệm vụ: xây dựng và gửi kế hoạch thanh tra hằng năm tới Tổng cục tổng hợp gửi Thanh tra Bộ trình Bộ trưởng phê duyệt; gửi Tổng cục tổng hợp việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra gửi Thanh tra Bộ trình Bộ trưởng phê duyệt; thực hiện kế hoạch thanh tra hằng năm sau khi được Bộ trưởng phê duyệt. Đồng thời, quy định 03 quyền hạn: cử công chức của cơ quan tham gia các Đoàn thanh tra liên ngành tại địa phương do các Sở, Ban ngành địa phương chủ trì; theo phân cấp quản lý, thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.
6. Thay đổi quy định tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành:
Khoản 2, Điều 7 Thông tư 14/2020/TT-BCT quy định người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải có Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên trở lên hoặc thanh tra chuyên ngành do cơ quan có thẩm quyền cấp (so với trước đây chỉ cần có chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng).
7. Bãi bỏ một số quy định về hồ sơ đề nghị cấp Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành:
Về hồ sơ cấp mới Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành: Thông tư 14/2020/TT-BCT quy định gồm 03 thành phần hồ sơ: công văn đề nghị của Thủ trưởng cơ quan gửi Bộ Công Thương đề nghị cấp Thẻ; danh sách đề nghị cấp mới Thẻ; ảnh công chức mặc trang phục ngành được đề nghị cấp Thẻ (02 ảnh cỡ 20mm x 30mm) chụp trong vòng 6 tháng có ghi rõ họ tên, cơ quan phía sau ảnh và trên phong bì đựng ảnh. (Khoản 1, Điều 10 Thông tư 14/2020/TT-BCT).
Đối với hồ sơ cấp lại Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành: gồm 03 thành phần hồ sơ: công văn đề nghị của Thủ trưởng cơ quan gửi Bộ Công Thương đề nghị cấp lại Thẻ; danh sách đề nghị cấp lại Thẻ; ảnh công chức mặc trang phục ngành đề nghị được cấp Thẻ (02 ảnh cỡ 20mm x 30mm) chụp trong vòng 6 tháng có ghi rõ họ tên, cơ quan phía sau ảnh và trên phong bì đựng ảnh.
Như vậy, so với Thông tư 15/2016/TT-BCT thì có một số điểm mới như sau:
+ Đối với hồ sơ cấp mới Thẻ bãi bỏ 04 thành phần hồ sơ quy định cần có: quyết định phân công công chúc thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (bản chính); quyết định bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc quyết định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; sơ yếu lý lịch; chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên hoặc thanh tra chuyên ngành còn thời hạn do cơ quan có thẩm quyền cấp.
+ Đối với hồ sơ cấp lại Thẻ bãi bỏ 01 thành phần hồ sơ quy định cần có: chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên hoặc thanh tra chuyên ngành còn thời hạn do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Ngoài ra, Thông tư 14/2020/TT-BCT cũng quy định cụ thể về thời gian ảnh công chức chụp phải trong vòng 06 tháng.
8. Quy định sử dụng Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành:
Khoản 3, Điều 11 Thông tư 14/2020/TT-BCT quy định “Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành phải có Thẻ trong quá trình tiến hành thanh tra”. Đây là quy định mới so với Thông tư 15/2016/TT-BCT ngày 10/8/2016 của Bộ Công thương hướng dẫn một số quy định về thanh tra chuyên ngành Công thương.
9. Tạm đình chỉ sử dụng Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành:
Thông tư 14/2020/TT-BCT quy định thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ban hành Quyết định tạm đình chỉ sử dụng Thẻ đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc quyền quản lý và báo cáo về Bộ Công Thương trong 04 trường hợp: có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật mà chưa có quyết định xử lý; đang trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật; bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách trở lên; bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam.
10. Thu hồi thẻ:
Điều 13 Thông tư 14/2020/TT-BCT quy định thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ban hành Quyết định thu hồi Thẻ của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cắt góc Thẻ trước khi nộp và báo cáo về Bộ Công Thương trong 03 trường hợp: chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác hoặc nghỉ hưu, thôi việc; từ trần khi đang trong thời gian công tác; bị Tòa án kết án bằng bản án hình sự có hiệu lực pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc; mất năng lực hành vi dân sự.
So với Thông tư 15/2016/TT-BCT thì Thông tư 14/2020/TT-BCT đã bổ sung 02 trường hợp thu hồi thẻ gồm: bị Tòa án kết án bằng bản án hình sự có hiệu lực pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc; mất năng lực hành vi dân sự. Sửa đổi quy định thu hồi thẻ khi “từ trần” thành “từ trần khi đang trong thời gian công tác”.
Đồng thời, bãi bỏ quy định thu hồi thẻ trong 03 trường hợp: mất tích, thẻ hết hạn sử dụng, công chức bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên khi thực thi công vụ, hết thời hiệu khiếu nại quyết định kỷ luật, bị xử lý hình sự hoặc khi công chức không còn được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Công thương.
Thông tư số 14/2020/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2020./.