Cục QLTT Bình Thuận chỉ đạo việc phổ biến, nghiên cứu, triển khai áp dụng nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan đến hoạt động công vụ của lực lượng QLTT

Thời gian qua, một số quy định mới của pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường được ban hành và có hiệu lực vào đầu năm 2022 như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020 (gọi tắt là Luật số 67/2020/QH14); Thông tư số 22/2021/TT-BCT ngày 10/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý, sử dụng biểu mẫu trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường; Thông tư số 20/2021/TT-BCT ngày 10/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2020/TT-BCT ngày 30/9/2020 quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường…
Nhằm kịp thời cập nhật các quy định mới, giúp cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đúng pháp luật, ngày 22/12/2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận ban hành Công văn số 1043/QLTT-TTPC chỉ đạo phổ biến, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó yêu cầu các Đội Quản lý thị trường, các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức phổ biến cho tất cả công chức trong đơn vị biết và tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật nói trên.
Qua nghiên cứu, Phòng Thanh tra - Pháp chế nhận thấy một số quy định mới có liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường cần được triển khai thực hiện tại đơn vị. Để tiện cho việc nghiên cứu, áp dụng cũng như tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn tỉnh, Phòng Thanh tra - Pháp chế lược trích một số quy định cụ thể như sau:
* Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cần nắm vững và áp dụng đúng một số quy định mới sau:
- Về thuật ngữ tái phạm
Giữa quy định về tái phạm và quy định về vi phạm hành chính nhiều lần tại Điều 2 Luật XLVPHC chưa có sự phân biệt rõ ràng, do vậy, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC về giải thích từ ngữ “tái phạm”, theo đó, tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt.
Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật XLVPHC: “1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính”.
- Về xử lý hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
Điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC quy định: Một người “vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”. Trong khi đó, điểm b khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC lại quy định: “vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết tăng nặng, theo đó, đây là tình tiết được người có thẩm quyền xem xét khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC quy định cụ thể về nguyên tắc xử phạt đối với từng hành vi trong trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần”, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.
Đề nắm rõ và áp dụng đúng quy định này, cần phân tích một số quy định có liên quan như sau:
+ Vi phạm hành chính nhiều lần quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật XLVPHC: “Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý”.
+ Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật XLVPHC sửa đổi bởi Luật số 67/2020/QH14: “Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây: Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; …; sở hữu trí tuệ; …hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; …; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; … thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm. Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.
+ Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính nhiều lần quy định tại đoạn 3 điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC sửa đổi bởi Luật số 67/2020/QH14: “Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng”.
+ Như vậy, chỉ áp dụng xử phạt về từng hành vi vi phạm đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần trong trường hợp Nghị định quy định xử phạt trong lĩnh vực đó không quy định hành vi vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng. Nói cách khác: khi xử phạt hành vi vi phạm hành chính, đã áp dụng tình tiết tăng nặng là vi phạm hành chính nhiều lần theo đúng quy định tại Nghị định quy định xử phạt trong lĩnh vực đó thì không xử phạt về từng hành vi vi phạm đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần.
- Về những hành vi bị nghiêm cấm
Luật số 67/2020/QH14 bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính tại khoản 6 và khoản 8a Điều 12 Luật XLVPHC do trong quá trình thi hành phát sinh trong thực tiễn như: “Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả”.
- Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường
Luật số 67/2020/QH14 bổ sung một số chức danh của lực lượng Quản lý thị trường có thẩm quyền xử vi phạm hành chính tại Điều 45 Luật XLVPHC như: Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; sửa đổi tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường và Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh; cụ thể: Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
“Điều 45. Thẩm quyền của Quản lý thị trường
…2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:[61]…c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này[62];
3. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:[63]
…c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính[64];
4. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:[65]…
Như vậy, khi Luật số 67/2020/QH14 có hiệu lực, thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Quản lý thị trường phải thực hiện theo đúng quy định nói trên và quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể.
- Về giao quyền xử phạt
Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cấp phó đồng thời với việc giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính tại khoản 2 Điều 54 Luật XLVPHC: “2. Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc, đồng thời với việc giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 119 của Luật này. Việc giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền”.
- Về lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại Điều 58
+ Về nguyên tắc lập biên bản vi phạm hành chính: Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.
+ Về địa điểm lập biên bản vi phạm hành chính: “2. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản”.
Như vậy cần lưu ý: Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại nơi không phải là nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính thì phải ghi rõ lý do vào biên bản vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, khi xác định thời gian và địa điểm xảy ra vi phạm hành chính trong biên bản vi phạm hành chính phải xác định là lúc và nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính.
+ Về trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản: Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng phù hợp với thực tiễn, nhất là giảm số người chứng kiến, tình huống trong những thời điểm, ở những nơi không thể mời được đại diện chính quyền cấp xã hoặc người chứng kiến: “Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản”.
+ Về việc chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản: “5. Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa”.
- Về thời gian tiến hành các thủ tục xử lý vi phạm hành chính
Hiện nay, Luật XLVPHC quy định thời gian tiến hành một số công việc quá ngắn, chưa phù hợp thực tế, không bảo đảm tính khả thi; thủ tục thực hiện một số công việc cũng chưa cụ thể dẫn đến sự lúng túng trong quá trình áp dụng pháp luật (thủ tục lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, giải trình…). Do vậy, Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập kể trên, cụ thể là:
+ Tăng thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại khoản 3 Điều 60 Luật XLVPHC từ 24 giờ lên 48 giờ: “Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện[103] để xác định giá trị không quá 48 giờ[104], kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, trong trường hợp thật cần thiết thì thời hạn có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 48 giờ[105]”
+ Quy định thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 66 Luật XLVPHC là tương đối ngắn (quy định là 07 ngày), đặc biệt là khi vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt, lập biên bản vi phạm hành chính trong ngày nghỉ, ngày lễ. Chính vì vậy, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 66 Luật XLVPHC theo hướng thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này.
+ Sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp và thủ tục giải trình tại Điều 61 Luật XLVPHC, đặc biệt bổ sung khoản 4 về tình huống thực hiện quyền giải trình sau khi không yêu cầu giải trình và trước khi hết thời hạn giải trình, quy định này phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan như Hiến pháp, Luật Dân sự trên cơ sở tôn trọng quyền của con người: “4. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không yêu cầu giải trình nhưng trước khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này lại có yêu cầu giải trình thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm”.
Như vậy, trong thời hạn giải trình quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 61 Luật XLVPHC, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải hết sức thận trọng trong việc ra quyết định xử phạt, kể cả trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có văn bản, ý kiến không yêu cầu giải trình; bởi vì trước khi hết thời hạn giải trình, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính vẫn được quyền giải trình.
- Về thủ tục, nguyên tắc áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn
Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung nguyên tắc áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn vào đoạn 2 khoản 3 Điều 25 Luật XLVPHC cho phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm hành chính trong đó có xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ: “Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung thời gian tước, đình chỉ được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì thời hạn tước, đình chỉ có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung thời gian tước, đình chỉ; nếu có tình tiết tăng nặng thì thời hạn tước, đình chỉ có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung thời gian tước, đình chỉ”.
- Về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu
Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến vấn đề này nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn như việc xác minh chủ sở hữu phương tiện; việc xử lý đối với tang vật, phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ mà không xác định được chủ sở hữu/ người vi phạm hoặc chủ sở hữu/ người vi phạm không đến nhận; việc xử lý đối với tang vật, phương tiện do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu, cụ thể như sau:
+ Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khoản 4 Điều 126 đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn việc thông báo, niêm yết công khai về tang vật, phương tiện bị tạm giữ (số lần thông báo, thời hạn thông báo, xử lý tài sản sau khi hết thời hạn thông báo, niêm yết công khai…):
“4.[177] Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 125 của Luật này khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:
a) Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
b) Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
4a.[178] Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 của Luật này khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
4b.[179] Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển cho cơ quan đã cấp các loại giấy tờ đó để tiến hành việc thu hồi theo quy định của pháp luật và thông báo cho người vi phạm biết”.
+ Đồng thời, Luật số 67/2020/QH14 cũng quy định về việc xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật dân sự tại quy định bổ sung đoạn 3 khoản 1 Điều 126 Luật XLVPHC: “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật dân sự thì bên nhận thế chấp được nhận lại tang vật, phương tiện hoặc trị giá tương ứng với nghĩa vụ được bảo đảm; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước”.
+ Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật số 67/2020/QH14 quy định theo hướng viện dẫn: “Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công” (bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 81 Luật XLVPHC), đồng thời, bãi bỏ Điều 82 Luật XLVPHC.
- Về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính
+ Về biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Điều 122 Luật XLVPHC quy định chỉ được áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên, việc quy định những trường hợp được áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính như Luật hiện hành là tương đối hẹp, gây khó khăn cho việc thi hành Luật XLVPHC. Do vậy, để bảo đảm tính đầy đủ, khắc phục bất cập trong thực tế hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có thẩm quyền trong thực hiện pháp luật, Luật đã bổ sung vào khoản 1 Điều 122 Luật XLVPHC một số trường hợp phải tạm giữ người theo thủ tục hành chính như: … cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác; cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
+ Về biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề
Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung vào khoản 3 Điều 125 Luật XLVPHC quy định cụ thể: thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: “3.[166] Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.
Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề tại các khoản 4 và 9 Điều 125 Luật XLVPHC theo hướng: Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; sau đó, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xem xét ra quyết định tạm giữ; đồng thời bỏ quy định về việc người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải ký vào biên bản tạm giữ. Cụ thể:
“4.[167] Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này và được thực hiện như sau:
a) Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định tại khoản 9 Điều này;
b) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ; quyết định tạm giữ phải được giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản.
Trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Đối với trường hợp tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì người tạm giữ phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý, nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
“9.[173] Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ và phải có chữ ký của người thực hiện việc tạm giữ, người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm; trường hợp không có chữ ký của người vi phạm thì phải có chữ ký của ít nhất 01 người chứng kiến. Biên bản phải được lập thành 02 bản, giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản”.
(Ghi chú: số trong dấu ngoặc móc này[167] là số thứ tự dùng để truy xuất nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật số 67/2020/QH14 tại Văn bản hợp nhất Luật XLVPHC số 31/VBHN-VPQH ngày 07/12/2020 của Văn phòng Quốc hội).
* Về Thông tư số 20/2021/TT-BCT:
Để phù hợp với các quy định của Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Thông tư số 20/2021/TT-BCT ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2020/TT-BCT như sau:
Thứ nhất, sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 18 như sau:
“b) Trường hợp tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra từ chối ký biên bản kiểm tra thì biên bản kiểm tra phải có chữ ký của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an cấp xã nơi tiến hành kiểm tra hoặc của ít nhất 01 (một) người chứng kiến (Thông tư 27 quy định 02 người chứng kiến) xác nhận việc tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra không ký vào biên bản kiểm tra và ghi rõ lý do từ chối vào biên bản.”.
Thứ hai, sửa đổi khoản 2 Điều 19 như sau:
“2. Trừ trường hợp Trưởng Đoàn kiểm tra đồng thời là người ban hành quyết định kiểm tra, trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm kết thúc việc lập biên bản kiểm tra (Thông tư 27 quy định 02 ngày làm việc) , Trưởng Đoàn kiểm tra phải báo cáo, đề xuất xử lý kết quả kiểm tra …
Thứ ba, sửa đổi đoạn mở đầu khoản 1 Điều 20 như sau:
“1. Trừ trường hợp kiểm tra theo yêu cầu của người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 13 của Thông tư này, ngay sau khi kết thúc việc thẩm tra, xác minh (Thông tư 27 là 03 ngày làm việc), người ban hành quyết định kiểm tra phải kết luận vụ việc và xử lý như sau:”
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 1 Điều 22 như sau:
“1. Đối với vụ việc đã lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 hoặc đoạn 2 khoản 4 Điều 19 hoặc Điều 20 của Thông tư này nhưng không thuộc thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường thì trong thời hạn 24 giờ (Thông tư 27 không quy định thời hạn) kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính, cơ quan Quản lý thị trường của người đã ban hành quyết định kiểm tra hoặc đang thụ lý vụ việc phải:”.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 24 như sau:
a) Trong thời hạn 24 giờ (Thông tư 27 không quy định thời hạn) kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính, ….
* Về Thông tư số 22/2021/TT-BCT:
Kể từ ngày 01/02/2022, khi Thông tư số 22/2021/TT-BCT có hiệu lực, việc sử dụng biểu mẫu thiết lập hồ sơ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính được thực hiện như sau:
- Biểu mẫu sử dụng trong hoạt động kiểm tra và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/2021/TT-BCT gồm 13 mẫu tại phụ lục kèm theo.
- Các mẫu biên bản và mẫu quyết định sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trên đây là lược trích một số quy định mới có liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường; Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đề nghị các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định mới nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi để Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận thực thi công vụ theo đúng quy định của pháp luật.