Họ tên, địa chỉ người tố cáo, người phản ánh hành vi tham nhũng là bí mật nhà nước độ Mật

Ngày 05/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 774/QĐ-TTg về Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
Bảo vệ bí mật nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước và bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Lộ bí mật nhà nước là trường hợp người không có trách nhiệm biết được bí mật nhà nước.
Bí mật nhà nước độ Mật gồm nhưng lĩnh vực nào?
Điều 7, Điều 8 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 quy định:
Căn cứ phạm vi bí mật nhà nước được quy định, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước.
Bí mật nhà nước độ Mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Danh mục bí mật nhà nước độ Mật thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng
1. Trong hoạt động thanh tra gồm: Kế hoạch tiến hành thanh tra đột xuất trước khi công bố với đối tượng thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra; Báo cáo kết quả thanh tra của thành viên Đoàn thanh tra, của Đoàn thanh tra; Nội dung Kết luận thanh tra chưa công khai.
2. Trong hoạt động giải quyết tố cáo gồm: Họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo, người được bảo vệ theo quy định của Luật Tố cáo, trừ trường hợp người tố cáo có yêu cầu khác; Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo trước khi công khai kết luận nội dung tố cáo; Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo trước khi công khai kết luận nội dung tố cáo.
3. Trong hoạt động phòng, chống tham nhũng gồm: Họ tên, địa chỉ, bút tích của người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng, trừ trường hợp người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng có yêu cầu khác; Nội dung báo cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi tham nhũng; Kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh, báo cáo về tham nhũng; Những thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là không công khai.
Quyết định 774/QĐ-TTg chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.