Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức

1. Khoản 2 Điều 4 về khái niệm công chức
- Khái niệm khẳng định công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với “vị trí việc làm”.
- Khái niệm mới không còn đối tượng công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
2. Điều 34 về phân loại công chức
Bổ sung thêm 01 loại công chức theo ngạch đó là “Loại đối với các ngạch công chức do Chính phủ quy định” bên cạnh công chức các loại A, B, C, D.
3. Điều 37 về phương thức tuyển dụng công chức
- Bỏ đối tượng được tuyển dụng thông qua xét tuyển: Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
- Bổ sung thêm 02 đối tượng được tuyển dụng thông qua xét tuyển gồm: Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
- Luật quy định hình thức tiếp nhận không thông qua thi tuyển, xét tuyển, cụ thể đối với:
“a) Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Cán bộ, công chức cấp xã;
c) Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;
d) Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương;
đ) Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác”.
4. Khoản 1 Điều 42 về ngạch công chức
Bổ sung thêm 01 loại ngạch công chức, ngạch này do Chính phủ quy định bên cạnh các ngạch Chuyên viên chính và tương đương, Chuyên viên và tương đương, Cán sự và tương đương, Nhân viên.
5. Điều 44 về nâng ngạch công chức
Bổ sung thêm hình thức xét nâng ngạch công chức, Luật 2008 chỉ có hình thức thi nâng ngạch.
6. Điều 56 về nội dung đánh giá công chức
Bổ sung thêm trường hợp sẽ tiến hành thực hiện đánh giá công chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
7. Điều 58 về phân loại đánh giá công chức
- Sửa đổi mức phân loại “Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực” thành “Hoàn thành nhiệm vụ”.
- Kết quả xếp loại chất lượng công chức phải được thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác (trước đây chỉ thông báo đến công chức được đánh giá).
8. Điều 79 về các hình thức kỷ luật đối với công chức
Bổ sung quy định: Hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
9. Điều 80 về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật
- Bổ sung quy định về 04 trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật.
- Thời hiệu được coi là không bị xử lý kỷ luật là 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng mà có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định nêu trên. Trong khi đó, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 áp dụng thời hiệu 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm cho tất cả các trường hợp.
- Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
10. Điều 82 về các quy định khác liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật
Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Trước đây là 12 tháng.
11. Điều 84 về việc áp dụng quy định của Luật Cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác
Bổ sung quy định xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.