Những bất cập, khó khăn trong thực hiện việc niêm yết giá hàng hóa theo quy định
Trong xu thế hội nhập, phát triển của kinh tế thị trường, đời sống kinh tế, nhu cầu của nhân dân ngày càng nhiều, nâng cao hơn. Hòa chung nhịp đập của thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng về mẫu mã, chất lượng với nhiều mức giá khác nhau, người tiêu dùng có thể thỏa mãn lựa chọn cho mình những sản phẩm ưng ý, phù hợp với mình. Do đó, các quy định về niêm yết giá được áp dụng bắt buộc đối với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ; việc niêm yết giá cả, công khai giá, bán theo giá niêm yết là việc làm rất cần thiết, quan trọng góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, thiết lập trật tự trong hoạt động mua bán, thể hiện nét văn minh thương mại. Đó vừa là biện pháp hạn chế việc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm bất ổn thị trường, vừa là công cụ để cơ quan nhà nước nói chung thực hiện tốt chức năng quản lý giá, góp phần ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, cũng như cơ quan quản lý thị trường nói riêng quản lý được chặt chẽ hơn không để tình trạng bán phá giá hay bán giá quá cao so với thị trường.
Niêm yết giá tại một số nhà hàng
Với vai trò quan trọng như thế, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình ổn thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng; ngày 20/6/2012, Chính phủ ban hành Luật giá số 11/2012/QH13 trong đó quy định rõ về niêm yết giá, trách nhiệm niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh và quyền của người tiêu dùng được cung cấp thông tin về giá của hàng hóa, dịch vụ.
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, bám sát các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh về công tác bình ổn giá, ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật các quy định của pháp luật, thực hiện đồng bộ các giải pháp về thực hiện niêm yết giá, bán theo giá niêm yết; đổi mới tư duy, phương thức kinh doanh, tạo dựng lòng tin với khách hàng hàng bằng việc bán những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, đúng giá niêm yết, đẹp mắt, tiện lợi nhằm đáp ứng những nhu cầu, thói quen mua bán hàng hóa tạo văn minh thương mại trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về niêm yết giá (từ năm 2018 đến nay, Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý 3.570 vụ về giá, thu nộp ngân sách gần 3 tỷ đồng).
Niêm yết giá tại một số nhà hàng
Hiện nay, tại các Trung tâm thương mại, Siêu thị, các cửa hàng kinh doanh trên các tuyến đường, phố, quốc lộ chính cơ bản đáp ứng tốt các điều kiện kinh doanh, có không gian rộng rãi, lắp đặt hệ thống làm mát, thông gió, chống côn trùng, hàng hóa được báy bán trên kệ, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, đảm bảo điều kiện bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thực hiện niêm yết giá trên từng sản phẩm đúng theo quy định; do vậy đã tạo cảm giác yên tâm cho người dân khi đến mua sắm tại đây và góp phần xây dựng văn minh thương mại trong kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện quy định về niêm yết giá tại các Chợ truyền thống vẫn đang còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn nhất định như:
Thứ nhất, công tác đầu tư, di chuyển, chuyển đổi mô hình quản lý chợ và một số chợ có quy mô nhỏ.
Thứ hai, do giá cả các loại hàng hóa thường xuyên biến động nên gây khó khăn cho việc thực hiện niêm yết giá.
Thứ ba, việc chấp hành các quy định về giá, bán hàng theo giá niêm yết của các tổ chức, cá nhân kinh doanh còn mang tính hình thức, đối phó với cơ quan chức năng; chưa có ý thức xây dựng văn minh kinh doanh thương mại.
Thứ tư, tại các chợ truyền thống các ki ốt không gian chật, mà lượng hàng hóa nhiều, đa dạng mẫu mã; bên cạnh đó thời tiết nắng nóng cho nên việc niêm yết giá trên các sản phẩm thì dễ bị bong, trôi mất; niêm yết trên bảng lại bị che khuất, khó quan sát.
Thư năm, hiện nay cùng với xu thế phát triển công nghệ thông tin loại hình kinh doanh bán hàng online tại các chợ truyền thống đang phổ biến.
Thứ sáu, sự vào cuộc của các ngành chức năng chưa thực sự được quan tâm, chú trọng.
Thứ bảy, chế tài quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm lần thứ hai trở lên vẫn còn thấp, chưa đủ mức răn đe đối với nhiều tổ chức, cá nhân.
Mặt khác, người tiêu dùng khi mua hàng vẫn đang theo thói quen cũ là thuận mua vừa bán cho nên việc niêm yết giá trên sản phẩm thì nhiều người vẫn còn mặc cả, trả giá; các hộ kinh doanh cơ bản là thực hiện thuế khoán hằng tháng cho nên việc xác định giá thành hàng hóa nhập vào, quản lý giá cả hàng hóa bán ra gặp rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng; các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa có cơ chế giám sát đối với giá trị thực của hàng hóa bán ra so với giá hàng hóa nhập vào; công tác hậu kiểm giá chưa được thường xuyên cho nên việc phát hiện các hành vi vi phạm về giá còn hạn chế. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT hoạt động trên địa bàn rộng, dàn trải, mỗi đội QLTT chỉ có 5 đến 7 người, phụ trách liên huyện.
Đoàn công tác của Cục làm việc với BQL bãi biển
Vì vậy, để tiếp tục góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho tổ chức cá nhân trong sản xuất, kinh doanh; góp phần giải quyết các hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các quy định về giá; bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, thiết lập trật tự trong hoạt động mua bán, thể hiện nét văn minh thương mại; góp phần ổn định thị trường đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nói chung và ý thức của người tiêu dùng với phương châm “hãy là người tiêu dùng thông thái” khi đi mua sắm hàng hóa, sử dụng các dịch vụ; Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải nghiêm túc chấp hành các quy định theo Pháp lệnh Giá hiện hành, niêm yết giá là quy định bắt buộc đối với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ; thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm để hướng tới văn minh thương mại trong hoạt động kinh doanh.